Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai: Bài cuối: Giải pháp nào tháo gỡ?

Trường Giang| 15/12/2020 09:35

(TN&MT) - Theo Bộ TN&MT, để thực hiện tốt nhiệm vụ của Văn phòng Đăng ký đất đai, khắc phục những tồn tại, bất cập cần thực hiện một số giải pháp, trong đó, quan trọng nhất là phải dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động…

Theo đó, về cơ cấu tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, cần kiện toàn và bổ sung cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong khi nhiều chi nhánh Văn phòng vẫn còn phải tham gia công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại địa phương.

Đối với việc tuyển chọn cán bộ, đối với những Văn phòng hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cho phép Giám đốc Văn phòng căn cứ khối lượng công việc giải quyết thủ tục trên địa bàn được chủ động ký hợp đồng dài hạn, chủ động điều động nhân lực trong hệ thống Văn phòng phù hợp với quy định Khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ về quy định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ảnh: MH

Hiện nay, quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì UBND cấp tỉnh căn cứ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập, quy mô về số lượng người làm việc và số đầu mối tổ chức trực thuộc của đơn vị sự nghiệp công lập, phạm vi hoạt động, tính chất và đặc điểm về chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị sự nghiệp công lập để quyết định số lượng cấp phó (không quá 3 người), bảo đảm giải quyết được khối lượng lớn công việc, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.

Về cơ chế hoạt động và nhiệm vụ chuyên môn, Văn phòng là tổ chức hoạt động dịch vụ công về đất đai, hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư trở lại để phục vụ cho hoạt động quản lý đất đai như đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đầu tư hạ tầng thông tin đất đai còn thấp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc cần có một cơ sở dữ liệu đất đai đủ mạnh để có thể thực hiện liên thông với các cơ quan liên quan theo hướng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, cung cấp cho các ngành, lĩnh vực trên địa bàn là rất khó khăn.

Do đó, UBND các tỉnh cần thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 là bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên và quan tâm kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trang thiết bị, kho lưu trữ cho Văn phòng.

Đồng thời, phê duyệt Kế hoạch và bố trí kinh phí đầu tư hoặc thuê dịch vụ về hạ tầng công nghệ thông tin cho Văn phòng và các chi nhánh để có thể triển khai đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đồng bộ, phục vụ cho việc khai thác, quản lý dữ liệu, tái đầu tư cho hệ thống.

Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để triển khai Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng hệ thống kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế” làm nền tảng tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình kết nối điện tử giữa các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai ở địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị phù hợp với quy định về thủ tục hành chính. Đối với các địa phương chưa ban hành quy chế phối hợp thì chỉ đạo khẩn trương ban hành quy chế phối hợp giữa Văn phòng với các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ TN&MT cũng kiến nghị Chính phủ sớm thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức cho Văn phòng; sớm thông qua Dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai.

Thực hiện Kết luận số 36/KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó có yêu cầu tăng cường các loại hình cung cấp dịch vụ của Văn phòng. Hiện nay, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai dự kiến cho phép Văn phòng cung cấp dịch vụ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo thời gian và địa điểm theo nhu cầu. Cơ chế này sẽ tăng tính chủ động cho hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho Văn phòng Đăng ký đất đai, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Đối với 4 tỉnh chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (Quảng Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Hải Dương), Bộ TN&MT đề nghị cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai và Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để thống nhất thực hiện trên cả nước, làm căn cứ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất và hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai: Bài cuối: Giải pháp nào tháo gỡ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO