Hiện trạng các mỏ đá ở Yên Lâm (Thanh Hoá) - Bài I: Cấp phép một đằng, khai thác một nẻo?

Nhóm PV| 29/04/2022 23:18

Vừa qua, Báo TN&MT nhận được phản ánh về tình trạng nhiều doanh nghiệp tại Làng nghề đá Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) khai thác đá xẻ không đúng với Giấy phép khai thác do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp?. Nhiều Doanh nghiệp chỉ được cấp phép trữ lượng khai thác đá khối tận thu làm đá ốp lát, đá xẻ rất ít, doanh nghiệp nào nhiều cũng chỉ được 9,5%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ có 3- 4%, trong đó có một số doanh nghiệp không sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, mà chủ yếu làm đá xẻ, đá ốp lát.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có mặt tại khu vực mỏ đá Hang Cá, Lũ Mía, Núi Loáng thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định, tại đây có hàng chục doanh nghiệp đang khai thác đá theo hình thức cắt dây, nhiều khối đá xẻ đã được các doanh nghiệp cắt xuống chuẩn bị đưa vào máy xẻ để xẻ đá ốp lát các loại. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trong Giấy phép khai thác đá khối tận thu làm đá ốp lát, đá xẻ của đại đa số các doanh nghiệp này rất ít, doanh nghiệp nào nhiều cũng chỉ được dưới 10%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ được 3-4%. Nhưng tại các xưởng sản xuất, chúng tôi thấy rất ít dây chuyền sản xuất đá nghiền làm vật liệu xây dựng, thậm chí có doanh nghiệp không có dây chuyền nào sản xuất đá nghiền làm vật liệu xây dựng như trong giấy phép của UBND tỉnh.

anh-1.jpg
Công ty AMD Group khai thác đá để xẻ, không lắp đặt trạm xay nghiền đá VLXD

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 86/GP-UBND ngày 04/3/2016 của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng và sản xuất Hoàng Minh được phép khai thác đá tại núi Hang Cá, thị trấn Yên Lâm với diện tích 49.866 m2. Mục đích sử dụng khoáng sản: Làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát. Với trữ lượng địa chất là 2.479.081 m3; trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 2.305.302 m3 (bằng 93%); đá khối sản xuất đá ốp lát là 124.216 m3 (bằng 7%). Công ty TNHH Tiến Thịnh được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác số 428/GP-UBND ngày 18/11/2014 tại núi Hang Cá với trữ lượng địa chất là 950.038 m3, trong đó, đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 878.785 m3 (bằng 92,5%), đá khối sản xuất đá xẻ là 71.253 m3 (bằng 7,5%); Thời gian khai thác là 30 năm.

Công ty TNHH Xuân Trường được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác số 47/GP-UBND ngày 20/3/2020 tại núi Hang Cá với trữ lượng địa chất là 8.420.563 m3, trong đó, đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 7.725.288 m3 (bằng 91,7% ), đá khối sản xuất đá xẻ là 695.275 m3 (bằng 8,3%). Trữ lượng được phép khai thác là 5.863.281 m3, trong đó, đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 5.376.691 m3 (bằng 91,7%), đá khối sản xuất đá xẻ là 486.590 m3 (bằng 8,3%). Công ty TNHH xây dựng giao thông thủy lợi Tân Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác số 304/GP-UBND ngày 25/8/2014 tại núi Loáng với trữ lượng địa chất là 320.410 m3, trong đó, đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 297.981 m3 (bằng 93%), đá khối sản xuất đá xẻ là 71.253 m3 (bằng 7%). Công ty TNHH VLXD đá Minh Thành được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác số 425/GP-UBND ngày 13/11/2014 với trữ lượng địa chất là 950.038 m3, trong đó, đá sản xuất vật liệu xây dựng thông thường là 800.323 m3 (bằng 93%), đá khối sản xuất đá xẻ là 56.023 m3 (bằng 7%); thời gian khai thác là 30 năm.

Như Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Thanh Túy, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 357/GP-UBND ngày 09/9/2015 với diện tích mỏ 27.009 m2; Khu vực 1: Trữ lượng địa chất; 204.083 m3, trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 195.920 m3 (bằng 96,1%), đá khối tận thu sản xuất đá ốp lát là 8.163 m3 (bằng 3,99%); Khu vực 2: Trữ lượng khai thác; 175.000 m3, trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 168.000 m3 (bằng 96%), đá khối tận thu sản xuất đá ốp lát là 7.000 m3 (bằng 4%). Doanh nghiêp tư nhân Tiến Thành được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 399/GP-UBND ngày 04/11/2014, diện tích 65.120 m2 với trữ lượng khoáng sản là 1.867.003 m3, trong đó, đá sản xuất làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.754.983 m3 (bằng 94%), đá khối tận thu làm nguyên liệu sản xuất đá xẻ là 112.020 m3 (bằng 6%)…

anh-2(1).jpg
Mỏ đá của Công ty Tân Sơn

Theo người Phụ trách xưởng đá của Công ty Cổ phần đầu tư và Khoáng sản FLC Stone thì đá ở đây dai và mịn nên rất phù hợp với đá xẻ để làm đá ốp lát. Hiện Công ty có 2 máy xẻ loại lớn và 4 máy xẻ loại nhỏ.

Được biết, Công ty Cổ phần đầu tư và Khoáng sản FLC Stone được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 253/GP-UBND ngày 30/6/2016 (trước là Công ty CP Đầu tư AMD Group) diện tích 87.000 m2, với trữ lượng khai thác 1.825.919 m3, trong đó, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường là 1.725.493 m3 (bằng 95,5%), đá khối sản xuất đá ốp lát là 100.426 m3 (bằng 5,5%). Nhưng tại xưởng sản xuất chủ yếu là làm đá xẻ, mà không có dây chuyền sản xuất đá xây dựng nào…

Theo tìm hiểu của Phóng viên, hiện tại trên địa bàn thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định có 3 khu vực mỏ đá Hang Cá, Lũ Mía, Núi Loáng với khoảng 33 doanh nghiệp khai thác và sản xuất đá các loại. Mà chủ yếu là sản xuất đá xẻ, một số doanh nghiệp lắp dây chuyền đá làm vật liệu xây dựng, nhưng cũng chỉ sản xuất cầm chừng.

Ông Nguyễn Hữu Quảng, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề đá thị trấn Yên Lâm cho rằng: Trên địa bàn thị trấn Yên Lâm hiện có 33 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản và được tận thu đá khối để xẻ. Tỷ lệ tận thu đá khối để xẻ của các doanh nghiệp giao động từ 3-8%. Những khối đá sau khi được khai thác bằng công nghệ cắt dây, nhìn bằng mắt thường có thể thấy tận thu được cả nhưng sau khi chế biến ra chỉ lấy được một phần nhỏ làm đá ốp lát, còn phần thừa được nghiền thành VLXD thông thường.

anh-3.jpg
Trong quá trình khai thác mỏ đá, nếu có việc “bỏ quên” khai thác đá làm VLXD thông thường, các chủ mỏ khai thác vượt quá tỷ lệ đá khối để xẻ được UBND cấp phép thì doanh nghiệp đã “hời lớn” trong việc đóng thuế

“Hàng năm, có doanh nghiệp khai thác, chế biến không đủ tỷ lệ tận thu đá khối để xẻ như trong giấy phép được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép. Chỉ có những doanh nghiệp tận dụng các bìa đá nhỏ để làm đá ốp lát với kích thước 10x10cm, may ra mới gần đủ tỷ lệ tận thu đá khối để xẻ. Do chất đá của núi đá thị trấn Yên Lâm trước đây khai thác bằng phương pháp nổ mìn khiến đá bị om và có vết nứt, nên việc khai thác ra một khối đá để xẻ đạt chất lượng rất khó khăn”. Ông Quảng phân trần thêm

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao các doanh nghiệp chỉ được cấp Giấy phép rất ít khối lượng đá xẻ, trong khi đá làm vật liệu xây dựng lại rất nhiều. Nhưng tại các xưởng sản xuất lại ngược lại?. Trong khi khu vực các mỏ đá Hang Cá, Lũ Mía, Núi Loáng, thị trấn Yên Lâm liệu có phải là khu vực phân tán, nhỏ lẻ như Khoản 2, Điều 82, Luật Khoáng sản 2010 đã quy định?. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa cần kiểm tra và đánh giá lại khối lượng đá xẻ tại đây để tránh thất thu nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá và tiền thuế cho Nhà nước./.

Nội dung trích dẫn...

Khoản 2, Điều 82, Luật Khoáng sản 2010 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện trạng các mỏ đá ở Yên Lâm (Thanh Hoá) - Bài I: Cấp phép một đằng, khai thác một nẻo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO