Hoà Vang (Đà Nẵng): Người dân dựa vào đất rừng để thoát nghèo

Anh Dũng| 17/02/2023 11:35

Những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng đầu tư trồng rừng, mang lại nguồn thu đáng kể, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống vừa bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn và tạo cảnh quan.

h1.-nho-trong-rung-cuoc-song-dong-bao-co-tu-kham-kha-hon.jpg
Nhờ trồng rừng cuộc sống đồng bào Cơ Tu khấm khá hơn

Phát triển rừng bền vững

Trồng rừng lấy nguyên liệu là nguồn sống của người dân các xã miền núi và trung du như: Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) hàng chục năm nay. Trong thời gian qua, từ chủ trương giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn làng là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại huyện Hòa Vang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Không những thế, hưởng lợi từ chương trình, nhiều bà con tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) còn vươn lên, làm giàu từ rừng.

Ông Đinh Văn Như – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cho biết, từ năm 2016 trở về trước, xã Hòa Bắc là điểm nóng về phá rừng và khai thác vàng trái phép tại thành phố Đà Nẵng. Do đời sống khó khăn, một số bà con đã nghe đối tượng xấu dụ dỗ tiếp tay chặt phá rừng để đổi gạo. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, người dân mới dần nhận ra. Cùng với đó, từ khi Nhà nước có chủ trương giao khoán rừng, đất rừng cho người dân quản lý, chăm sóc, bảo vệ, tình trạng phá rừng đầu nguồn và đào vàng trái phép trên địa bàn đã giảm hẳn.

“Hằng tuần thôn sẽ có đại diện đi kiểm tra, nếu có ai tác động hay xâm nhập vào rừng thì sẽ báo cơ quan chức năng để chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn cũng như bảo vệ tốt tài nguyên”- Bí thư Đinh Văn Như chia sẻ.

Chị Bùi Thị Mun - đồng bào dân tộc Cơ Tu (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) chia sẻ: Cây keo năm nay được giá hơn mọi năm nên ai cũng vui. Chị Mun cho biết, năm 2016, được Nhà nước giao khoán gần 4 héc ta rừng, gia đình chị đầu tư trồng keo. Sau 5 năm thu hoạch, trừ chi phí, gia đình chị thu về 100 triệu đồng. Nhờ trồng keo, gia đình chị sửa sang nhà cửa khang trang, mua sắm xe máy, vật dụng gia đình, nuôi con cái ăn học, trưởng thành.

“Ngày trước, gia đình cực khổ đủ thứ, quanh năm bám rẫy, nương mà vẫn không đủ ăn. Giờ đây, bà con được giao đất rừng sản xuất và giao rừng để bảo vệ có tiền, cuộc sống đỡ hơn, đủ ăn. Đường sá, phương tiện đi lại thuận lợi, mỗi khi đau ốm mình đi lại nhanh”- chị Mun bộc bạch.

h2.-vu-khai-thac-rung-moi-day-nguoi-dan-thu-ve-tu-300-den-350-trieu-dong.jpg
Vụ khai thác rừng mới đây, người dân thu về từ 300 đến 350 triệu đồng

Giấc mơ kinh tế rừng

Đối với xã Hòa Phú, trồng rừng là một ngành kinh tế quan trọng với trữ lượng gỗ khai thác khoảng 240.000 tấn/năm, chủ yếu là cây keo lá tràm, góp phần giảm nghèo cho người dân. Hằng năm, bên cạnh bảo vệ tốt 3.266ha rừng hiện có và chăm sóc 2.200ha rừng trồng, người dân địa phương cùng tiến hành thu hoạch và trồng mới hơn 500ha rừng, trong đó chú trọng trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất và hiệu quả.

Ông Thái Văn Hoài Nam- Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, bảo vệ rừng và trồng rừng là cách để phát triển kinh tế địa phương cũng như kinh tế gia đình - nhận thức ấy đã trở thành việc làm thường xuyên của địa phương, từ đó giúp không ít hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Trong định hướng phát triển của địa phương, chỉ tiêu khai thác tiềm năng kinh tế từ rừng tiếp tục được chú trọng, xem đây là vốn sẵn có để tận dụng và phát triển.

Theo ông Nam, từ đất giao khoán, bà con ở đây chủ yếu trồng keo, chu kỳ 5 năm khai thác 1 lần. Nhờ khoản thu từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi vụ, đời sống của bà con Cơ Tu được cải thiện đáng kể. Hiện nay, công tác quản lý bảo vệ rừng đặt nhiệm vụ khoanh nuôi tái sinh được ưu tiên hơn. Vì vậy, thành phố đã có chủ trương hỗ trợ thêm vào Quỹ dịch vụ môi trường rừng cho hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. “Đối với Quỹ dịch vụ môi trường rừng 1ha, 1 năm được 150.000 đồng đến 170.000 đồng/ha. Mỗi hộ được giao nhận khoán bảo vệ rừng từ 50 đến 70 héc ta. Như vậy, 1 năm có 7 đến 10 triệu để cải thiện cuộc sống”- ông Nam nói.

Việc giao khoán rừng, đất rừng cho người dân quản lý qua thực tế đã góp phần quản lý, bảo vệ và giữ rừng, tạo sinh kế cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay việc trồng rừng mới chủ yếu là trồng keo lá tràm nên hiệu quả chưa cao. Để hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, hiệu quả trồng rừng, thành phố Đà Nẵng đang khuyến khích các hộ được khoán rừng, đất rừng chuyển qua trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Để người dân mạnh dạn chuyển đổi, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố với mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/ha (cao hơn mức hỗ trợ của Nhà nước là 4 triệu đồng/ha).

Theo ông Phan Thế Dũng- Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, với mức hỗ trợ này, người dân có điều kiện đầu tư nâng cao hiệu quả rừng trồng. Hiện lực lượng kiểm lâm đang kiểm tra, nghiệm thu việc trồng rừng cho người dân, sau đó sẽ triển khai hỗ trợ.

“Năm 2022, số lượng đăng ký khoảng 700 héc ta. Thành phố khuyến khích bà con trồng rừng gỗ lớn, vì trồng rừng gỗ lớn mang lại 2 hiệu quả. Thứ nhất là năng suất, giá trị của một héc ta tăng gấp 2,5 lần so với trồng rừng bình thường. Thứ hai là bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn và tạo cảnh quan”- ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoà Vang (Đà Nẵng): Người dân dựa vào đất rừng để thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO