Hệ thống thông tin đất đai - Nền tảng phát triển Chính phủ điện tử

Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường| 16/07/2020 13:41

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đất đai tạo nền tảng cho việc xây dựng “Chính phủ điện tử”, những năm qua, ngành Quản lý đất đai (QLĐĐ) đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã xác định mục tiêu: “Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai”.

Những năm gần đây, nhu cầu đối với nguồn tài nguyên đất đai ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và đặc biệt đất đai đang chịu ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH). Thách thức đặt ra đối với ngành QLĐĐ hiện nay là vừa phải đáp ứng các nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời, phải đảm bảo quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai một cách hiệu quả và bền vững.

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay của đất nước. Tuy vậy, năng lực thực thi chính sách pháp luật của ngành QLĐĐ vẫn đang là hạn chế cơ bản; khoảng cách giữa khung chính sách và hiệu quả thực thi pháp luật vẫn còn khá lớn, đặc biệt, khung chính sách không được thực thi một cách thống nhất giữa các địa phương trong cả nước.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra hạn chế về năng lực thực thi ở các cơ quan QLĐĐ là do các cơ quan này chưa có đủ năng lực và các công cụ cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năng lực và các công cụ để vận hành hệ thống QLĐĐ dựa trên nền tảng CNTT hiện đại.

 Thông tin đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) vẫn chưa hoàn thiện, chủ yếu ở dạng hồ sơ giấy và độ tin cậy thấp; nhu cầu cung cấp, khai thác thông tin đất đai của người dân và doanh nghiệp chưa được đáp ứng kịp thời, đầy đủ và chính xác; hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý sử dụng đất đai chưa được xây dựng...Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia - yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan khác – vẫn chưa hoàn chỉnh, vừa thiếu vừa yếu, chưa triển khai được hệ thống quản lý, kết nối, tổng hợp dữ liệu đất đai ở địa phương vào CSDL đất đai quốc gia nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; một số địa phương đã tập trung xây dựng CSDL đất đai nhưng chưa quan tâm đầu tư đường truyền và hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin để vận hành CSDL đất đai, CSDL đất đai sau được nghiệm thu, bàn giao không được khai thác, vận hành và cập nhật biến động dẫn tới lỗi thời, không có giá trị sử dụng.

Đến nay, về xây dựng CSDL trên có nước đã có 182/713 đơn vị hành chính cấp huyện (thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành việc xây dựng CSDL địa chính và đưa vào vận hành, khai thác. Đã đưa được 22.674.662 thửa đất và 11.695.270 hồ sơ địa chính dạng số vào CSDL đất đai để quản lý, khai thác sử dụng.. Một số địa phương đang bắt đầu tiến hành các thành phần khác của CSDL đất đai: CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất, CSDL thống kê, kiểm kê đất đai.

Ảnh minh họa

Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã trang bị đường truyền kết nối từ Văn phòng đăng ký đất đai đến các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai của các nhà cung cấp như: VNPT, Viettel, FPT… Một số tỉnh, thành phố đang chuyển dần từ mô hình phân tán cấp huyện về mô hình tập trung cấp tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre. Ngoài ra, một số tỉnh đang thử nghiệm thuê dịch vụ hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin từ các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, CMC, ...; máy trạm và trang thiết bị đã trang bị cho các cán bộ vận hành.

Về phần mềm ứng dụng của hệ thống thông tin đất đai đã có các phần mềm đang được các tỉnh sử dụng gồm: ViLIS (44/63 tỉnh), ELIS (13/63 tỉnh), TMV.LIS (4/63 tỉnh), DongNai.LIS  (1/63 tỉnh), SouthLIS (1/63 tỉnh). Một số địa phương đang thử nghiệm phần mềm mới dựa trên nền tảng công nghệ web-base gồm: VietLIS  (Bắc Ninh, Đà Nẵng), VBDLIS  (thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên), VNPT-iLIS  (Tây Ninh, Sơn La).

Chức năng của phần mềm ứng dụng được chia thành 3 nhóm chính gồm: Nhóm ứng dụng hỗ trợ công tác đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, tạo lập CSDL đất đai; nhóm ứng dụng quản trị, vận hành CSDL đất đai; nhóm ứng dụng khai thác CSDL đất đai. Ngoài ra, một số địa phương đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 như nền tảng Web-base, smartmobile, Blockchain... vào khai thác CSDL đất đai.

Về mô hình hệ thống: trên địa bàn cả nước có 3 mô hình hệ thống CSDL đang vận hành bao gồm: mô hình tập trung cấp tỉnh (6 tỉnh: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre); mô hình bán tập trung cấp tỉnh (41 tỉnh) và mô hình phân tán cấp huyện (16  tỉnh).

Về liên thông điện tử: một số địa phương đã thực hiện liên thông điện tử từ phần mềm một cửa điện tử tới phần mềm ứng dụng của hệ thống thông tin đất đai như Đồng Nai, Huế, Long An, Đà Nẵng; đã có 11/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, liên thông, trao đổi thông tin điện tử xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đối với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên và môi trường (đã triển khai được 90 huyện).

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hệ thống thông tin đất đai (TTĐĐ) và CSDL đất đai là công cụ quan trọng để thực hiện tốt nhất công tác quản trị đất đai hiện đại: giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân và là yếu tố quan trọng góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước.

Hay nói cách khác, hệ thống TTĐĐ và CSDL đất đai chính là hạ tầng mềm và công cụ để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công về đất đai, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Các quốc gia đã thành công trong việc xây dựng và ứng dụng hệ thống TTĐĐ quốc gia đa mục tiêu đều giành nguồn đầu tư thích đáng cho việc xây dựng hành lang pháp lý, thiết kế mô hình hệ thống, phát triển phần mềm ứng dụng và quản lý, đầu tư phần cứng, xây dựng và chuẩn hóa CSDL đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống TTĐĐ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính hữu ích của hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu; vận hành và bảo trì hệ thống.

Khi đã xây dựng được hệ thống TTĐĐ, hoàn thiện được chế độ công khai, chia sẻ thông tin, hệ thống TTĐĐ của các nước đều góp phần đáng kể trong việc tăng nguồn thu quốc gia, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi và kích thích các giao dịch về đất đai. Bên cạnh đó, có khoảng 80% quyết định về bất kỳ lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan QLNN đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian. Trước đây, khi CNTT chưa phát triển, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là một thách thức lớn đối với các cơ quan QLĐĐ.

Thực tế, với nguồn đầu tư từ trước đến nay, hệ thống TTĐĐ và CSDL đất đai ở Việt Nam đang từng bước hình thành. Tuy vậy, việc lưu trữ dữ liệu còn phân tán và chưa được quản lý và đưa vào vận hành một cách tối ưu, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Các cơ sở dữ liệu về quy hoạch, về giá đất là những thành phần quan trọng trong CSDL về đất đai nhưng chưa được xây dựng. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả của hệ thống CSDL quốc gia về đất đai, cần chú trọng khâu cập nhật, khai thác và chia sẻ dữ liệu. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất là việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau trong và ngoài Nhà nước.

Công cụ để thực hiện tốt việc cập nhật, sử dụng và chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai chính là việc thiết kế và xây dựng một hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu trong đó cho phép lưu trữ dữ liệu đất đai tập trung tại một đầu mối và qua đó cho phép chia sẻ thông tin nhanh chóng, chính xác cho tất cả những đối tượng có nhu cầu và quyền hạn sử dụng dữ liệu. Cơ chế chia sẻ thông tin trong hệ thống TTĐĐ đa mục tiêu cũng sẽ phải được thiết kế để khắc phục được những hạn chế của việc chia sẻ thông tin truyền thống và đảm bảo khai thác tối đa năng lực của CNTT, qua đó tránh tình trạng thiếu tính đồng bộ của dữ liệu và đảm bảo luôn duy trì một bản dữ liệu gốc, chính xác và cập nhật nhất về TTĐĐ.

Hệ thống TTĐĐ quốc gia, thống nhất, đa mục tiêu với các quy trình nghiệp vụ được chuẩn hóa, thực hiện thao tác trực tuyến sẽ nâng cao tính hiệu quả của công tác chuyên môn, cũng như cho phép chia sẻ và tiếp cận rộng rãi hơn đối với các thông tin đất đai, không chỉ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, mà cả khu vực tư nhân và người dân. Hệ thống này cũng cho phép các bên có liên quan tiếp cận dễ dàng, minh bạch, công bằng hơn các thông tin và dịch vụ đất đai, từ đó, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước, hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, quản lý, theo dõi và giám sát việc sử dụng tài nguyên đất, hỗ trợ quá trình CCHC và phát triển thị trường đất đai, thị trường bất động sản.

Chính vì thế, việc xây dựng CSDL đất đai quốc gia và triển khai hệ thống TTĐĐ quốc gia đa mục tiêu, thống nhất trên cả nước là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần xây dựng thành công “Chính phủ điện tử” ở nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống thông tin đất đai - Nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO