Hỗ trợ tài chính rất cần thiết để giải quyết khủng hoảng nước và vệ sinh

02/09/2017 00:00

(TN&MT) - Dải Gaza từ lâu đã phải hứng chịu những vấn đề trầm trọng về nước, và tình hình giờ đây càng trở nên khó khăn khi hai phần ba số người ở Gaza phải...

(TN&MT) - Dải Gaza từ lâu đã phải hứng chịu những vấn đề trầm trọng về nước, và tình hình giờ đây càng trở nên khó khăn khi hai phần ba số người ở Gaza phải uống nước bị ô nhiễm. Để cải thiện cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh và giúp người dân, đặc biệt là trẻ em nơi đây có thể tiếp cận với nước sạch, UNICEF đã xây dựng một nhà máy lọc nước biển cũng như mạng lưới xử lý nước và nước thải.
 
Sawsan, bé gái 8 tuổi cùng gia đình sống trong một lều mái thiếc. Vào mùa hè, cô bé không thể ở trong nhà vì nóng do mái nhà bắt nắng. Còn vào mùa đông, nơi này bị ngập nước mưa cùng với nước thải từ đường phố.
 
"Cha của em không có việc làm, vì vậy, gia đình em không thể mua được nước an toàn để uống. Cả nhà thường phải uống nước mặn từ vòi nước" - Sawsan nói.
 
"Thi thoảng anh em của em đến các trạm bơm nước gần nhà do các tổ chức từ thiện quản lý để có thể lấy nước sạch đầy bình", Sawsan cho biết.
 
Gia đình Sawsan có 11 người phải sống trong cảnh nghèo đói, giống như vô số người khác ở Dải Gaza. 70% số người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, và tỷ lệ thất nghiệp dao động từ 42 – 60% trong số các thanh thiếu niên. Hầu hết 2 triệu cư dân - một nửa số trẻ em dưới 18 tuổi - phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu, bao gồm nước uống sạch và vệ sinh an toàn.
 
Cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiệt hại không thể đảo ngược
 
Dải Gaza từ lâu đã phải chịu đựng những vấn đề về nước trầm trọng, và tình hình giờ đây càng trở nên khó khăn. Do bơm quá mức và nước biển rò rỉ, chưa đến 5% lượng nước ngầm đạt tiêu chuẩn sử dụng. Nếu không có biện pháp cải thiện, tầng chứa nước có thể sẽ không sử dụng được vào cuối năm với những thiệt hại không thể đảo ngược vào năm 2020.
 
Nhiều gia đình buộc phải mua nước uống từ các nhà cung cấp tư nhân với “giá cắt cổ” trong khi khó kiểm soát về chất lượng, do đó, gây nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ em.
 
Các gia đình phải đối mặt với nhiều thách thức khác về mặt vệ sinh, vì gần một phần tư dân số không được tiếp cận với mạng lưới nước thải. So'ad, một bà mẹ sống ở Al Saftawi, gần thành phố Gaza nằm trong số những trường hợp như vậy.
 
Dải Gaza từ lâu đã phải hứng chịu những vấn đề trầm trọng về nước, và tình hình giờ đây càng trở nên khó khăn khi hai phần ba số người ở Gaza phải uống nước bị ô nhiễm.
Dải Gaza từ lâu đã phải hứng chịu những vấn đề trầm trọng về nước, và tình hình giờ đây càng trở nên khó khăn khi hai phần ba số người ở Gaza phải uống nước bị ô nhiễm.
 
"Tất cả mọi người ở đây sử dụng nước dựa vào những khe nước trong khu vực. Hiện tại có một hố nước thải lớn, sâu và có mùi hôi bên cạnh nhà của chúng tôi, rất nguy hiểm cho trẻ em” - So'ad cho biết.
 
"Vào mùa đông, nước lũ cuốn trôi đường phố và làm ngập nhà chúng tôi. Còn vào mùa hè, chúng tôi không thể ngủ vì muỗi đốt suốt đêm. Các con của tôi thường bị bệnh về da, đau bụng và tiêu chảy", So'ad nói thêm.
 
Ở Dải Gaza, tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em dưới 3 tuổi đã tăng gấp đôi. Tất cả trẻ em ở đây đều có nguy cơ bị bệnh do nước gây ra.
 
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vệ sinh đang ngày càng trở nên phức tạp do hạn chế nhập khẩu vật liệu xây dựng, phụ tùng và thiết bị vào Dải Gaza. Có tới 23 mặt hàng thiết yếu về nước và vệ sinh như máy bơm, thiết bị khoan và hóa chất khử trùng nằm trong danh sách “sử dụng kép”, có nghĩa là chúng chỉ được phép nhập chọn lọc vào Gaza.
 
Khủng hoảng về điện làm trầm trọng thêm tình trạng mất vệ sinh
 
Tình hình càng phức tạp hơn do cuộc khủng hoảng điện. Hồi tháng 4/2017, nhà máy điện Gaza hoàn toàn bị đóng cửa do cạn kiệt nguồn dự trữ nhiên liệu. Điều này đã khiến cho các gia đình chỉ được sử dụng điện ít hơn 6 giờ mỗi ngày, kéo theo việc sử dụng nước giảm tới 1/3 số nước trong vòng 4 tháng qua. Các dịch vụ quan trọng cho trẻ em, kể cả bệnh viện hiện đang phụ thuộc vào các máy phát điện dự phòng.
 
Thiếu năng lượng cũng ảnh hưởng đến hơn 450 cơ sở nước và nước thải. 5 nhà máy xử lý nước thải buộc phải rút ngắn chu trình xử lý khiến hơn 108.000 m3 nước thải thô và xử lý kém được thải ra mỗi ngày vào biển Địa Trung Hải.
 
Việc đóng cửa 55 trạm bơm nước làm trầm trọng thêm nguy cơ dòng chảy ngược và gây ngập nước thải thô trên đường phố, ảnh hưởng đến 700.000 cư dân.
 
Hai phần ba số người ở Gaza uống nước bị ô nhiễm. Cậu bé Khalil, 12 tuổi chia sẻ:
Hai phần ba số người ở Gaza uống nước bị ô nhiễm. Cậu bé Khalil, 12 tuổi chia sẻ: "Ước mơ của em là có nước sạch để uống và không có nước thải trên đường".
 
Việc bơm nước lên các tầng cao của tòa nhà cũng ngày càng khó khăn.
 
"Em sống trên tầng 6 của một căn hộ trong thành phố Gaza. Do cắt điện, thang máy hiếm khi hoạt động và vì thế chỉ có điện 3 giờ/ngày", Ahmad, 14 tuổi cho biết.
 
Ahmad nói: "Ở nhà em không có nước trong nhiều ngày. Em phải đi khắp phố để mua nước".
 
Hỗ trợ của UNICEF
 
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng nước ở Gaza, UNICEF đã xây dựng một nhà máy lọc nước biển, cung cấp nước uống an toàn cho 75.000 người. Công việc đang được tiến hành để mở rộng dịch vụ cho 75.000 người khác, và tạo niềm tin về năng lượng tái tạo.
 
UNICEF cũng đang khôi phục các mạng lưới nước và nước thải, cung cấp nước uống an toàn cho học sinh và gia đình dễ bị tổn thương và vệ sinh cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
 
Với hỗ trợ từ Cục Viện trợ nhân đạo và Bảo vệ dân sự (ECHO) của Liên minh Châu Âu (EU), UNICEF trang bị cơ sở nước sạch và vệ sinh an toàn cho 4 trường học để các trường có thể sử dụng làm nơi trú ẩn khẩn cấp cho các gia đình nếu có xung đột khác trong Dải Gaza.
 
Khi cơ sở hạ tầng tiếp tục xuống cấp, hỗ trợ của các nhà tài trợ là điều cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh, qua đó, giúp trẻ em và gia đình có thể tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn ở nhà và trường học.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ UNICEF
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ tài chính rất cần thiết để giải quyết khủng hoảng nước và vệ sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO