Hội nông dân Hậu Giang: Tích cực tham gia bảo vệ môi trường

17/05/2017 00:00

(TN&MT) - Theo ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, thực hiện công tác phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua Hội Nông dân đã chỉ đạo cho các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng các hoạt động hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng, vườn; ra quân dọn dẹp rác thải trên các tuyến đường; triển khai các mô thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật...

Hiện nay Hội Nông dân ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được mô hình điểm thu gom, lưu chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay Hội Nông dân ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được mô hình điểm thu gom, lưu chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật.

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đều ký kết liên tịch với Hội Nông dân trong việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình thu gom rác thải. Từ công tác phối hợp này, trong năm 2016, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã triển khai được 119 mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường; hỗ trợ các xã, phường thị trấn, đặc biệt là những xã được chọn xây dựng nông thôn mới xây dựng hàng trăm hố chứa rác...

Tỉnh Hậu Giang có tới 82.000ha đất trồng lúa; 11.000ha đất trồng mía; 3.000ha đất trồng bưởi... Để bảo đảm năng xuất cây trồng cũng như phòng ngừa các loại bệnh phát sinh, nông dân ở Hậu Giang đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, do đó khối lượng chất thải nguy hại như bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngày một phát sinh nhiều, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nguồn nước ở kênh rạch. Nhận biết được vấn đề này, "Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, thì chúng tôi còn phát động các cấp hội triển khai xây dựng các mô hình thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật và bước đầu đã đạt kết quả, điển hình là mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật do Hội Nông dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A đang thực hiện".- Ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết.

Do công tác thu gom chưa được kịp thời, nên nhiều hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật bị ùn ứa ra ngoài.
Do công tác thu gom chưa được kịp thời, nên nhiều hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật bị ùn ứa ra ngoài.

Với mục đích thu gom, hạn chế bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trên ruộng, vườn, kênh rạch, năm 2015, Hội Nông dân xã Trường Long A đã triển khai mô hình thu gom loại rác thải này. Cứ vào mỗi vụ lúa, các hội viên Hội Nông dân xã Trường Long A lại tập hợp cùng nhau đi thu gom hàng trăm ký vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn bỏ lại trên đồng ruộng và đưa về hố rác lưu chứa chờ cơ quan, đơn vị có thẩm quyền vận chuyển xử lý.

Theo ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, trên cơ sở những kết quả đạt được trong công tác thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật của Hội Nông dân xã Trường Long A, trong năm 2017 Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu mỗi cấp hội cơ sở phải chọn 1 ấp để xây dựng mô hình thu gom rác thải và hiện nay 76 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện hoàn thành việc xây dựng mô hình thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật, công, đặc biệt có những xã đã triển khai được ở tất cả các ấp.

Ông Võ Văn Sum, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A cho biết, toàn xã có gần 600ha đất trồng lúa và trồng cây lâu năm, nên sau mỗi mùa vụ nhiều bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ hiện diện ở trên bờ và dưới kênh. Thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, Hội Nông dân của xã đã triển khai mô hình điểm thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại ấp Thạnh Lợi A. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế địa phương đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường để được công nhận xã nông thôn mới, nên Hội Nông dân quyết định triển khai mô hình thu gom này ra tất cả 8 ấp để các hội viên của hội cùng tham gia. "Hiện nay phần lớn hội viên đã thực hiện việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã xử dụng bỏ vào hố lưu chứa, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận hội viên chưa phân loại rác sinh hoạt, rác nguy hại mà bỏ chung vào hố. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên phân loại rác thải, tạo điều kiện thuận lợi cho  các cơ quan, đơn vị thu gom đi xử lý"- Ông Võ Văn Sum, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A nói.

Hiện nay, nông dân tỉnh Hậu Giang đang tích cực tham gia vào các hoat động bảo vệ môi trường, tuy nhiên để duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả từ những hoạt động này, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn để tất cả hội viên Hội Nông dân nhận thức đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường, thì "Các ngành chức năng, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ dụng cụ thu gom rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật, vì công việc này rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của những hội viên trực tiếp tham gia. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị có chức năng cần sớm thu gom xử lý rác thải để tránh tình trạng ùn ứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại các hố chứa đã xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua"- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, Trần Văn Trợ kiến nghị.

Lê Hùng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nông dân Hậu Giang: Tích cực tham gia bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO