Hồi sinh môi trường xanh sau bão lũ

Phóng sự của Võ Hà và Lan Anh| 21/11/2022 19:56

(TN&MT) - Cứ vào mùa mưa lũ là thời điểm người dân miền Trung phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm.

Vệ sinh môi trường sau lũ là cấp bách

Có lẽ, lũ lụt là thời điểm khiến người ta nhìn rõ hơn tác hại của việc xả rác bừa bãi. Sau khi nước rút, đường phố, bờ biển lại tràn ngập rác thải, túi nilong, đồ gia dụng hư hỏng…. Chỉ riêng cơn bão số 5, lực lượng công nhân môi trường tại Đà Nẵng đã phải thu gom, xử lý lượng rác khổng lồ lên đến 25.400 m3 rác cành cây và khoảng gần 30.000 tấn rác thải sinh hoạt. Không chỉ làm ban ngày, công nhân môi trường phải làm việc xuyên đêm nhưng vẫn phải mất gần 10 ngày mới cơ bản trả lại cảnh quan đô thị ban đầu.

moitruong2.jpg
Chung tay thu dọn bùn non, vệ sinh trường lớp sau lũ để đưa các em được đến trường sớm nhất

Chị Trần Thị Liên, công nhân môi trường đội 4, xí nghiệp môi trường Hải Châu cho biết: Mỗi lần bão gió hay mưa lũ thì quả thực mỗi người công nhân phải dồn sức gấp nhiều lần để làm việc vẫn chỉ chừng ấy con người, chừng ấy dụng cụ, chừng ấy thời gian nhưng lượng rác thải nhiều gấp bội. “Cứ đến mùa mưa lũ là công nhân chúng tôi thấp thỏm. Đi làm từ 5-6h sáng đến tận đêm khuya 11-12 giờ đêm mới về. Tất cả đều cố gắng hết sức mình cho đường phố nhanh sạch đẹp, hạn chế rác tồn động lâu ngày dễ phát sinh gây ô nhiễm môi trường.”- chị Liên chia sẻ.

rac.jpg
TP. Đà Nẵng ngổn ngang rác thải sau lũ 

Để trả lại đường phố, bãi biển sạch đẹp, ngăn nắp bên cạnh lực lượng công nhân môi trường đó còn là sự chung tay của hàng ngàn người là đoàn viên thanh niên, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và người dân tổng dọn vệ sinh. Gác lại những cuộc hẹn cuối tuần, những bộn bề công việc, các lực lượng quân đội, công an, thanh niên đã chia thành từng tốp để dọn vệ sinh sạch sẽ khu phố, khơi thông cống rãnh, vũng nước tù đọng, khôi phục cây xanh….

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cảnh tượng rác thải nhếch nhác, ngập tràn rác thải, ô nhiễm sau mưa lũ đã được thu dọn sạch sẽ và thay vào đó là hồi sinh đầy sức sống của phố phường. Biển xanh đón khách trở lại, giao thông lại tấp nập như chưa từng có cơn bão lũ nào quét qua.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng cho biết: Sau lũ, công việc được địa phương trước mắt là giải quyết tốt vấn đề môi trường để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan. Tất cả các lực lượng được huy động, máy móc được tăng cường cùng nỗ lực làm lại những gì đã làm được trước khi mưa lũ tàn phá.

moitruong1.jpg
Xử lý môi trường sau lũ được xem là nhiệm vụ cấp bách để đưa cuộc sống trở lại bình thường

“Trong thời gian chưa đầy một tháng qua, thành phố hứng chịu cơn bão số 4, số 5, mặc dù ảnh hưởng là hết sức nặng nề, nhiệm vụ khắc phục môi trường sau lũ rất khó khăn nhưng với sự chung sức, chung lòng đã trở thành một truyền thống tốt đẹp thì cuộc sống và cảnh quan đã nhanh chóng trở lại bình thường” – ông Chương chia sẻ.

Kinh nghiệm phòng dịch bệnh sau lũ

Ông cha ta đã đúc kết “Nhất thủy, nhì hỏa” ngụ ý nói rằng nước lũ còn tàn phá hơn cả giặc lửa. Quả thật năm 2022, người dân miền Trung đã phải sống trong cảnh “lũ chồng lũ” liên miên và hệ luỵ nặng nề bởi hiện tượng mưa lũ dị thường và cực đoan. Thực tế cho thấy, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, sau lũ người dân còn phải đối mặt ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Nguyên nhân là do khi bão, lụt xảy ra trên diện rộng, các mầm bệnh dễ lây lan theo nguồn nước... Ngoài ra, do qua mệt mỏi vì ứng phó với mưa lũ cũng khiến cho sức đề kháng của con người suy giảm, nguy cơ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. 

Tại vùng “rốn lũ” huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, sau nhiều đợt mưa lũ liên tiếp từ tháng 10 đến đầu tháng 11/2022, hàng loạt các giếng nước bị ngập sâu trong lũ và ô nhiễm không thể sử dụng. Người dân cho biết, trải qua nhiều đợt mưa lũ, bà con đã chủ động dùng nắp đậy hoặc tấm vải nylon bịt miệng giếng đào để bảo vệ nguồn nước. Thế nhưng, nước trong giếng vẫn bị đục ngàu và ô nhiễm rất nặng.

moitruong5.jpg
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân xã Hành Dũng xử lý giếng nước bị ô nhiễm sau lũ

Để xử lý nguồn nước giếng bị ô nhiễm, bà Huỳnh Thị Hai (55 tuổi), trú xã Đại Lãnh cho biết, nước rút việc đầu tiên là lo dọn dẹp nhà cửa và xử lý nguồn nước. Sau khi tháo bỏ nắp đậy trên miệng giếng, bà đã múc nước dưới giếng dội xung quanh thành giếng làm cho trôi sạch hết đất cát và sàn nền giếng. Cuối cùng bà bỏ thuốc xuống khử trùng xuống giếng để xử lý nguồn nước.

“Sau mỗi lần lũ tràn qua, giếng nước bị ô nhiễm đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" đối với người dân vùng rốn lũ. Vì vậy, mỗi lần dự báo sắp mưa lũ lớn, chúng tôi tranh thủ bơm nước giếng chưa bị nhiễm bẩn lên bồn để dự trữ, mới có nguồn nước sinh hoạt tạm thời sau lũ” – bà Hai chia sẻ.

Không chỉ “khát” nước sạch sau lũ, người dân Quảng Nam còn đối diện với tình trạng báo động đỏ của dịch bệnh sốt xuất huyết. Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, trung bình một tuần hiện nay địa phương đang ghi nhận 900 ca mắc sốt xuất huyết. Báo động mức độ lây lan mạnh trong cộng đồng. Đặc biệt, miền Trung đang ở mùa mưa, tại nhiều khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao nước đọng đã tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi.

Tại TP. Đà Nẵng, xác định việc xử lý môi trường sau mưa lũ là hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng virus gây bệnh có thể phát triển, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phân bổ 34.000 viên Aquatabs, 280kg Chloramin B để phục vụ công tác xử lý nước, xử lý môi trường. Ngoài ra, lực lượng y tế địa phương cũng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường tại hộ gia đình như thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh các giếng khoan, giếng đào, nguồn nước tự chảy, bể chứa nước ngầm, xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn sau mưa, diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng…

moitruong6(1).jpg
Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường tại hộ gia đình

Thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra hết sức nặng nề, không những thiệt hại về người, tài sản mà còn tác động lớn đến môi trường sinh thái. Vậy nhưng, với tinh thần đoàn kết, kiên cường người dân miền Trung lại tiếp tục “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, tái thiết đưa cuộc sống trở lại bình thường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh môi trường xanh sau bão lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO