Hoài Đức (Hà Nội): Chính quyền ở đâu khi để đất nông nghiệp bị "xẻ thịt" tràn lan?

08/11/2016 00:00

(TN&MT) – Thời gian qua, Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp trái phép để làm nhà xưởng sản xuất, nhà ở trái phép tại một số huyện trên địa bàn TP. Hà Nội. Điều đáng nói là mặc dù pháp luật đã có những quy định rất rõ trong lĩnh vực này nhưng việc những công trình xây dựng trái phép, ngang nhiên tồn tại khiến dư luận hết sức bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý của người đứng đầu chính quyền sở tại. 

Người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền cơ sở chỉ
Hàng loạt nhà xưởng kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trước sự "bất lực" của chính quyền cơ sở

Xây dựng sai phép tràn lan

Thời gian qua, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được nhiều thông tin người dân bức xúc phản ánh tại địa bàn một số xã Cát Quế, Tiền Yên, Dương Liễu, An Khánh, Xuân Phương… (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) có nhiều nhà xưởng, trụ sở công ty xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, hành lang đê điều, xả thải trái phép ra môi trường nhưng không bị chính quyền sở tại đình chỉ, cưỡng chế vi phạm.

Có mặt tại địa bàn hai xã Dương Liễu và Cát Quế, phóng viên tận mắt chứng kiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị chiếm dụng làm nhà xưởng, trụ sở công ty để sản xuất bánh kẹo, đồ gỗ, nha, miến… Điều đặc biệt là những nhà xưởng này xây dựng quy mô, kiên cố trên diện tích hàng ngàn m2 đất nông nghiệp nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại như không hề có vi phạm gì xảy ra.

Để làm rõ thông tin phản ánh cũng như những gì đã chứng kiến, phóng viên đã làm việc với ông Trần Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Cát Quế, ông Long cho biết: Những vi phạm mà phóng viên nêu ra là đúng với thực tế. Theo thống kê và hồ sơ lưu của bộ phận chuyên môn thì tháng từ 7/2013 đến 7/2014 trên địa bàn có 14 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Vừa qua, tổ liên ngành của huyện cũng xuống địa bàn kiểm tra và đôn đốc xã trong việc xử lý vi phạm đất đai. Hiện nay dưới xã cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình lên huyện vì trước đây một số hồ sơ còn thiếu những thủ tục, đặc biệt là thiếu Quyết định cưỡng chế(?!).

Ngoài ra, ông Long còn đưa ra thêm một danh sách tổng hợp từ 01/01/2016 đến 17/10/2016, theo đó trên địa bàn xã có thêm 5 trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp trong đó có 2 trường hợp đã dừng hoạt động, 3 trường hợp còn lại, xã cũng đã có Quyết định cưỡng chế điển hình như hộ sản xuất nhà ông Phạm Bình, ông Nguyễn Như Thịnh, ông Trần Hữu Tuấn…

Thậm chí các nhà xưởng đua nhau mọc lên trong sự
Thậm chí các nhà xưởng đua nhau mọc lên trong sự "thờ ơ" của chính quyền sở tại

Cụ thể, trường hợp nhà ông Phạm Bình, sinh năm 1976, khu 6 xã Cát Quế xây dựng xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp. Ngày 29/7/2016, UBND xã Cát Quế đã lập Biên bản số 18/BB-VPHC về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với gia đình ông Phạm Bình. Ngày 30/7/2016 UBND xã Cát Quế đã ra Quyết định số 146/QĐ-XPHC về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ngày 26/08/2016 UBND xã Cát Quế đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Quyết định nêu rõ: Tháo dỡ toàn bộ công trình do ông Phạm Bình đã xây dựng trên diện tích 527,0 m2 đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa thuộc khu Chân Đê, xã Cát Quế để trả lại hiện trường của đất trước kia do hành vi vi phạm gây ra.

Còn đối với ông Nguyễn Như Thinh, ngày 28/03/2016, UBND xã cũng đưa ra quyết định số 63/QĐ-CC về việc cưỡng chế thì hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông này, Quyết định nêu rõ: Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số: 20/QĐ-XPHC ngày 26/01/2016, qua đó cưỡng chế toàn bộ công trình ông Nguyễn Như Thịnh đã xây dựng vi phạm trên diện tích 259,0 m2 đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa thuộc khu Chân Đê, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định cưỡng chế đối với những trường hợp sai phạm từ lâu nhưng cho đến nay hàng loạt công trình sai phạm đó vẫn ngang nhiên tồn tại?. Vị Phó chủ tịch xã Cát Quế cho rằng “việc tiến hành cưỡng chế là rất khó” và không cho biết gì thêm(?!).

Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã phản ánh về tình trạng xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức). Theo đó, tại cánh đồng thuộc Đội 7, Đội 8 (xã Dương Liễu), hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đã bị chiếm dụng trái phép để làm cụm dân cư, cụm công nghiệp. Thậm chí, đất nông nghiệp tại khu vực này còn được phân lô để làm nhà kiên cố chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đến 1km. Theo thống kê, trên địa bàn xã này có hơn 20 trường hợp vi phạm không bị xử lý.

Xã Cát Quế là một trong những xã để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp
Xã Cát Quế là một trong những xã để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nhằm tăng cường việc quản lý đất nông nghiệp, đất công, UBND Thành phố đã có chỉ thị 04/CT-UBND, ngày 14/1/2014 UBND. Nội dung chỉ thị 04 nêu rõ: Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Đối chiếu với chỉ thị 04 của UBND TP. Hà Nội thì rõ ràng, việc để xảy ra những trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Cát Quế, Dương Liễu… một cách tràn lan kể trên có trách nhiệm của Chủ tịch UBND hai xã này.

Bích Động – Duy Tân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức (Hà Nội): Chính quyền ở đâu khi để đất nông nghiệp bị "xẻ thịt" tràn lan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO