Hồi âm bài Bảo tồn voi Đắk Lắk - đừng để thành "viện dưỡng lão"

25/08/2015 00:00

(TN&MT) - Báo TN&MT ngày 23/7 có đăng tải bài viết: "Bảo tồn voi Đắk Lắk: Đừng để thành viện dưỡng lão" phản ánh nhiều nội dung về công tác bảo tồn voi tại Đắk...

 

(TN&MT) - Báo TN&MT ngày 23/7 có đăng tải bài viết: “Bảo tồn voi Đắk Lắk: Đừng để thành viện dưỡng lão” phản ánh nhiều nội dung về công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk. Sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk có ý kiến chỉ đạo, ngày 21/8, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã có công văn số 1392/SNN-TTBTV gửi Báo TN&MT để phản hồi, xử lý thông tin báo nêu.

Theo công văn, Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 24/3/2011 của UBND tỉnh và đi vào hoạt động từ tháng 8/2011. Là một đơn vị mới thành lập, hoạt động trong lĩnh vực còn nhiều mới mẻ nên khi đi vào hoạt động, Trung tâm đối mặt với không ít những khó khăn như: thiếu biên chế, đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo công tác chuyên môn, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Trung ương và các tổ chức quốc tế, cơ sở vật chất thiếu thốn và hệ thống văn bản pháp luật về bảo tồn phát triển loài voi chưa được ban hành đầy đủ.

Trong thời gian qua, Trung tâm đã tích cực tuyên truyền pháp luật, tổ chức khám chữa bệnh, tập huấn chăm sóc sức khỏe, thú y cho voi… nhằm nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho đàn voi nhà. Trung tâm cũng tổ chức nhiều đợt điều tra, giám sát sự biến động, cư trú, di chuyển… của đàn voi rừng, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền nhằm tránh xung đột giữa đàn voi - người. Không chỉ tích cực tham mưu cho các cơ quan cấp trên xây dựng phương án, các văn bản chính sách pháp luật đặc thù về bảo tồn voi, Trung tâm còn chủ động thực hiện các biện pháp hợp tác quốc tế như: phối hợp với các chuyên gia nước ngoài cứu hộ voi bị mắc bẫy, cử cán bộ ra nước ngoài học tập nghiên cứu bảo tồn voi…

Vào năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí tăng gần 85 tỷ đồng. Sau khi được bố trí 15 tỷ đồng (tháng 10/2014) và được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 200ha đất rừng khộp tái sinh ở huyện Buôn Đôn (tháng 3/2015), Trung tâm Bảo tồn voi hiện đang gấp rút triển khai các thủ tục theo quy định để sớm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (trụ sở làm việc, khu chăn thả voi…), mua sắm thiết bị chuyên dùng để bảo tồn phát triển loài voi.

Trong bài “Bảo tồn voi Đắk Lắk: Đừng để thành viện dưỡng lão”, một số nghệ nhân voi ở huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng việc cần thiết nhất trong công tác bảo tồn đàn voi nhà tại địa phương là quy hoạch được khu vực có sinh cảnh tốt để chăn thả voi. Nhưng theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2015 - 2017, công tác bảo tồn voi tập trung đầu tư nơi chăn thả ở huyện Buôn Đôn làm cơ sở chăm sóc, nghiên cứu sinh sản voi nhà và giám sát, cứu hộ quần thể voi hoang dã nên không thể cùng lúc xây dựng khu chăn thả ở huyện Lắk. Mặc dù phải đối mặt với việc thiếu nhân sự, thiếu vốn… nhưng Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo cho Trung tâm Bảo tồn voi nghiên cứu, khảo sát việc quy hoạch khu chăn thả trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở NN&PTNT, dự án bảo tồn voi tại địa phương sẽ có những bước đi, công đoạn thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật. Để đạt được mục tiêu, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh, trong đó có sự quan tâm tuyên truyền, phản ánh của các cơ quan báo chí. Sở NN&PTNT tiếp thu toàn bộ những nội dung mà bài báo đã nêu và đề nghị Báo TN&MT tiếp tục quan tâm, phối hợp với sở cũng như Trung tâm Bảo tồn voi để phản ánh thực trạng, tuyên truyền vận động và đề xuất kiến nghị các định hướng, giải pháp cụ thể để công tác bảo tồn voi được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới./.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi âm bài Bảo tồn voi Đắk Lắk - đừng để thành "viện dưỡng lão"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO