Hiệu quả từ mô hình phân loại rác tại nguồn

01/11/2013 00:00

Mô hình phân loại rác tại nguồn do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Hội Phụ nữ huyện Hưng Hà thực hiện đang phát huy hiệu quả.

   
(TN&MT) - Trong khi bài toán xử lý rác thải ở nông thôn vẫn là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trong cả nước, thì tại xã Tây Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình), mô hình phân loại rác tại nguồn do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Hội Phụ nữ huyện Hưng Hà thực hiện đang phát huy hiệu quả. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại diện mạo môi trường và cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho nông thôn ở đây.
   
Xả rác... thành thói quen
   
  Hầu hết tại các vùng nông thôn hiện nay, mặc dù quỹ đất rộng nhưng không quy hoạch được bãi rác tập trung, không có hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải, do vậy mỗi hộ phải tự xử lý rác thải của gia đình mình. Chị Trần Thị Đà (thôn Khánh Lai, xã Tây Đô) cho biết: Trước đây, theo thói quen các loại rác kể cả túi ni - lông, do không có bãi rác nên những ngày nắng thường đem phơi rồi đốt. Hoặc cũng có những gia đình đem đổ ở ao, đường làng. Nhà nọ thấy nhà kia đổ được thì cũng "tham gia", và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn, xóm, đọng mùi hôi thối rất khó chịu, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan nông thôn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho dịch bệnh vật nuôi, cây trồng có điều kiện phát triển và diễn biến phức tạp.
  Xác định công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là tiêu chí để phấn đấu xây dựng nông thôn mới, ngay từ năm 2010, Hội Phụ nữ huyện Hưng Hà đã phối hợp cùng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện nghiên cứu và triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện thí điểm tại xã Tây Đô. Chị Đinh Thị Yến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tây Đô cho biết: Đối tượng chính được xác định để tuyên truyền, triển khai thực hiện mô hình là phụ nữ. Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện đã mở các lớp, các buổi nói chuyện lồng ghép trong các buổi sinh hoạt phụ nữ, nhằm giáo dục, phổ biến tới các chị em trong xã kiến thức cơ bản về cách làm mô hình. Từ 50 gia đình làm thí điểm năm 2010, đến nay hàng trăm gia đình thuộc 8/8 thôn của xã Tây Đô đã tham gia thực hiện mô hình, góp phần cải thiện vệ sinh gia đình, cải thiện môi trường trong làng, ngoài xóm.
   
Người dân sử dụng túi phân loại rác trước khi mang đi chôn lấp 
   
Đổi thay từ một mô hình
   
  Trong khuôn viên của vườn nhà, các gia đình chỉ cần đào một chiếc hố có chiều rộng 60 cm, chiều cao 80 cm, đặt vào trong hố chiếc sọt tre có nắp đậy. Mọi rác thải hữu cơ trong sinh hoạt gia đình được bỏ xuống đó. Sự phân hủy của rác tạo ra nguồn phân bón tự nhiên giúp cây cối phát triển tốt. Cứ sau khoảng 2- 3 tháng, khi rác trong hố đã đầy, người dân tiếp tục lấp đất lên trên, và trên mặt đất đó có thể tận dụng trồng chuối, rau, sắn hay cây cảnh… Liên tục luân chuyển như vậy trong diện tích vườn nhà, với chi phí chỉ khoảng vài chục ngàn đồng, người dân vừa cải thiện được môi trường, vừa trồng được cây, rau, quả tươi tốt. Những loại rác vô cơ khác, sẽ được bỏ vào sọt rác gia đình và mang đến bãi rác tập trung.
   
  Gia đình chị Đà là một trong những hộ đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình này. Mùa trước, chị đã trồng sắn trên diện tích hố rác đã lấp trong vườn. Củ sắn thu về to, chắc, không kém gì loại trồng ở vườn đồi. Chị cho biết: Nhiều chị em trong thôn thấy mô hình hiệu quả nên đã áp dụng cho gia đình mình. Nay tình trạng vứt rác bừa bãi trong thôn đã cải thiện đáng kể, thói quen sinh hoạt của người dân đã thay đổi cơ bản. Từ đó, các chị còn chủ động giáo dục con em mình hình thành thói quen trong việc phân loại rác trong gia đình và ngoài xã hội.
   
  Ở mọi làng quê, mỗi gia đình đều có những khoảng vườn rộng rãi. Mỗi hố rác như thế chỉ chiếm 60 cm, trung bình một khu vườn ở nông thôn cũng có thể chứa được hàng chục hố. Thiết nghĩ, cách làm hiệu quả này cần được nhân rộng, góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải tại nông thôn.
   
Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ mô hình phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO