Hội Đền Vạn Lộc tưởng nhớ công lao đánh giặc ngoại xâm

17/02/2014 00:00

Đã thành thông lệ ba năm một lần, lễ hội Đền Vạn Lộc, tỉnh Nghệ An lại thu hút nhiều du khách đến tham dự.

Đã thành thông lệ ba năm một lần, lễ hội Đền Vạn Lộc, tỉnh Nghệ An lại thu hút nhiều du khách đến tham dự.
   
  Lễ hội đền Vạn Lộc năm nay được tổ chức vào ngày 15-16 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 14, 15 tháng 2 năm 2014. Đây là là một hoạt động văn hóa truyền thống để nhân dân thị xã Cửa Lò, các di tích, dòng họ trên địa bàn thị xã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
   
  Đền Vạn Lộc là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô, có giá trị kiến trúc, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Trải qua bao nhiêu biến cố thời gian, lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nhiều giá trị về mặt kiến trúc và lưu giữ nhiều hiện vật quý.
   
  Đền là nơi thờ tự Thái Úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (năm 1444 -1506) - con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Ông là người có công lớn trong việc giúp triều đình nhà Lê đánh đuổi giặc ngoại xâm và an dân.
   
Lễ rước tại lễ hội Vạn Lộc được xem là đẹp và có qui mô nhất tại tỉnh Nghệ An.
    
  Đặc biệt ông được các thế hệ nhân dân thị xã Cửa Lò từ xưa đến nay, biết đến bởi công lao chiêu dân lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc. “Vạn Lộc” là tên chữ của làng được Nguyễn Sư Hồi đặt với ý nghĩa hết sức lớn lao mong muốn cho “muôn lộc đổ về vùng đất này”. Sau khi ông qua đời, được nhân dân lập đền thờ phụng và tôn làm thành hoàng làng.
   
  Lễ hội đền Vạn Lộc năm 2014 đã thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Lễ hội năm nay, ở phần hội, các trò chơi dân gian được ban tổ chức chú trọng như: đua thuyền, chọi gà, đánh cờ người, kéo co… Bên cạnh đó, các hoạt động phần lễ được tổ chức trang trọng và chu đáo, tiêu biểu là lễ rước, được tổ chức quy mô, giàu bản sắc với hàng chục kiệu rước thần của các di tích, các dòng họ trên địa bàn thị xã.
   
  Lễ hội đền Vạn Lộc năm 2014 đã để lại ấn tượng trong lòng du khách không chỉ là một lễ hội giàu bản sắc mà còn là một lễ hội “sạch” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sạch về mặt cảnh quan môi trường, sạch về văn minh lễ hội, sạch về nạn cờ bạc, ăn xin, móc túi… Đây là một nét đẹp cần được phát huy trong bối cảnh biến trướng ở các lễ hội trên địa bàn Nghệ An hiện nay.
Đăng Quang/VOV online
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Đền Vạn Lộc tưởng nhớ công lao đánh giặc ngoại xâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO