Cộng đồng tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường - Bài 2: Hiệu quả phối hợp với các tổ chức tôn giáo bảo vệ môi trường

Mai Chi | 28/04/2022, 12:37

(TN&MT) - Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, đồng bào các tôn giáo hiện nay chiếm 27% dân số. Đây là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Bộ TN&MT với 14 tôn giáo và 40 tổ chức tôn giáo đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động hiệu quả.

Nâng cao nhận thức cho cán bộ mặt trận, các tổ chức tôn giáo

Trước thực trạng chất thải rắn, rác thải nhựa đại dương, khí thải, nước thải đang ngày càng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái; suy giảm các nguồn tài nguyên; thiên tai ngập lụt… gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nâng cao nhận thức cho cán bộ Mặt trận, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ thopong qua tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ năng xử lý rủi ro do bão, lụt, lũ quét, hạn hán, cháy rừng...; hỗ trợ tuyên truyền, biên soạn, cung cấp kiến thức, các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với mỗi tôn giáo để các tổ chức, cá nhân tôn giáo triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo…

Chỉ tính riêng tỉnh Bạc Liêu, đã có tới 21 Hội nghị tập huấn; các cuộc mít tinh nhân các ngày lễ về môi trường; trồng 4.000 cây xanh trên các tuyến đường huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn triển khai mô hình xử lý chất thải rắn hữu cơ thành phân composit…

h2-1-1-.jpg

Các tín đồ đạo Cao đài cùng người dân làm vệ sinh, tạo cảnh quang môi trường

Tại các địa phương, Mặt trận các cấp cùng với Sở TNMT và các tổ chức tôn giáo cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm tăng biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp… Đơn cử, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên với Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã ký kết chương trình phối hợp, đưa bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá hàng năm của mỗi gia đình trong cộng đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cũng phối hợp các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh ký cam kết xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... để người dân nói chung và chức sắc, tín đồ các tôn giáo nói riêng có những hiểu biết về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những hành vi trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày để góp phần làm trong sạch môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các địa bàn dân cư.

Thành quả đáng ghi nhận

Với sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ TN&MT, MTTQ, nhiều mô hình hay trong BVMT, ứng phó với BĐKH đã được nhận rộng. Cụ thể tại tỉnh Bình Thuận , mô hình "Khu dân cư BVMT, ứng phó với BĐKH" vùng đồng bào theo đạo Bà La Môn giáo. Tỉnh Quảng Nam có mô hình tuyến đường tự quản về BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim, phường Minh An, Cẩm Châu, Cửa Đại; mô hình "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác BVMT" tại Chùa Long Quang (thị trấn Núi Thành); "Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu" của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn; mô hình khu dân cư "BVMT và ứng phó với BĐKH" tại xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức).

TP. Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt); “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng; hạn chế khói nhang khi Phật tử lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, ăn ở sinh hoạt để tạo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp” tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Tỉnh Lâm Đồng với mô hình "Giáo xứ An toàn - Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" của Giáo xứ Thánh Mẫu (phường 7), thôn R'Chai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), Giáo xứ Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà); "Khu dân cư đoàn kết BVMT" ở thôn Đa Hoa (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương).

TP. Hà Nội với mô hình "Chùa Xanh" BVMT, ứng phó với BĐKH tại chùa Xuân Trạch (Đông Anh); xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế đốt vàng mã trong cơ sở thờ tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Sóc Sơn; hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho đất đai tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện Đông Anh, huyện Đan Phượng. Tỉnh Đồng Tháp với mô hình "Câu lạc bộ Phật tử thu gom rác thải, xây dựng hố rác gia đình, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng";…

Ngoài ra, MTTQ Việt Nam cũng đã phối hợp với ngành TN&MT, các tổ chức tôn giáo vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân tăng cường giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, từ đó, đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng.

Bài liên quan
  • Thái Bình: Các tín đồ tôn giáo hăng hái tham gia bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích đất tự nhiên 1.546 km2, dân số trên 1,8 triệu người, với gần 90% người dân sống ở vùng nông thôn. Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 tấn rác thải rắn sinh hoạt, phần lớn trong số đó được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp tại bãi rác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO