Hết hạn mức giao đất, người dân phải làm gì để có thêm đất sản xuất?

15/12/2017 00:00

(TN&MT) – Từ năm 2001, gia đình tôi đã được nhà nước giao đất để nuôi trồng thủy sản. Đến nay, gia đình tôi muốn mở rộng quy mô nuôi trồng. Đầu năm 2017, anh trai tôi đã lên UBND xã để xin được giao thêm đất. Tuy nhiên, cán bộ địa phương trả lời rằng nhà tôi đã hết hạn mức giao đất. Xin hỏi, bây giờ gia đình tôi muốn mở rộng diện tích đất nuôi trồng thủy sản thì chúng tôi phải làm thế nào? Nếu không được giao đất thì chúng tôi phải làm sao? Để mua đất sản xuất thì gia đình tôi chưa đủ tiềm lực kinh tế. Xin quý báo tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! ( Đỗ Lan Hương, Tiền Hải, Thái Bình).

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Đúng là Luật Đất đai năm 2013 có quy định về hạn mức giao đất. Cụ thể, Điều 129 quy định:

“1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:

a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác…”.

Như vậy, khi đã đủ hạn mức giao đất, gia đình bạn sẽ không được giao thêm đất để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khi muốn mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản mà không đủ tiềm lực kinh tế để nhận chuyển nhượng đất, gia đình bạn có thể chọn cách thuê đất của nhà nước. Quy định về thuê đất của nhà nước được ghi nhận tại  Điều 56 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

“1. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây:

a) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

b) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật này;

c) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

d) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;

đ) Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;

e) Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

g) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.

2. Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”.

Vậy, Điểm b, Khoản 1, Điều 56 Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ là gia đình của bạn có thể thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê khi tiếp tục có như cầu sử dụng đất đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao. Bạn có thể tham khảo quy định nêu trên và liên hệ với UBND cấp xã (nơi cho thuê đất) để được giải quyết việc thuê đất.

Báo TN&MT

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết hạn mức giao đất, người dân phải làm gì để có thêm đất sản xuất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO