Hội Luật gia Việt Nam góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Khánh Ly| 30/09/2022 17:40

(TN&MT) - Ngày 30/9, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) với Chủ đề “Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất”.

ndt49759.jpg
TS Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV và TS Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV đồng chủ trì Hội thảo

Theo TS Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022). Theo quy trình, sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, lần thứ 3 vào Kỳ họp thứ 6 và tháng 10/2023.

Hội thảo là diễn đàn mở để các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai; những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai và các Luật khác. Hội Luật gia sẽ tập hợp các ý kiến này và phản ánh tới các diễn đàn Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, nhằm góp ý đưa ra phương án sửa đổi tối ưu, thiết thực, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi nhất.

ndt49801(1).jpg
Quang cảnh Hội thảo

PV Báo TN&MT tổng hợp 1 số góp ý tại Hội thảo:

GS.TS Lê Minh Tâm, Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam: 

ndt49782gs.ts-le-minh-tam(1).jpg

Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ và mật thiết với nhiều luật khác trong hệ thống thể chế kinh tế, thị trường như: Bộ luật Dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ đa chiều tương tác của các Luật có liên quan để đảm bảo thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo, mẫu thuẫn, cản trở các hoạt động thuộc các lĩnh vực khác có liên quan.

Dự thảo Luật hiện nay đã kịp thời thể chế hóa quan diểm Nghị quyết số 18-NQ/TW, đặc biệt là đã bổ sung một số quy định mới về quyền của người sử dụng đất đáp ứng nhu cầu cấp bách đang đặt ra hiện nay.

Về vấn đề Nhà nước thu hồi đất, trường hợp vì mục đích an ninh quốc phòng, Ban soạn thảo cần có quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc thu hồi và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tới những trường hợp thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Thực tiễn cho thấy, đây là những trường hợp tương đối nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, dễ gây bức xúc, khiếu kiện.

Dự thảo Luật nên quy định theo hướng khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất, hạn chế tối đa việc thu hồi đất bằng phương pháp hành chính cho mục đích này.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển:

ndt49811gs.ts-le-hong-hanh.jpg

Luật Đất đai năm 2013 cần được sửa đổi toàn diện trước những yêu cầu mới và trước những bất cập hạn chế của nó qua 8 năm thực hiện và phải phù hợp với Nghị quyết 18/NQ-TW, đặc biệt, ở khía cạnh phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững, không để ai lại phía sau.

Tình trạng thiếu đất, không có đất sản xuất tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng DTTS ở nhiều địa phương. Điều này cho thấy, thể chế đất đai liên quan đến DTTS, đặc biệt là pháp luật đất đai chưa chú trọng bảo vệ sở hữu tài sản cho họ. Đa số giao dịch đất đai gây tổn hại đến cuộc sống của các cộng đồng DTTS. Thể chế hiện hành cũng không có những ràng buộc cụ thể đối với chính quyền địa phương trong bảo vệ đất đai của DTTS.

Trong 240 Điều của dự thảo Luật Đất đai mới, có 5 điều nói về đồng bào DTTS nhưng chưa thay đổi nhiều so với Luật Đất đai 2013. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định định cụ thể dành riêng cho quyền tiếp cận đất của đồng bào DTTS. Ở khía cạnh phát triển DTTS, Luật Đất đai mới cần có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của DTTS, đảm bảo quyền tự chủ cho cộng đồng DTTS trong quản lý và sử dụng đất của mình.

PGS.TS Dương Đăng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp:

ndt49825pgs.-ts-duong-dang-hue.jpg

Khi xây dựng chế định quyền sử dụng đất cần lưu ý một số vấn đề. Toàn bộ đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Một khi đã giao đất cho người sử dụng thì người đó có quyền dân sự đặc biệt đối với đất được giao, đó là quyền sử dụng đất. Tuy phái sinh nhưng sau khi ra đời, quyền sử dụng đất tồn tại độc lập. Do đó, cần phải được pháp luật quy định cụ thể và đầy đủ thì quyền này mới có thể thực thi trong cuộc sống. Nhà nước cần tôn trọng và bảo vệ quyền sử dụng đất, không thể tùy tiện ứng xử với người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đất đai phải sử dụng các thuật ngữ liên quan đến đất đai một cách phù hợp, làm rõ quyền sử dụng đất là vật quyền hạn chế, tức là quyền đối với vật, quyền thực hiện trên vật. Do đó, đối tượng của quyền sử dụng đất luôn là một thửa đất nhất định, cụ thể. Đơn cử trong Điều 3 của dự thảo Luật cần thể hiện Nhà nước cho thuê đất chứ không phải cho thuê quyền sử dụng đất; Nhà nước bồi thường về đất chứ không phải bồi thường quyền sử dụng đất; định giá đất chứ không hải định giá quyền sử dụng đất.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội:

ndt49872pgs.ts-doan-hong-nhung-khoa-luat-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi.jpg

Trong điều kiện kinh tế thị trường, dựa trên sở hữu toàn dân đối với đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là nét đặc trưng ở Việt Nam. Tuy nhiên, bất kỳ quốc gia nào cũng hướng tới mục tiêu sử dụng đất đạt hiệu quả tối ưu nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Điều này có thể dẫn đến những nội dung pháp lý tương đồng ở các nước và trở thành bài học cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm định hướng cho các cấp, các ngành trên địa bàn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai chi tiết của mình; xác định sự ổn định về mặt pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Pháp luật cần ghi nhận đầy đủ vai trò của nó, bảo đảm thông qua Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Nhà nước tính toán một cách khoa học, chính xác, cụ thể nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội để chủ động thực hiện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển bền vững quốc gia cần thể hiện được các ưu tiên trong quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể là phải đáp ứng quỹ đất phi nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước; tài nguyên đất đai cần được sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả; bảo vệ đất nông nghiệp, đặc biệt đất lâm nghiệp; ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, tăng tính khả thi cho Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật: 

ndt49885psg.ts-pham-huu-nghi.jpg

Quy định tại Điều 39 Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai công nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng sẽ góp phần tháo gỡ một số ách tắc trong việc xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo.

Để làm rõ hơn, theo tôi, nên phân chia các mục đích sử dụng đất của tổ chức tôn giáo thành 3 nhóm: Vì mục đích tôn giáo (thờ tự, hành lễ tôn giáo); Vì các mục đích liên quan đến các hoạt động tôn giáo như: thiện nguyện, giáo dục, y tế; Vì mục đích kinh doanh.

Căn cứ vào 3 nhóm mục đích này Nhà nước quyết định việc giao đất không thu tiền sử dụng đất hay giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trong trường hợp đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (thờ tự, hành lễ tôn giáo) và vì các mục đích liên quan đến các hoạt động tôn giáo như: thiện nguyện, giáo dục, y tế thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp 3 tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích kinh doanh thì Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

TS Tống Thị Thanh Nam, Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN:

z3762616027444_b9608c98887553dc1d265e7de99bff39.jpg

So với quy định tại Luật Đất đai năm 2013, chỉ dừng lại ở quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin về đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai (Điều 28), Dự thảo đã có nhiều điểm mới, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện, cụ thể:

Về quyền tiếp cận thông tin về đất đai, Dự thảo đã xác định các thông tin cụ thể mà người sử dụng đất được quyền tiếp cận. Tuy nhiên, còn thiếu thông tin là “cơ sở dữ liệu về địa chính” (như sổ mục kê, bản đồ địa chính, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động….), đây cũng là thông tin về đất đai mà người dân cần được tiếp cận khi thực hiện quyền sử dụng đất của mình.

Về các biện pháp đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về đất đai, Dự thảo Luật Đất đai chỉ mới dừng lại ở quy định về trách nhiệm của Nhà nước “bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai”. Trong khi đây là nhu cầu của người dân khi thực hiện quyền của mình. Dự thảo cần quy định về điều kiện bảo đảm cho người sử dụng đất được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.

Về các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của người sử dụng đất: Cần quy định đa dạng các hình thức khác nhau để người dân lựa chọn, như: thông qua các hình thức thông tin được công khai, được nhận thông báo, được tra cứu; hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

Bên cạnh quy định về quyền của công dân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cần quy định về chế tài trong việc cản trở quyền tiếp cận thông tin đất đai được quy định tại Luật, là cơ sở quan trọng bảo đảm cho người dân thực hiện quyền của mình.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai: Tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật

dsc_0293.jpg

Ngày 27/9 vừa qua, Bộ TN&MT đã có Tờ trình số 350 trình Quốc hội hồ sơ dự thảo luật mới nhất trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số nội dung đã được cập nhật, chỉnh sửa theo hướng hoàn thiện hơn.

Khi xây dựng Dự án Luật này, Bộ TN&MT đã nghiên cứu sơ bộ 112 Luật có các quy phạm liên quan đến đất đai. Trong đó, 22 Luật, bộ Luật có các nội dung chồng chéo, mẫu thuẫn với Luật Đất đai. Chúng tôi đã có báo cáo rà soát dự thảo Luật với các Luật khác có liên quan, từ đó, đề xuất những nội dung nào sửa đổi trong Luật Đất đai, những nội dung nào đề xuất sửa các Luật khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất của các luật.

Phải nói rằng, Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rất rộng. Tất cả các dự án đầu tư và người sử dụng đất đều chịu sự điều hỉnh bởi một hệ thống pháp luật. Hệ thống này không tránh khỏi mâu thuẫn nội bộ. Chúng tôi cũng đã tham khảo một số Luật đã được Quốc hội thông qua, từ đó, đề xuất Điều 4 về áp dụng pháp luật với mục đích chỉ ra những quy phạm nào, hoạt động nào, chính sách nào thực hiện theo Luật Đất đai, nội dung nào thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều nội dung khó và Bộ TN&MT mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến góp ý từ các chuyêngia, các nhà khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến để rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật sao cho hoàn thiện nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Luật gia Việt Nam góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO