Hoa ban nở trắng phố rừng Tây Bắc

Chính Tới - Ngọc Trâm | 26/02/2021, 12:32

(TN&MT) - Cứ vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, thời tiết nắng ấm, ở vùng Tây Bắc, hoa ban bắt đầu nở trắng núi, trắng rừng. Người dân các bản, các mường lại hội tụ nhau đánh trống, đánh chiêng, vui hội. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, rủ nhau đi hái hoa ban để làm quen và tỏ tình với người mình yêu.

Truyền thuyết người Thái kể rằng: Thuở đó, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải, có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác, còn có tật gù lưng.

Mặc cho cô gái hết lời van xin, người cha vẫn không từ bỏ ý định, và ông đã bàn bạc cùng với nhà tạo mường sửa soạn làm lễ cưới cho hai người. Nàng Ban đã chạy sang bản của Khum tìm chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Chàng Khum về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, vội vã đi tìm nàng. Leo qua chín núi mười đèo, cuối cùng, chàng thấy người yêu gục bên một tảng đá băng giá phủ trắng.

Cảm động trước sự thủy chung của nàng Ban, chàng Khum đã cắt lấy một đọan nứa tép, khoét lỗ thành cây sáo dọc (tiếng Thái gọi là pí thiu). Chàng thổi sáo bên xác người yêu đến khi kiệt sức, ngã gục, đầu nhọn cây sáo trọc sâu vào họng chàng làm chảy máu. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái, nhụy hoa màu tím là máu của chàng trai. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.

Hãy cùng ngắm những hình ảnh hoa ban khoe sắc xen lẫn trong đời sống hàng ngày của người dân vùng Tây Bắc.

Hoa ban điểm sắc trắng cho núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Chính Tới

 

Hoa ban, đặc biệt là Lễ hội Hoa ban gắn với cư dân làm nghề lúa nước Tây Bắc. Ảnh: Chính Tới

Hoa ban trồng trên đường phố Sơn La. Ảnh: Chính Tới

Hoa ban trắng điểm những giọt sương ánh lên một màu tinh khiết. Ảnh: Chính Tới

Hoa được người dân mang về trang trí trong nhà, trên cây “Xặng Bók” trong Lễ hội “Xên lẩu nó” của đồng bào Thái. Ảnh: Chính Tới

Được ông “thầy mo” bày biện trong nghi lễ. Ảnh: Chính Tới

Hoa ban trong vũ hội. Ảnh: Chính Tới

Mùa hoa ban còn là dịp nam nữ vui chơi, ca hát, làm quen và tỏ tình với người mình yêu. Ảnh: Chính Tới

Năm2021, các tỉnh Tây Bắc dừng tổ chức Lễ hội Hoa ban do dịch Covid-19. Trong ảnh là lễ hội những năm trước. Ảnh: Chính Tới

Bài liên quan
  • Sắc tím hoa ban giữa lòng Hà Nội
    (TN&MT) - Thời điểm này, tại các tuyến phố như Bắc Sơn, Hoàng Diệu, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Du, Thanh Niên, Trần Duy Hưng,… sắc tím hoa ban lại rực rỡ cả một góc trời. Vẻ đẹp của loài hoa đến từ núi rừng Tây Bắc đã làm say đắm biết bao người và dường như nhờ có hoa ban mà Hà Nội trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đặc sắc Ngày hội hoa đào Lóng Luông
(TN&MT) – Ngày hội hoa đào là hoạt động được xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tổ chức thường niên vào dịp đầu xuân mới, khi hoa đào nở rộ, nhằm tôn vinh nét đẹp của hoa đào Lóng Luông; quảng bá, giới thiệu tiềm năng, bản sắc văn hóa các dân tộc xã Lóng Luông với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo.
Đừng bỏ lỡ
  • Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
    Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO