Hiệp Hòa – Bắc Giang: Góp 1.000 m2 đất nông nghiệp để nhận 100 m2 đất ở?

12/07/2017 00:00

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn kêu cứu của các hộ dân tại thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang) về việc Chủ đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương hứa hẹn sau khi Nhà nước thu hồi đất, sẽ được đền bù khoảng 80 triệu đồng/1 sào hoặc nhận lại 10% diện tích đất bị thu hồi (đã chuyển thành đất ở) và được cấp Giấy CNQSDĐ trong thời gian 7 tháng. Tuy vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ruộng sang đất ở đã không thực hiện được bởi đây là Dự án thuê đất với thời hạn 49 năm.

Mặc dù mới đang trong quá trình thu hồi đất nhưng Công ty đã cho xây dựng cả công trình kiên cố.
Mặc dù mới đang trong quá trình thu hồi đất nhưng Công ty Cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội đã cho xây dựng công trình kiên cố.

Từ phản ánh, phóng viên đã về làm việc với người dân thôn Phúc Linh để tìm hiểu thông tin. Theo đó, ngoài việc tố Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kiến trúc và Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội (nay đổi tên là Công ty Cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội) hứa hẹn sẽ giao đất cho người dân để làm nhà sinh sống và đất này sẽ được cấp Giấy CNQSDĐ - sổ đỏ (Chủ đầu tư không hề tiết lộ đất Dự án chỉ được thuê có 49 năm và sẽ không được cấp sổ đỏ).

Theo bà Nguyễn Thị Chinh, đến tháng 9/2015, các hộ dân được chính quyền thôn Phúc Linh thông báo về việc: Tất cả các hộ gia đình có diện tích sản xuất tại khu đồng Chùa Vang, Bồ Đài, Đầu Hổ… tới nhà văn hóa để họp”. Tại buổi họp, Công ty Cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội đã trao đổi về việc muốn nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của các hộ gia đình tại các khu đồng Chùa Vang, Bồ Đài, Đầu Hổ… để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương với giá mua là 85.000.000 đồng/sào.

Đến tháng 1/2016, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Thông báo thu hồi đất của các hộ gia đình tại thôn Phúc Linh để thực hiện Dự án. Sau đó, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành tiếp các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho từng đợt.

Cụ thể, ngày 24/10/2016, UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Quyết định số 1089/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 1090/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, để thực hiện Dự án (giai đoạn 1 - đợt 3) đối với thửa đất của các gia đình với đơn giá là 50.000 đồng/m2. Kể từ đó, chính quyền phối hợp với Chủ đầu tư lần lượt thu hồi đất của các hộ dân có tên trong Dự án, nhà nào không nghe sẽ bị… cưỡng chế.

Có cả nhà hàng, quán cà phê được dựng lên.
Có cả nhà hàng, quán cà phê được dựng lên.

Ông Nguyễn Khắc Năm cho biết, thôn Phúc Linh vốn không hề có truyền thống sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Cánh đồng 270.000 m2 đất bị thu hồi là đất nông nghiệp màu mỡ trồng cả lúa và hoa màu. Vậy nhưng, để phục vụ cho Dự án, người dân bị thu hồi 1 sào đất ruộng (360 m2) được đền bù trên dưới 80 triệu đồng hoặc được nhận lại 10% diện tích đất bị thu hồi (được chủ đầu tư hứa hẹn phần diện tích này sẽ được cấp sổ đỏ và không phải đóng tiền sử dụng đất) nhưng nếu chọn vị trí thuận lợi phải nộp tiền theo quy định từ khoảng 2 đến 6 triệu/m2 tùy vị trí đất.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định, Dự án thuộc hạng mục thu hồi nhằm phát triển kinh tế nên việc thu hồi và đền bù sẽ theo quy định của Nhà nước ban hành. Tuy vậy, là Dự án làng nghề liên quan đến sản xuất và kinh doanh gỗ nên đất thuộc Dự án chỉ là đất cho thuê 49 năm, không được cấp sổ đỏ và tất cả người sử dụng phải thực hiện đúng mục đích của Dự án đã quy hoạch. Mọi hành vi xây dựng, hoạt động kinh doanh sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Chính vì vậy, việc Chủ đầu tư Dự án cho xây dựng một số công trình không đúng quy hoạch trên đất Dự án là trái với quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc UBND huyện Hiệp Hòa ban hành Quyết định thu hồi đất của các hộ dân và cho Chủ đầu tư thuê để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương nhưng lại áp đơn giá theo mức quy định của Nhà nước khi thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật.

Người dân thôn Phúc Linh rất hoang mang khi biết tin dự án này chỉ được thuê đất 49 năm và không thể cấp được sổ đỏ.
Người dân thôn Phúc Linh rất hoang mang khi biết tin dự án này chỉ được thuê đất 49 năm và không thể cấp được sổ đỏ.

Cụ thể, theo quy định pháp luật tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai 2013, những dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất bao gồm: “Thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh và các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng ”. Rõ ràng, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương không thuộc một trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất nêu trên. Thế nhưng UBND huyện Hiệp Hòa lại căn cứ vào Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của huyện Hiệp Hòa để thu hồi đất của các hộ gia đình.

Ngoài ra, để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương, Chủ đầu tư cần phải thỏa thuận với các hộ gia đình về giá thuê quyền sử dụng đất. Việc UBND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định thu hồi đất và áp mức giá đất là 50.000 đồng/m2 để bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ gia đình là không đúng theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, Dự án này mới đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng trên thực tế Chủ đầu tư Dự án đã tự ý xây dựng nhà ở, cây xăng, nhà nghỉ và các công trình xây dựng khác với mục đích kinh doanh trên phần diện tích đất của các hộ gia đình để khai thác kinh doanh thu lợi nhuận là hành vi trái pháp luật.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Bài và ảnh: Doãn Hưng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp Hòa – Bắc Giang: Góp 1.000 m2 đất nông nghiệp để nhận 100 m2 đất ở?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO