Hòa Bình: Nỗ lực ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm lưu vực Nhuệ – Đáy

14/04/2015 00:00

(TN&MT) - Sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã gây ra không ít những áp lực về môi trường ảnh hưởng tới lưu vực sông Nhuệ  - Đáy. Chính vì vậy,  trong thời gian qua, Hòa Bình đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để cải thiện và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông.

Xử nghiêm cơ sở  gây ô nhiễm

Xác định được tầm quan trọng của công tác thanh kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, hàng năm, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác thanh kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có các cơ sở thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Trong năm 2014, Sở TN&MT Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra 90 cơ sở, doanh nghiệp, xử phạt 5 cơ sở, doanh nghiệp với tổng số tiền là 42 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh còn phối hợp với Cục Kiểm soát các hoạt động bảo vệ môi trường thuộc Tổng cục Môi trường thực hiện kiểm tra 11 cơ sở doanh nghiệp, trong đó xử phạt 9 cơ sở với tổng số tiền xử phạt lên tới 2,349 tỷ đồng.

Đối với tình hình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, tính đến năm 2014, Hòa Bình có tổng số 28/150 cơ sở doanh nghiệp thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, có 1 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ – TTg và 27 cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình. Với những nỗ lực, Công ty Cổ phần xi măng Vinaconex Lương Sơn đã được tỉnh Hòa Bình chứng nhận đủ điều kiện ra khỏi Quyết định 64. Còn đối với 27 cơ sở thuộc đối tượng ô nhiễm môi trường phát sinh gồm 5 cơ sở chăn nuôi, chế biến lâm sản 3, khai thác khoáng sản 12... UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thành sớm việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Một đoạn sông chảy qua Hòa Bình thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Một đoạn sông chảy qua Hòa Bình thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Để có được những kết quả này, tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho công tác bảo vệ môi trường. Được biết, thực hiện Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”; Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch BVMT trong đó có nội dung về BVMT LV sông Nhuệ - sông Đáy; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 16/10/2014 thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 4/12/2013.

Thống kê, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải

Để có bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp về nguồn thải thống nhất chung trên toàn lưu vực, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở TN&MT chủ trì triển khai nhiệm vụ “Điều tra khảo sát và đánh giá thực trạng môi trường vùng lưu vực sông Nhuệ - Đáy của tỉnh Hòa Bình, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 – 2020”. Qua điều tra khảo sát, trên địa bàn lưu vực sông Nhuệ - Đáy thuộc tỉnh Hòa Bình hiện có 56/150 cơ sở, doanh nghiệp có phát sinh nước thải sinh hoạt với tổng số lưu lượng thải khoảng 2.500 m3/ngày đêm. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi với tổng số lưu lượng thải khoảng 544 m3/ngày đêm... Theo kết quả quan trắc hàng năm có 28/150 cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng đối với nước  thải sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung và trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói riêng chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch UBBVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy nhiệm kỳ III cho rằng: Để cải thiện chất lượng môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, trong thời gian tới cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như: Kiểm soát, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường; cải tạo và phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường trên LV sông Nhuệ - sông Đáy; quy hoạch hành lang cây xanh, diện tích rừng và các khu vực sinh thái cần được bảo vệ đến năm 2020, bảo tồn thiên nhiên và đa đạng sinh học.

Đồng thời, để việc triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy đạt hiệu quả cao, trước tiên, Bộ TN&MT cần thành lập và sớm đưa Chi cục BVMT LV sông Nhuệ - Đáy vào hoạt động. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có các dự án thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Trong thời gian tới cần xây dựng ban hành Thông tư quy định hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông liên tỉnh; đánh giá sức chịu tải của các nguồn tiếp nhận, phân vùng sử dụng và xác định hạn ngạch xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận; phân bổ hạn ngạch xả nước thải; phát triển và quản lý thị trường trao đổi hạn ngạch xả nước thải trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, hi vọng rằng môi trường sông Nhuệ - Đáy sẽ được cải thiện một cách rõ rệt trong thời gian tới.

Thụy Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Nỗ lực ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm lưu vực Nhuệ – Đáy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO