Hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường KCN: Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp

Phúc Hưng| 08/06/2020 16:43

(TN&MT) - Theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo vệ môi trường khu công nghiệp (KCN) ngay ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng KCN, sau đó là giai đoạn KCN đi vào hoạt động.

Quy định hiện hành

Hiện, không chỉ có Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, mà Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng có những quy định chi tiết về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường KCN.

Theo đó, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng khu công nghiệp, bên cạnh việc lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.

Đối với giai đoạn triển khai xây dựng khu công nghiệp, trách nhiệm bảo vệ môi trường khu công nghiệp chủ yếu thuộc về chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Tất cả các hạng mục về bảo vệ môi trường phải được xây dựng theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải vận hành thường xuyên, liên tục công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp, bảo đảm diện tích cây xanh trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Còn chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có trách nhiệm đảm bảo toàn bộ chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải vào môi trường…

Quy định là như thế, nhưng hiện nay, nhiều khu công nghiệp không có hoặc có nhưng các hạng mục bảo vệ môi trường không được vận hành thường xuyên. Điển hình như, tính đến tháng 6/2019, toàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 49 cụm công nghiệp, chiếm 70% tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội chưa có trạm xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa thực thiện đấu nối hoặc không xây dựng nhà máy xử lý chất thải riêng dẫn tới xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Ví như, trên địa bàn TP. HCM, tình trạng vi phạm môi trường tại các KCN gia tăng theo từng năm. Nếu năm 2016 là 6 trường hợp thì năm 2018, 2019, con số này tăng lên khoảng 4, 5.

Kiên quyết xử lý doanh nghiệp vi phạm

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp hiện nay còn nhiều bấp cập, cần sửa đổi. Đặc biệt là các quy định về trách nhiệm của Ban quản lý KCN và các chế tài xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Theo PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), để đảm bảo tính khách quan trong quản lý vấn đề bảo vệ môi trường khu công nghiệp, pháp luật cần có quy định rõ ràng Ban quản lý KCN chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, không được đồng thời là chủ thể kinh doanh trong khu công nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải là đơn vị độc lập, không kiêm nhiệm thêm các vai trò quản lý nhà nước trong khu công nghiệp.

Mặt khác, để tăng phần trách nhiệm của Ban quản lý khu công nghiệp, cần quy định rõ việc phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường là một trong những trách nhiệm quan trọng của đơn vị này…

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiên quyết không cho phép các khu công nghiệp chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật đi vào hoạt động. Trường hợp khu công nghiệp đã đi vào hoạt động mà chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải bắt buộc phải hoàn thiện ngay. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý chất thải mới và hiệu quả.

Đồng thời, cơ quan nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp phải đấu nối với hệ thống xử lý chất thải tập trung. Nếu không đấu nối vào hệ thống xử lý chất thải tập trung, phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải riêng đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Trường hợp, doanh nghiệp cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm.

Để làm được việc này, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước để đơn vị vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường KCN: Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO