Hồi sinh rác thải

20/06/2019 16:44

(TN&MT) - Tái sử dụng, biến rác thải thành những sản phẩm hữu ích chính là việc chúng ta đã giải cứu “rác chết” góp phần giảm thiểu hiểm họa do ô nhiễm rác thải, đặc biệt, rác thải nhựa gây ra.

Anh 1 Thu gom vo hop sua
Một buổi thu gom vỏ hộp sữa đã qua sử dụng của NHC

Với quan điểm đó, một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM đã tập hợp thành lập một tổ chức xã hội để thực hiện chương trình “NHC - Hành trình giải cứu rác chết”. Bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2018,  “NHC - Hành trình giải cứu rác chết” đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo và hiệu quả thông qua việc rút những loại rác cụ thể ra khỏi rác thải bỏ để tái chế, giúp giảm bớt rác thải ra môi trường và tận dụng nguồn nguyên liệu.

Hướng dẫn trẻ em thu hồi vỏ hộp sữa

Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10 tỷ vỏ hộp (của nhiều nhãn hàng sữa và các loại nước uống đóng trong hộp giấy hiện đang có trên thị trường, gọi chung là vỏ hộp sữa giấy) được sử dụng và bỏ vào rác với thời gian phân hủy khá lâu do thành phần gồm 70% giấy, 30% là nhôm và nhựa. Ước tính, khoảng 100 vỏ hộp loại 180ml nặng 1 kg, như vậy, hàng trăm ngàn tấn vỏ hộp sữa giấy đang bị lãng phí vào rác, mặc dù, chúng có thể tái chế 100% thành các sản phẩm có ích như bìa carton, sổ, túi giấy và tấm lợp sinh thái được ép từ hỗn hợp nhôm nhựa.

Dù nhiều năm qua, Tetra Pak Việt Nam (một trong những đơn vị sản xuất vỏ hộp sữa với chính sách môi trường nhằm thu hồi tái chế sản phẩm của mình sau khi sử dụng) và Nhà máy giấy Đồng Tiến (đơn vị sở hữu công nghệ tái chế 100% vỏ hộp sữa giấy) đã có nhiều nỗ lực nhằm vận động thu hồi vỏ hộp sữa đã qua sử dụng nhưng không đạt kết quả như mong đợi. Nguyên nhân là do vỏ hộp sữa sau khi sử dụng không thể lưu trữ lâu (vì mùi hôi từ sữa cặn và côn trùng, kiến…), thể tích cồng kềnh dẫn đến chi phí thu gom cao… nên sau khi sử dụng xong, vỏ hộp sữa đã bị vứt bỏ như những loại rác thải sinh hoạt khác.

Anh 2 Chau Ngoc Cam Van
Châu Ngọc Cẩm Vân, đồng sáng lập và điều hành NHC đang hướng dẫn các bé mầm non cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi sử dụng

Với mong muốn giải quyết vấn đề rác thải từ ý thức của thế hệ tương lai, NHC chọn bắt đầu hành trình đầu tiên của mình từ trẻ em và những chiếc vỏ hộp sữa giấy, loại rác quen thuộc các em đang thải bỏ hàng ngày. Để xử lý khó khăn của việc thu gom vỏ hộp sữa giấy, NHC đã thành công trong việc nghiên cứu và phát triển “Miếng dán sinh thái” làm từ decal giấy có chứng chỉ FSCR để dán kín lỗ cắm ống hút sau khi sử dụng. Cách làm này kết hợp với biện pháp xếp dẹp vỏ hộp sữa giúp giảm 80% thể tích và hạn chế được mùi hôi, côn trùng khi lưu trữ, nhờ đó, vỏ hộp sữa được lưu trữ trong nhiều ngày với số lượng lớn, thuận tiện và giảm chi phí thu gom.

Khi giải pháp được thử nghiệm thành công, NHC chia sẻ thông tin đến hệ thống trường học nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình giáo dục cho học sinh và giáo viên các trường học tham gia thu hồi vỏ hộp sữa để tái chế, đồng thời, kết nối các bên cùng thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của mình để giải quyết vần đề rác thải.

Việc thu hồi vỏ hộp sữa tại các trường học nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô giáo, các em học sinh. Bên cạnh mục đích thu gom tại nguồn vỏ hộp sữa giấy đem đi tái chế, hoạt động này là bài giảng trực quan sinh động nhất trong công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ. Sau hơn 6 tháng triển khai, đến nay, có hơn 2 triệu vỏ hộp sữa (khoảng 20 tấn) đã được thu hồi tại hơn 250 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…

Lan tỏa rộng khắp

Không chỉ tổ chức thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học, Fanpage của “NHC - Hành trình giải cứu rác chết” còn nhận được sự quan tâm, liên hệ của nhiều cá nhân, tổ chức muốn được tham gia phân loại, giao nộp vỏ hộp sữa đúng cách. Vì vậy, đến nay, NHC đã tổ chức 40 trạm thu gom vỏ hộp sữa cộng đồng, 5 điểm thu gom định kỳ của 163 chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… tại 18 quận huyện trên địa bàn TP.HCM để chuyển đến nhà máy tái chế.

Bên cạnh đó, cứ hai tuần một lần, NHC đứng ra tổ chức hoạt động Ngày thứ Bảy tái chế cùng với Hội Phụ nữ quận Gò Vấp và Đoàn Thanh niên quận Thủ Đức. Tại đây, ngoài việc thu hồi vỏ hộp sữa, NHC còn kết nối với các đơn vị khác có hoạt động thu hồi tương tự (như Chương trình Việt Nam Tái chế thu hồi rác thải điện tử, hoạt động thu hồi túi ni lông, pin đã qua sử dụng…) để các đơn vị, người dân có thể dễ dàng tập trung các loại rác họ đã phân loại, giúp tái chế hoặc xử lý đúng cách. Đồng hành cùng hoạt động này còn có sự tham gia của các doanh nghiệp để tặng cây xanh, sản phẩm thân thiện môi trường, túi rác bằng tinh bột phân hủy sinh học… cho các cá nhân, đơn vị tham gia.

Ngoài ra, sau 4 tháng nghiên cứu đặc điểm và thí điểm thùng rác thông minh giúp phân loại triệt để rác phát sinh tại 3 chuỗi F&B, đến nay, “NHC - Hành trình giải cứu rác chết” đã có giải pháp có thể giúp tách 50 - 70% rác phát sinh tại các quán nước, quán trà sữa để thu hồi tái chế (đặc biệt là ống hút, ly nhựa, ly giấy…). Đến nay, NHC đã chính thức thí điểm hợp tác cùng 2 chuỗi coffee shop với tổng số hơn 200 quán tại Hà Nội và TP. HCM để tiến hành phân loại và thu hồi toàn bộ rác thải nhựa phát sinh tại các quán này, ước tính, khối lượng thu hồi trung bình khoảng 20 tấn/tháng (gồm ly nhựa, ống hút, ni lông, bao bì nhựa…).

Châu Ngọc Cẩm Vân - cán bộ trẻ làm việc tại Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT TP.HCM cho rằng: Trong khi chưa thể hoàn toàn hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần tại các quán này, việc phân loại tại nguồn để rác phát sinh được thu hồi tái chế rất cần thiết, đặc biệt là rác thải nhựa. Đây là giải pháp cần phổ biến rộng rãi để giải quyết lượng rác thải nhựa dùng 1 lần cực kỳ lớn tại các chuỗi hàng quán, các rạp chiếu phim, siêu thị hay tòa nhà văn phòng…

Hành trình mới chỉ bắt đầu

Châu Ngọc Cẩm Vân cho rằng: “Thành công không phải là đích đến mà là một hành trình” - Hành trình giải cứu rác chết, chỉ mới bắt đầu! Chính vì vậy, NHC đã xây dựng một lộ trình đầy táo bạo và thử thách. Dự kiến vào tháng 9/2019, NHC phát triển mạng lưới 1.000 trường học (với hơn 500.000 học sinh) tại TP.HCM và TP. Hà Nội, vào tháng 12/2019 có 5 chuỗi coffee shop (400 quán) tham gia hoạt động phân loại và thu hồi rác thải với tổng lượng thu hồi đạt mức trung bình 30 tấn rác/tháng.

Không chỉ tại TP.HCM, TP. Hà Nội, hiện NHC đang cùng các bên liên quan xúc tiến thí điểm và triển khai hoạt động thu hồi tái chế các loại “rác chết” tại một số tỉnh thành như: Bình Dương, Kiên Giang, Hà Nội, Nghệ An, Vũng Tàu, Tiền Giang…

Châu Ngọc Cẩm Vân cho biết: “NHC - Hành trình giải cứu rác chết” được vận hành với mong muốn kết nối tất cả các bên liên quan từ nguồn phát thải, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay giải quyết vấn đề rác thải. NHC kỳ vọng, với những nỗ lực của mình và các bên liên quan, 20 năm sau, vấn đề rác thải sinh hoạt tại Việt Nam sẽ được giải quyết triệt để.

Câu chuyện phân loại rác tại nguồn được NHC xác định là hành động trọng tâm, mang tính quyết định. Đây là câu chuyện về việc tạo dựng hành vi, duy trì thói quen, điều đó, không thể xảy ra trong ngày một, ngày hai, mà là một hành trình rất dài.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO