Hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều khó khăn!

27/12/2016 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Chính sách này đã giúp nhiều đồng bào DTTS thoát nghèo, nhưng vẫn còn khoảng hơn 360.160 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất.

Nhiều khó khăn

Theo thống kê, ở nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với 85,46% dân số cả nước. 53 dân tộc thiểu số còn lại chiếm 14,54% dân số cả nước, với hơn 13,38 triệu người cư trú chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Sản xuất nông nghiệp mang tính tự cấp, tự túc; thu nhập đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 23,1%.

Chính vì thế, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù đối với vùng DTTS, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất… cho đồng bào DTTS nghèo từ năm 2002 thông qua các chính sách của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định 132, Quyết định 134, Quyết định 74, Quyết định 29, Quyết định 1592 và gần đây nhất là Quyết định số 755/QĐ - TTg. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện chính sách này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với khu vực miền núi phía Bắc, vì quỹ đất sản xuất gần như không còn để bố trí, do vậy có những địa phương dù có tiền cũng không triển khai được.

Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: MH
Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: MH

Theo Sở TN&MT Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có trên 7.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất với diện tích trên 1.600 ha. Theo thống kê, có trên 5.300 hộ thiếu đất trồng lúa với hơn 850ha, trên 870 hộ thiếu đất trồng cây hàng năm khác với diện tích hơn 260ha, gần 430 hộ thiếu đất trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ với diện tích thiếu là 350ha; trồng cây lâu năm có trên 330 hộ thiếu với diện tích là trên 100ha.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất là do một số hộ nghèo mới tách hộ; do thiên tai, lũ lụt làm sạt lở, xói mòn, mất đất sản xuất nông nghiệp; do thu hồi làm các công trình xây dựng... Trong khi đó, việc khai hoang đất để hỗ trợ cho bà con gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương hiện đã không còn quỹ đất. Để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phương án đã được đưa ra như hỗ trợ cho đồng bào khai hoang, san lấp, cải tạo, phục hóa đất sản xuất ở những khu vực còn quỹ đất cấp; hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp…

Còn tại huyện Mường Tè (Lai Châu), một khó khăn được đặt ra là đã hết quỹ đất để giao cho hộ đồng bào DTTS. Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè trăn trở: "Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS, huyện đã tâp trung khai hoang đất. Nhưng tính đến nay, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ khai hoang được khoảng 86 ha đất sản xuất. Có tiền cũng không thể làm hơn được vì quỹ đất không còn".

Chuyển đổi nghề nếu không bố trí được đất

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020...

Trong đó, sẽ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp thiếu đất ở, đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương, thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán.

Đặc biệt, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, hộ chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách Nhà nước bằng tiền tối đa 5 triệu đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí ngân sách, tạo quỹ đất để giao đất cho các hộ làm nhà ở. Mức giao đất ở cho hộ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định phù hợp với thực tế của địa phương.

Hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu sẽ được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách Nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất. Các hộ chỉ được nhận 1 trong 2 chính sách hỗ trợ trên.

Theo quy định tại Điều 27, Luật Đất đai 2013 về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số:

- Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

- Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Tuyết Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều khó khăn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO