Xã hội

Hiệu quả từ chính sách tái định cư cho người dân sau thiên tai

Thanh Tùng 24/09/2021 12:28

(TN&MT) - Trong những năm qua, khu vực miền núi nước ta đã chứng kiến nhiều trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng, gây nhiều mất mát về người và tài sản cho người dân. Sau mỗi trận thiên tai đi qua, công tác khắc phục hậu quả, tái định cư cho người dân được chính quyền nhiều địa phương quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

Có thể kể đến trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào 5 giờ sáng ngày 3/8/2019. Cả bản có 74 nóc nhà thì 21 căn bị sập hoàn toàn hoặc cuốn trôi, 10 ngôi nhà hư hỏng nặng. Số còn lại xiêu vẹo, phải sửa chữa. Nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị đất đá vùi lấp, thiệt hại hàng chục hecta diện tích hoa màu. Đặc biệt, cơn lũ dữ đã cuốn trôi 10 người dân của bản Sa Ná. Nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

anh-1-6-.jpg
Bản Sa Ná tan hoang sau lũ quét

Sau trận lũ quét kinh hoàng, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xây dựng khu tái định cư mới cho 51 hộ dân bản Sa Ná tại đỉnh đồi Pom Ngồ. Khu tái định cư có cả hệ thống nhà văn hóa, trường học với diện tích 5,2ha... Cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt hỗ trợ 43,5 tỷ đồng kinh phí thực hiện Khu tái định cư bản Sa Ná do UBND huyện Quan Sơn làm chủ đầu tư. Đến nay, những đau thương, mất mát đã qua đi, người dân Sa Ná đã có nơi ăn chốn ở mới, an cư lạc nghiệp, bản Sa Ná hiện đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giống như Sa Ná, bão số 9, số 10 và những trận mưa lớn vào cuối tháng 10/2020 đã gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề cho người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Được sự thống nhất chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My đã bắt tay vào xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai tại xã Trà Leng. Theo đó, Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng với diện tích 6ha được xây dựng tại thôn 2, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Đến nay, 39 hộ dân đã vui mừng chuyển về đây sinh sống.

anh-2-8-.jpg
Hình ảnh khu tái định cư tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam

Thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã bố trí, ổn định được 1.197 hộ dân. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam về sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã bố trí 385 tỷ đồng để thực hiện. Tính đến cuối tháng 9/2020, có 6.462 hộ được sắp xếp di dời chỗ ở, trong đó có 2.836 hộ dân vùng thiên tai, 1.488 hộ dân tộc thiểu số.

Cùng với Quảng Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa có 9/11 huyện miền núi với 7.263 hộ dân thuộc các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện, có 2.928 hộ đã được hỗ trợ ổn định đến các địa điểm an toàn. Tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh sẽ xây dựng 31 khu tái định cư tập trung và 19 khu tái định cư liền kề để ổn định cho 1.610 hộ dân.

Trong các giải pháp về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, phương án di dời, tái định cư trước cho các hộ dân vùng nguy cơ là giải pháp căn cơ. Trước nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1765/TTg-NN về việc tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống tiên tai tại miền Trung. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương hướng dẫn người dân xây dựng nhà ở an toàn phòng, tránh bão, lũ; tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ chính sách tái định cư cho người dân sau thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO