Hệ thống xử lý thực phẩm chiếm hơn một phần ba lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu

Lan Chi| 10/03/2021 23:55

(TN&MT) - Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc công bố ngày 9/3, hơn một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra có thể là do cách chúng ta sản xuất, chế biến và đóng gói thực phẩm.

Một bé gái ăn sáng. Ảnh: Unsplash / Providence Doucet

Theo ước tính, lượng khí thải từ hệ thống xử lý thực phẩm là 18 tỷ tấn CO2, tương đương 34% vào năm 2015, giảm từ 44% vào năm 1990, cho thấy sự giảm xuống ngay cả khi lượng phát thải vẫn tăng lên.

Báo cáo của tác giả Francesco Tubiello, chuyên gia thống kê và biến đổi khí hậu cấp cao tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu ở Ispra, Italy.

Báo cáo đã đưa ra một cơ sở dữ liệu, được gọi là EDGAR FOOD, có thể được sử dụng để đánh giá những thay đổi trong hành vi hoặc công nghệ của người tiêu dùng, có thể tác động như thế nào đến việc phát thải khí nhà kính từ hệ thống xử lý thực phẩm. EDGAR FOOD kết hợp dữ liệu sử dụng đất quan trọng của hơn 245 quốc gia đã được FAO tổng hợp. Thông tin có từ năm 1990 và trải dài trên nhiều lĩnh vực, điều này sẽ cho phép theo dõi các xu hướng đang diễn ra và trong tương lai.

Hệ thống xử lý thực phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng hơn

Báo cáo nhấn mạnh cách các hệ thống xử lý thực phẩm toàn cầu ngày càng sử dụng nhiều năng lượng hơn, phản ánh xu hướng bán lẻ, đóng gói, vận chuyển và chế biến, với phát thải đang tăng nhanh ở một số nước đang phát triển.

Khoảng 2/3 lượng khí thải từ hệ thống lương thực đến từ nông nghiệp, sử dụng đất và những thay đổi trong việc sử dụng đất. Con số này cao hơn đối với các nước đang phát triển, nhưng cũng đang giảm đáng kể do nạn phá rừng giảm và chế biến thực phẩm, hệ thống làm lạnh và các hoạt động hạ nguồn khác (hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh) tăng lên.

Xét về tỷ trọng của toàn bộ lượng khí thải do con người gây ra, do hoạt động của con người gây ra, hệ thống xử lý thực phẩm ở các quốc gia công nghiệp nhìn chung ổn định ở mức khoảng 24%. Ở các nước đang phát triển, tỷ trọng này đã giảm từ 68% năm 1990 xuống còn 39% vào năm 2015, một phần do lượng khí thải phi thực phẩm tăng rất cao. Trung Quốc, Indonesia, Mỹ, Brazil, Liên minh châu Âu và Ấn Độ là những nơi phát thải nhiều nhất.

Sản xuất lương thực gây lượng phát thải lớn nhất

Các quy trình sản xuất, bao gồm các yếu tố đầu vào như phân bón, là tác nhân gây phát thải lớn nhất vào tổng lượng phát thải của hệ thống thực phẩm, chiếm 39%. Sử dụng đất chiếm 38% và phân phối chiếm 29%, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Khí mê-tan từ chăn nuôi và trồng lúa chiếm 35% lượng phát thải khí nhà kính của hệ thống xử lý thực phẩm và nói chung tương đương ở cả các nước phát triển và đang phát triển.

“Trong khi đó, ở các nước công nghiệp phát triển, khí thải từ các khí nhà kính chứa flo, được sử dụng trong làm lạnh, đã có “tác động mạnh đối với sự nóng lên toàn cầu”, các tác giả cho biết.

Theo các tác giả, điện lạnh chiếm gần 50% mức tiêu thụ năng lượng của lĩnh vực bán lẻ và siêu thị, nơi lượng khí thải đã tăng gấp bốn lần ở châu Âu kể từ năm 1990. Trên toàn cầu, con số này vào khoảng 5% lượng khí thải của hệ thống xử lý thực phẩm toàn cầu, nhưng dự kiến sẽ tăng.

Bao bì cũng chiếm một tỷ lệ tương tự trong lượng khí thải, hoặc khoảng 5,4%, nhiều hơn so với vận chuyển hoặc các yếu tố chuỗi cung ứng khác.

Các tác giả cho rằng, cơ sở dữ liệu EDGAR FOOD sẽ hỗ trợ việc chuyển đổi hiệu quả sang các hệ thống lương thực bền vững. Đồng thời, cơ sở dữ liệu này cũng sẽ cung cấp sự hiểu biết và ước tính nhiều hơn về tác động khí hậu đối với sản xuất, phân phối và tiêu thụ lương thực trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống xử lý thực phẩm chiếm hơn một phần ba lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO