(TN&MT) - Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của con em mình khi không biết chữ, nhiều hộ dân tại thôn Bản Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tình nguyện hiến gần 12.000 m2 đất để xây dựng trường học. Những tấm lòng thơm thảo ấy đã đang thầm lặng gieo những “mầm xanh” cho tương lai.
Không tiếc đất chỉ sợ con cháu thất học
Tháng 9/2019, học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTTHBT THCS) Nậm Sài bước vào năm học mới với bao niềm vui. Nhiều phụ huynh đưa con em đến lớp cũng tranh thủ ghé lại, ngắm nghía những phòng học vừa mới được hoàn thành cách đây không lâu. Năm học trước, các em học sinh còn phải học trong căn phòng cũ, xuống cấp và vô cùng chật chội. Mỗi khi mưa gió, thầy trò vừa học vừa tránh dột, phụ huynh có hôm không dám cho con tới trường. Thế nên, nhìn phòng học khang trang hôm nay, mọi người càng biết ơn những tấm lòng tốt của những hộ dân thôn Bản Sài, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) đã hiến đất để xây dựng trường.
Mấy chục năm sống nơi vùng núi cao, ông Má A Hủ thấu hiểu rằng, giá trị lớn nhất mảnh đất gia đình ông sở hữu không phải là tiền, mà là các cháu được học tập ở ngôi trường khang trang. “Mình còn sống bao lâu nữa đâu. Hiến đất xây trường gieo mầm tương lai là việc rất nên làm”, ông Hủ bộc bạch.
Đã nói là làm ông Hủ bàn với 7 hộ có đất liền kề với nhà mình cùng nhau hiến đất để xã xây dựng cho con cháu mình ngôi trường khang trang, những phòng học kiên cố. Con cháu có nơi học ổn định, biết cái chữ thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Ông Hủ đã tiên phong hiến hơn 2.000m2 đất của gia đình có, các hộ xung quanh cũng cùng nhau hiến hộ gia đình ông Má A Đoàn hiến 2.000m2, hộ gia đình bà Hiến hiến 1.000m2...
Trên diện tích gần 12.000m2 mà ông Hủ và 7 hộ gia đình thôn Bản Sài, xã Nậm Sài hiến tặng Trường PTTHBT THCS Nậm Sài đã được xây dựng khang trang với 10 phòng học, 4 phòng chức năng, 8 phòng bán trú, 4 phòng ở giáo viên, sân chơi, sân thể thao vừa rau tăng gia với tổng kinh phí 11 tỷ đồng đã mang lại niềm vui vô bờ cho cô giáo, học sinh và người dân nơi đây.
Dẫu cuộc sống của gia đình ông Hủ và các hộ dân vẫn còn khó khăn, vất vả, nhưng nhìn thấy trẻ em được học tập, vui chơi trong ngôi trường khang trang, trên phần đất của mình đã hiến tặng là ông đã mãn nguyện rồi. Giữa cái thời “tất đất tất vàng”, tấm lòng của những người dân như ông Đoàn, ông Hủ… thật đáng trân quý.
Ông Hà Ngọc Quyết, Hiệu trưởng Trường PTTHBT THCS Nậm Sài chia sẻ, trước đây, khi trường lớp tạm bợ, phụ huynh ngại cho con đến lớp, chất lượng giáo dục gặp nhiều hạn chế. Khi 8 hộ dân hiến đất trường được xây mới khang trang, các học sinh háo hức đến trường, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Phụ huynh phấn khởi và yên tâm đưa con em tới trường.
Gieo mầm tương lai
Sau 4 năm ngôi Trường PTTHBT THCS Nậm Sài được xây dựng đã có hàng trăm học sinh được học tập được vui chơi và được trưởng thành từ ngôi trường này. Em Chảo Thị Linh, học sinh lớp 9 A Trường PTTHBT THCS Nậm Sài chia sẻ, em thuốc lứa học sinh đầu tiên được học tại ngôi trường mới khang trang này. “Trường mới khiến chúng em gắn bó và luôn muốn đến lớn. Ngày trước khi còn ở trường cũ mỗi lần mưa lại phải nghỉ học vì trường dột và chật chội lắm. Bây giờ thì mưa gió cũng không lo nữa, chúng em an tâm học hành. Em ước mơ sẽ trở thành cô giáo và về lại ngôi trường này để tiếp tục dậy học”.
Tâm sự với tôi trong giờ ra chơi, em Tản Mẩy Phây, học sinh lớp 6A Trường PTTHBT THCS Nậm Sài bộc bạch, bố mẹ em cũng định chỉ cho em học đến hết cấp 1 là nghỉ ở nhà đi làm. Nhà em xa trường, ngày trước trường chật chội lắm không có chỗ cho học sinh bán trú ở. Khi thấy trường được xây dựng khang trang lại có chỗ ở nên bố mẹ cho em đi học tiếp. “Em sẽ học thật giỏi để mai sau biến ước mơ làm bác sỹ của em thành hiện thực”.
Hồi tưởng lại những gian khó khi còn ở ngôi trường cũ, anh Đào Văn Khiêm, giáo viên đã công tác tại Trường PTTHBT THCS Nậm Sài 11 năm chia sẻ, khi vừa ra trường là tôi đã được phân công về đây giảng dạy. Ngôi trường PTTHBT THCS Nậm Sài lúc tôi về công tác còn khó khăn lắm, học sinh cấp 1, cấp 2 học chung trường nên lớp không đủ để học chứ nói gì đến việc có phòng học chuyên ngành riêng như môn tin, môn tiếng anh như bây giờ. Giáo viên không có nhà công vụ… Sau khi bác Hủ, bác Đoàn và các hộ dân hiến đất làm trường, các em học sinh đã có phòng học khang trang, giáo viên đã có nhà công vụ, học sinh cũng có nơi ở bán trú để an tâm học tập.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Sa Pa chia sẻ, lúc vận động các hộ dân hiến đất năm 2015-2016 làm trường tôi đang là Bí thư xã Nậm Sài. Cùng với việc làm tốt công tác dân vận của chính quyền địa phương thì bản thân 8 hộ cũng có ý thức rất cao trong việc phát huy trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng quê hương. Việc làm của 8 hộ dân đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giúp xã hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới.
"Chính quyền địa phương cũng như ngành giáo dục Sa Pa rất trân trọng nghĩa cử của các hộ gia đình như ông Hủ, ông Đoàn vì đã tiên phong, gương mẫu, làm "cầu nối" giữa ý Đảng với lòng dân. Xã đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng các hộ, đưa tin, phát trên hệ thống truyền thanh để nhân dân toàn xã biết và noi gương”. Còn với ngành giáo dục, chúng tôi vô cùng biết ơn các bác ấy, các bác ấy không chỉ hiến đất mà các bác đã và đang gieo lên những “mầm xanh” cho quê hương, cho đất nước.