Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã

15/11/2016 00:00

(TN&MT) – Trong 2 ngày  17 và 18/11 tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã (IWT) sẽ được tổ chức với sự tham gia của các phái đoàn cấp quốc gia, các tổ chức quốc tế và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài. Đây là Hội nghị quốc tế lần thứ ba về chủ đề trên và là lần đầu nước chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức.

10 tấn xác rùa biển bị phát hiện tại Khánh Hòa
10 tấn xác rùa biển bị phát hiện tại Khánh Hòa

Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm có hàng nghìn cá thể voi, tê tê, tê giác… bị săn bắt trái phép. Hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác không chỉ diễn ra ở phạm vi một quốc gia mà còn có sự tham gia của các tổ chức tội phạm quốc tế. Nếu không hành động kịp thời, rất có thể nhiều quần thể động vật, thực vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, từ khi gia nhập Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, chúng ta đã có nhiều nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thực thi có trách nhiệm công ước này. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm tăng cường thể chế, chính sách về bảo vệ ĐVHD, khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt và cải tiến khung pháp lý nói chung để bảo vệ chặt chẽ những loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam. Thêm vào đó, năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng đã được nâng cao rất nhiều so với 10 năm trước. Đặc biệt, tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ của các cán bộ và cơ quan thực thi pháp luật đã được nâng cao đáng kể.

Cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại Sơn La
Cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại Sơn La

Theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tại 6 đô thị lớn, các vi phạm về tiêu thụ ĐVHD trái phép đã giảm gần 1/3. Số lượng gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại đã giảm gần 70%. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng vi phạm về ĐVHD được người dân chủ động thông báo đã tăng gấp đôi, chỉ tính riêng số lượng tiếp nhận qua đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD của ENV 1800-1522. Lực lượng hải quan và công an đã triệt phá thành công nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, vảy tê tê tại các cảng và và khu vực biên giới. Các cơ quan chức năng tại các địa phương cũng đã khám phá và bắt giữ nhiều vụ buôn bán trái phép ĐVHD với quy mô lớn... Mới đây nhất, ngày 12/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức tiêu hủy hơn 2.000 kg ngà voi, 70 kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật tại Việt Nam trước sự chứng kiến của các cơ quan có trách nhiệm, đại diện Đại sứ quán các nước; các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ; các nhà báo trong nước và quốc tế...

Việc làm nêu trên diễn ra trước thềm Hội nghị IWT đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện có trách nhiệm cao các cam kết quốc tế về đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD và được cộng đồng thế giới đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cá thể mèo rừng bị rao bán trên Facebook
Cá thể mèo rừng bị rao bán trên Facebook

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 9/11, bà Hà Thị Tuyết Nga- Giám đốc CITES Việt Nam cho biết, Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội. Cụ thể các bên xác định hành động này là hành vi phạm tội; thống nhất nhận thức và phối hợp hành động chung. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đưa ra giải pháp tăng cường thực thi luật và chia sẻ thông tin, hỗ trợ nâng cao năng lực.

Ngày 18/11 đến, các bên sẽ có cuộc họp triển khai tuyên bố Hà Nội IWT. Theo đó, các thể chế quốc tế, tổ chức phi chính phủ sẽ thảo luận với phái đoàn các quốc gia tham dự về kế hoạch hành động và thống nhất giải pháp thực hiện Tuyên bố Hà Nội IWT.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức tọa đàm cấp cao về việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam (REDD+). Trong khuôn khổ hội nghị cũng sẽ diễn ra triển lãm về hoạt động bảo tồn, phát triển bền vững, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD.

Ngày 12/11 vừa qua, Việt Nam tiêu hủy 2.000 kg ngà voi và 70 kg sừng tê giác
Ngày 12/11 vừa qua, Việt Nam tiêu hủy 2.000 kg ngà voi và 70 kg sừng tê giác

Trước thềm Hội nghị, bà Bùi Thị Hà- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Chúng ta có quyền tự hào vì Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng đó chỉ trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam và thế giới như như hổ, tê giác và tê tê.”

Chính vì vậy, ENV cho rằng, Việt Nam nên tập trung nỗ lực giải quyết 10 vấn đề cấp bách dưới đây để bảo vệ tương lai của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Mặc dù các vấn đề này không thể dễ dàng được giải quyết triệt để trong một thời gian ngắn nhưng chúng ta cần có quyết tâm cao để vượt qua thách thức và tiến lên phía trước: 1. Điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD trái phép; 2. Đưa ra các biện pháp răn đe hiệu quả; 3. Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức; 4. Tiêu hủy tất cả kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được; 5. Đóng cửa các cơ sở nuôi hổ và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát; 6. Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam; 7. Tạm dừng việc cấp giấy phép gây nuôi thương mại ĐVHD trên toàn quốc; 8. Gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn; 9. Ngăn chặn tội phạm trên Internet; 10. Tăng cường tiếng nói của các cơ quan Nhà nước trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD.

Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO