Hồ Thác Bà – Yên Bái: Ngang nhiên san lấp hồ khi chưa có ĐTM được phê duyệt

26/06/2017 00:00

(TN&MT) – Mặc dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt nhưng Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai đã tổ chức san lấp gần 10ha hồ...

(TN&MT) – Trong quá trình thu thập thông tin về hàng loạt doanh nghiệp xâm phạm hồ Thác Bà dưới nhiều hình thức như xả thải trái phép, san lấp hồ, xây dựng công trình không theo quy định… chúng tôi phát hiện ra Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai mặc dù chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt nhưng đã tổ chức san lấp gần 10ha hồ Thác Bà để xây dựng nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng với quy mô 23,8ha, trong đó diện tích mặt nước là hơn 4ha từ hơn… 1 năm nay.
 
Như chúng tôi đã đưa tin trong bài báo trước, việc hàng loạt doanh nghiệp được chính quyền huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái cho phép xây dựng, kinh doanh và sản xuất ven hồ Thác Bà (thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) nhưng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường là có thật. Một trong số đó là Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai (gọi tắt là Cty Bảo Lai) có trụ sở tại thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
 
Mặc dù chưa có ĐTM được phê duyệt nhưng Công ty Bảo Lai đã cho xây dựng hàng loạt công trình cũng như san lấp gần 10ha mặt hồ Thác Bà, vi phạm nghiêm trọng các quy định
Mặc dù chưa có ĐTM được phê duyệt nhưng Công ty Bảo Lai đã cho xây dựng hàng loạt công trình cũng như san lấp gần 10ha mặt hồ Thác Bà, vi phạm nghiêm trọng Quy chế Quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và Bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà do UBND tỉnh Yên Bái quy định
 
Theo những gì chúng tôi thu thập được thì Cty Bảo Lai được UBND tỉnh Yên Bái cấp Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng vào ngày 25/11/2015 và quyết định cho thuê đất từ tháng 12/2015. Sau đó Công ty này ký Hợp đồng thuê đất vào ngày 01/2/2016 với diện tích 23,8ha (trong đó diện tích mặt nước là hơn 4ha) và được UBND huyện Yên Bình cấp giấy phép xây dựng vào ngày 20/5/2016.
 
Gần 1 năm sau, ngày 05/4/2017, Cty Bảo Lai mới nộp lại hồ sơ ĐTM sau khi đã san lấp gần 10ha mặt hồ và cho xây dựng hàng loạt công trình kiên cố phục vụ Dự án như hoàn thành xưởng xẻ đá tile (1.487m2); xưởng đá slab (1.487m2); xưởng đánh bóng, chế tác và kho thành phẩm (21.501m2); nhà phụ trợ, nhà điều hành, nhà ăn ca, nhà ở công nhân (2.805m2)…
 
Ngoài ra, Công ty còn đang thi công và chuẩn bị thi công những công trình khác gồm nhà máy đá xẻ, nhà máy Chipform và bột siêu mịn, nhà máy đá nhân tạo, sân bãi, bến thủy đường vận chuyển và công trình chung.
 
Theo báo cáo số 114/ BC-STNMT ngày 20/4/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái gửi UBND tỉnh và các đơn vị liên quan thì việc Cty Bảo Lai triển khai dự án mà chưa có ĐTM được phê duyệt là chưa đảm bảo theo quy định. Chính vì vậy, Cty Bảo Lai phải dừng tất cả các hạng mục đang và chuẩn bị xây dựng để chờ UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt ĐTM . Công ty phải hoàn thiện Báo cáo ĐTM, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái thẩm định trình UBND tỉnh trước ngày 30/4/2017 để xem xét, phê duyệt theo quy định.
 
Hành vi xả thải không qua xử lý ra hồ Thác Bà như thế này không phải là hiếm
Hành vi xả thải không qua xử lý ra hồ Thác Bà như thế này không phải là hiếm
 
Văn bản Báo cáo yêu cầu là vậy tuy nhiên, tới những ngày đầu tháng 6 vừa qua, theo tìm hiều của PV Báo Tài nguyên và Môi trường thì Dự án này vẫn chưa được phê duyệt ĐTM, đồng nghĩa với việc hàng loạt các công trình đã được xây dựng của Cty Bảo Lai là trái với quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và các Văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Đặc biệt, cách đây hơn 1 năm, vào ngày 25/3/2016, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Thác Bà - Nguyễn Văn Quyền đã có văn bản thứ 2 gửi UBND tỉnh Yên Bái và Sở TN&MT (trước đó đã gửi công văn ngày 07/3/2016) về việc Cty Bảo Lai tiếp tục san gạt đất lấn chiếm lòng hồ Thác Bà tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng. Diện tích lấn chiếm lòng hồ Thác Bà ước tính là 6,55ha.
 
Ngoài Công ty CP thủy điện Thác Bà tố cáo Cty Bảo Lai lấn chiếm hồ Thác Bà thì vào khoảng 15h ngày 23/3/2016, tại ven hồ Thác Bà thuộc địa phận thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, đoàn công tác gồm đại diện của UBND xã Thịnh Hưng, Công ty CP Thủy điện Thác Bà và phòng an ninh kinh tế - Công an tỉnh Yên Bái đã tiến hành lập biên bản xác dịnh việc san lấp đất xuống lòng hồ Thác Bà đối với Cty Bảo Lai.
 
Biên bản nêu rõ, tổ công tác đã phát hiện 01 máy xúc và 01 máy lu đang tiến hành san gạt xuống hồ Thác bà, vị trí san gạt có tọa độ trục X 2402452; Y 526741. Hiện trạng vị trí san gạt nằm dưới cao độ 59,65m (trong hành lang bảo vệ hồ chứa công trình thủy điện Thác Bà tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 22/102014 của UBND tỉnh Yên Bái).
 
Việc san lấp nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng vào Pháp lệnh số 32/2001/PL-DBTVQH10 ngày 04/4/2001 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ khai thác tổng hợp Tài nguyên và Môi trường của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 26/5/2008 của UBND tỉnh yên Bái về ban hành quy chế quản lý, khai thác sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà.
 
Đoàn kiểm tra khẳng định tình trạng san lấp hồ là đúng và có căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đồng thời, Công ty CP thủy điện Thác Bà đề nghị UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng yêu cầu Cty Bảo Lai dừng việc tiếp tục lấn chiếm lòng hồ Thác Bà và trả lại nguyên trạng lòng hồ đã lấn chiếm.
 
Nguy cơ hàng chục nghìn người dân huyện Yên Bình và TP. Yên Bái phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo do các hành vi xâm lấm nghiêm trọng hồ Thác Bà ngày một hiện hũu
Nguy cơ hàng chục nghìn người dân huyện Yên Bình và TP. Yên Bái phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo do các hành vi xâm lấm nghiêm trọng hồ Thác Bà ngày một hiện hũu
 
Ngay sau khi có kết luận của đoàn kiểm tra, ngày 08/4/2016, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác minh và kiểm tra việc san gạt đất của Công ty Bảo Lai lấn chiếm lòng hồ Thác Bà. Qua đó đoàn kiểm tra do Chánh thanh tra Sở TN&MT - Vũ Văn Tỉnh có kết luận: “Việc san lấp hồ là có thật. Tuy nhiên, vị trí đổ đất, san gạt nằm trong diện tích đất mà Công ty Bảo Lai được UBND tỉnh cho thuê đất(?!)”.
 
Tiếp đó, ngày 19/4/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái phối hợp với các sở ngành khác tiếp tục kiểm tra và phát hiện Công ty Bảo Lai vẫn chưa cắm mốc giới đối với phần diện tích đất đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp và cho thuê. Công ty vẫn chưa hoàn thiện Báo cáo ĐTM để gửi cho Sở TN&MT thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt nhưng dự án vẫn đang được triển khai san lấp và xây dựng.
 
Bên cạnh những sai phạm “tày trời” kể trên thì Cty Bảo Lai còn tự ý thi công san lấp nắn đường Hoàng Thi làm đổ đất xuống hồ Thác Bà tại địa phận thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
 
Tại thời điểm đầu tháng 6/2017, PV khảo sát khu vực xây dựng dự án này vẫn thấy máy xúc, máy lu tiếp tục triển khai hoàn thiện phần công trình nhà máy.
 

Theo Quy chế Quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và Bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà do UBND tỉnh Yên Bái quy định:

Điều 10: Quản lý hoạt động khoáng sản vùng hồ Thác Bà

1. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản trong vùng hồ Thác Bà gồm: Các đảo đá trên hồ, các sườn núi tiếp giáp với mặt nước hồ tính theo đường phân thủy (trừ khu vực bán đảo Mông Sơn). Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực này để bảo vệ cảnh quan vùng hồ.
 
2. Hoạt động khoáng sản tại vùng hồ Thác Bà phải tuân thủ theo Quy định về quản lý các hoạt động khoảng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 225/2006/QĐ-UBND ngày 19/6/2006.
 
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
 
Tại Điểm d, Khoản 4, Điều 11, Chương 2 về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường: “Phạt tiền từ 150.000.000 đến 200.000.000 với hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt theo quy định.
 
Hình thức phạt bổ sung tại điểm b, khoản 6, đình chỉ hoạt động của cơ sở hoặc hoạt động gây ô nhiễm từ 06 đến 12 tháng với trường hợp vi phạm điểm d khoản 4 Điều 11.

 

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
 
Doãn Hưng – Đức Hà
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ Thác Bà – Yên Bái: Ngang nhiên san lấp hồ khi chưa có ĐTM được phê duyệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO