Hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn - nhìn từ công tác dự báo: “Cánh tay nối dài” trong dự báo

Khải Minh| 19/03/2020 14:05

(TN&MT) - Để nâng cao chất lượng bản tin dự báo khí tượng thủy văn, các cán bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo cũng như quan trắc, thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn.

Làm chủ công nghệ

Một trong những sáng kiến nổi bật phải kể đến là “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình thực nghiệm giám sát từ xa trạm đo mưa tự động phục vụ cảnh báo ngập lụt trên địa bàn tỉnh Thái Bình” được thực hiện trong giai đoạn 2017 -  2018.

Trên cơ sở đầu đo mưa Sl3-1 hiện có trang bị cho các trạm, ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình) cùng các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia tiến hành nghiên cứu, thiết kế và đặt hàng chế tạo bộ thu nhận dữ liệu (Datalogger); đồng thời, xây dựng mô hình truyền tin, tích hợp đầu đo và Datalogger, thực hiện việc truyền dữ liệu từ điểm đo về đài.

Datalogger thu nhận, truyền dữ liệu mưa do nhóm nghiên cứu Đài KTTV tỉnh Thái Bình thiết kế

Nghiên cứu này sẽ tiết kiệm được nhiều kinh phí thay vị mua trọn bộ của nước ngoài với chi phí rất cao. Đặc biệt, phát huy được khả năng làm chủ công nghệ của cán bộ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình theo định hướng chiến lược hiện đại hóa ngành.

Sau khi thử nghiệm tích hợp thành công đầu đo mưa SL3-1 với Datalogger tự thiết kế và truyền tin từ trạm đo về trung tâm, Đài tiếp tục hoàn thiện một hệ thống hoàn chỉnh từ công nghệ truyền tin, xây dựng phần mềm điều khiển đến quản lý, xử lý dữ liệu. Cùng đó, việc xây dựng thành công Website tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc theo dõi, giám sát, trích xuất dữ liệu về mưa.

Xây dựng công nghệ dự báo tiên tiến về sóng, nước dâng

Với mục tiêu xây dựng được công nghệ dự báo nước dâng, sóng lớn do bão kết hợp với triều cường cho riêng khu vực ven biển tỉnh Thái Bình, năm 2019, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo nước dâng, sóng lớn do bão kết hợp với triều cường gây ngập lụt ven biển tỉnh Thái Bình”.

Với thành công của sáng kiến, UBND tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ kinh phí lắp đặt thêm một số trạm đo mưa tự động và đã tích hợp vào hệ thống để hình thành nên một mạng lưới đo mưa chuyên dùng của tỉnh. Hệ thống đo mưa này cùng với mạng lưới đo mưa thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia đã cung cấp tương đối đầy đủ và kịp thời theo thời gian thực lượng mưa tại các nơi trên địa bàn tỉnh cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, các Sở, ngành, các đơn vị trong việc chỉ đạo điều hành sản xuất  và phòng chống ngập úng.

Trong đó, nghiên cứu, lựa chọn mô hình tích hợp thủy triều, sóng lớn và nước dâng do bão (mô hình SuWaT) thiết lập trên hệ thống lưới tính lồng 3 lớp và được hiệu chỉnh và kiểm định cho khu vực ven biển Thái Bình để áp dụng vào dự báo nghiệp vụ. Đồng thời, xây dựng hệ thống hỗ trợ dự báo tác nghiệp nước dâng và ngập lụt vùng ven bờ cho khu vực này (phần mềm hiển thị kết quả dự báo, quy trình và bản tin dự báo nước dâng và ngập lụt ven bờ…).

Viêc thực hiện thành công đề tài sẽ giúp cho Đài có được một công nghệ dự báo tiên tiến về sóng, nước dâng do bão và triều cường, qua đó giúp nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo, phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai khu vực ven biển Thái Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn - nhìn từ công tác dự báo: “Cánh tay nối dài” trong dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO