Hiện đại hóa để "bắt mạch ông trời”: Bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống

Tuyết Chinh (thực hiện)| 14/07/2020 12:44

(TN&MT) - Xác định rõ tinh thần mục tiêu chiến lược phát triển của ngành KTTV, hệ thống quan trắc trên địa bàn Hà Nội được chú trọng đầu tư, hoàn thiện.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Thắng (ảnh), Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Tổng cục KTTV) xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết, đến nay, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn Hà Nội đã được đầu tư xây dựng, vận hành ra sao?

Ông Đỗ Đức Thắng:

Hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV trên địa bàn Hà nội gồm 5 trạm thủy văn, 4 trạm khí tượng, 1 trạm môi trường và 17 trạm đo mưa tự động; ngoài ra, còn có 25 trạm đo mưa tự động theo hình thức “Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa, lũ”.

Các trạm thủy văn được bố trí hợp lý để quan trắc các yếu tố thủy văn trên các sông: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy. Có những trạm đã quan trắc số liệu hơn 100 năm như Trạm thủy văn Hà Nội, Trạm thủy văn Sơn Tây.

Các trạm quan trắc khí tượng và môi trường đã đáp được công tác dự báo thời tiết hàng ngày cũng như phục vụ công tác phòng chống thiên tai của Thủ đô. Đáng chú ý, Trạm khí tượng Hà Đông còn là trạm phát báo quốc tế.

Những năm qua, cơ sở vật chất cũng như thiết bị máy đo tại các trạm luôn được đầu tư và trang bị đầy đủ. Theo quy hoạch của Chính phủ, mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia trên địa bàn Hà Nội còn tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm trạm quan trắc KTTV trong thời gian tới.

Ông Đỗ Đức Thắng

PV: Với việc đầu tư, hoàn thiện mạng lưới quan trắc KTTV như vậy đã làm thông tin dữ liệu đầu vào cho hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Thắng:

Mạng lưới quan trắc KTTV hiện tại đã và đang đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai trên địa bàn Thủ đô. Thông tin dữ liệu KTTV liên tục được cập nhật theo thời gian thực giúp cho hệ thống dự báo KTTV quốc gia theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về KTTV để cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân Thủ đô với phương châm “thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời”.

PV: Để hiện thực hóa những định hướng phát triển ngành KTTV giai đoạn 2020 - 2030, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, ngành KTTV phải tranh thủ và mở rộng được các đối tác phát triển. Vậy, việc mở rộng các đối tác phát triển trong việc đầu tư hệ thống quan trắc KTTV ở Hà Nội đã được triển khai như thế nào?

Ông Đỗ Đức Thắng:

Để công tác dự báo và cảnh báo phòng chống thiên tai đảm bảo tính đầy đủ, độ tin cậy và kịp thời cần tăng cường nguồn cơ sở dữ liệu KTTV, để đầu tư được hệ thống quan trắc đáp ứng được yêu cầu trên cần phải huy động nhiều nguồn lực. Thủ đô Hà Nội là Trung tâm văn hóa kinh tế, chính trị trong cả nước, cung cấp thông tin các yếu tố khí tượng thủy văn và công tác dự báo khí tượng thuỷ văn trong địa bàn thành phố Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ chuyên môn của Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay, Đài đang phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hà Nội, cung cấp thông tin các yếu tố khí tượng thủy văn thời gian thực, các bản tin dự báo khí tượng thủy văn. Ngoài việc chia sẻ và cung cấp thông tin, Đài cũng hợp tác với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xây dựng các trạm khí tượng thủy văn tự động, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn khí tượng thủy văn, tư vấn và cung cấp thông tin từ các thiết bị máy móc sẵn có tại các trạm của Đài và các trạm chuyên dùng do Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đầu tư.

Cùng với đó, Đài cũng đang hợp tác chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu mưa và mực nước trên địa bàn Thủ đô phục vụ cho công tác dự báo và cảnh báo ngập lụt đô thị. Ngoài việc cung cấp bản tin dự báo KTTV, hai bên đã hợp tác chia sẻ dữ liệu khí tượng thuỷ văn với 17 điểm đo mưa tự động, 5 điểm đo mực nước tự động do Đài quản lý; khai thác kết hợp với 44 điểm đo mưa tự động và một số điểm đo mực nước tự động của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước (WATEC) thực hiện “Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa, lũ”.

PV: Vấn đề tăng cường mật độ trạm quan trắc bề mặt và tự động, nâng cao năng lực hệ thống công nghệ thông tin và truyền tin được Đài chú trọng ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Thắng:

Đảm bảo hoạt động ổn định mạng lưới trạm KTTV và hệ thống thông tin là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị, do vậy, Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ thường xuyên chú trọng đầu tư về thiết bị máy đo cũng như nâng cấp hệ thống thông tin theo định hướng của ngành, ứng dụng công nghệ, công nghệ số trên cơ sở những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thời gian tới, Đài sẽ tiếp tục chỉ đạo các trạm quan trắc KTTV và môi trường trong phạm vi quản lý đảm bảo hoạt động ổn định của mạng lưới quan trắc, đặc biệt là hệ thống trạm đo mưa, gió, mực nước, nhiệt… tự động, hệ thống thông tin liên lạc phải thông suốt trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

4 trạm khí tượng trên địa bàn TP. Hà Nội gồm trạm: Láng, Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì đo đạc, thu thập các yếu tố về gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, áp, nắng. 5 trạm đo mực nước tự động sử dụng công nghệ siêu âm, tự động đo mực nước trên sông Kim Ngưu phục vụ dự báo, cảnh báo gập lụt cho thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa để "bắt mạch ông trời”: Bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO