HĐND tỉnh Thanh Hóa: Nóng vấn đề ô nhiễm môi trường

11/12/2015 00:00

(TN&MT)- Ngày 11/12/2015 tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Thanh Hoá khoá XVI, trong phiên chất vấn  Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hoá và các vùng phụ cận tại xã Đông Nam (huyện Đông Sơn), gọi tắt là Bãi rác Đông Nam gây ô nhiễm môi trường và quá tải cùng vấn đề 57 ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì ô nhiễm, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hoá Lưu Trọng Quang đã nhận trách nhiệm của Sở về vấn đề này.

Bãi rác quá tải và ô nhiễm sau một năm đi vào hoạt động

Bãi rác Đông Nam do UBND TP Thanh Hoá làm chủ đầu tư và giao Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hoá quản lý, vận hành. Theo thiết kế ban đầu, bãi chôn lấp gồm 4 ô chứa rác với tổng diện tích 29.714 m2, tuy nhiên hiện nay bãi rác mới chỉ hoàn thành 2/4 ô chôn lấp với diện tích 9.120 m2, khu vực tiếp nhận và phân loại rác thải, hệ thống xử lý nước rỉ rác và một số công trình phụ trợ khác, hiện bãi rác tiếp nhận 250 – 260 tấn rác/ngày.

Toàn cảnh phiên chất vấn
Toàn cảnh phiên chất vấn

Ông Quang cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, 2/4 ô chôn lấp đã đầy rác, bề mặt các ô chôn lấp chỉ được phủ bạt sơ sài, không có lớp đât phủ bề mặt. Trong quá trình vận hành bãi chôn lấp rác, lượng hoá chất Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hoá sử dụng còn ít nên việc xử lý mùi hôi không đáp ứng yêu cầu; hệ thống xử lý nước rỉ rác vận hành không thường xuyên và đúng quy trình kỹ thuật, nước rỉ rác chỉ được xử lý sơ bộ, sau đó dẫn sang ao chứa và thải ra khe núi, ra sông Hoàng. Toàn bộ tường rào bão rác, hệ thống thoát nước mưa chưa được xây dựng; các bờ bao bằng đất xung quanh ô chôn lấp bị nước mưa xói mòn, xuống cấp; một số điểm có dấu hiệu rò rỉ ngấm nước rỉ rác vào đất, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ngoài rác thải sinh hoạt, công ty vận hành còn tiếp nhận, đưa vào chôn lấp thêm rác thải công nghiệp (vải vụn, phế phẩm da giày) đây là các chất thải khó phân huỷ, do đó bãi rác Đông Nam càng thêm quá tải.

Nguyên nhân được cho là: Do chưa tìm được nhà đầu tư có công nghệ mới và hiện đại nên trước mắt phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh đã lạc hậu, việc xử lý triệt để được các nguồn ô nhiễm thứ cấp như nước rỉ rác, mùi hôi thối là rất khó khăn; Nguồn vốn bố trí cho dự án chưa đầy đủ, kịp thời; Bên cạnh đó, Bãi rác Đông Nam vừa hoạt động vừa xây dựng nên thiếu tính đồng bộ, khó khăn trong việc khống chế các nguồn gây ô nhiễm ra môi trường và xử lý nước rỉ rác. Ngoài ra, việc vận hành Bãi rác Đông Nam của Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa chưa đúng quy trình kỹ thuật, không lấp phủ đất bề mặt bãi chôn lấp, hệ thống xử lý nước rỉ rác hoạt động không hiệu quả, tiếp nhận rác thải công nghiệp với số lượng lớn làm quá tải bãi chôn lấp.

Về phần mình, lãnh đạo Sở TN&MT đã nhận trách nhiệm về việc Bãi rác Đông Nam bị ô nhiễm, quá tải chỉ sau một năm đi vào hoạt động gây bức xúc dư luận.

57 ha đất nông nghiệp bỏ hoang, ô nhiễm vì thiếu máy bơm nước?

Cũng trong phiên chất vấn, Sở TN&MT Thanh Hóa đã có giải trình về tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa. Khu vực này năm phía sau các bệnh viện tuyến tỉnh như: BV Nhi, BVĐK tỉnh, BV Phụ sản… do địa hình thấp nên nơi đây là nơi tập trung nước thải của các bệnh viện và các khu dân cư đang sinh sống gần đó đổ về. Hầu hết khu ruộng lúa đều trong tình trạng ô nhiễm, nhiều năm nay nhân dân không thể canh tác được, môi trường không khí xung quanh có mùi hôi thối do quá trình phân hủy sinh học của nước thải, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực xung quanh. Kết quá phân tích chất lượng nước thải từ bệnh viện ra môi trường từ năm 2012 – 2015 cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép như: TSS vượt 2,64 lần, COD vượt 2,48 lần, Colifrom vượt 7,1 lần…

Phó Giám đốc Sở TN&MT Lưu Trọng Quang nhận trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm tại Bãi rác Đông Nam
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lưu Trọng Quang nhận trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm tại Bãi rác Đông Nam

Nguyên nhân được xác định là các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa, chưa thu gom triệt để nước thải y tế hoặc công tác vận hành chưa đúng quy trình kỹ thuật, không vận hành thường xuyên nên nước thải chưa qua xử lý vẫn được thải ra ngoài môi trường.

Theo ông Lưu Trọng Quang, sự việc này đã và đang diễn ra nhiều năm, Sở cũng đã thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở và đôn đốc? Còn phương án, biện pháp xử lý triệt để thì vẫn chưa được làm rõ? Hơn nữa, Dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải TP Thanh Hóa đã được đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động nên khiến việc xử lý ô nhiễm tại khu vực này gặp nhiều khó khăn.

Trả lời về việc Dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã cơ bản hoàn thiện 1 năm nay nhưng chưa đi vào hoạt động của Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến khiến vấn đề ô nhiễm tại khu vực nhức nhối thì đại diện Ban Quản lý Dự án phát triển toàn diện KT – XH TP Thanh Hóa (CSEDP) cho rằng: Dự án đã cơ bản hoàn thiện nhưng do thiếu một hạng mục máy bơm nước trị giá 1 tỷ đồng nên chưa nghiệm thu, dự kiến đến tháng 1/2016 sẽ hoàn thành và bàn giao cho TP Thanh Hóa?

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu và nhân dân có ý kiến quan tâm đến các giải pháp xử lý cấp bách trước mắt và biện pháp lâu dài để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như hướng khắc phục, xử lý các diện tích đất nông nghiệp bị ô nhiễm để trả nhân dân có điều kiện sản xuất, canh tác.

Bài & ảnh Tuyết Trang- Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HĐND tỉnh Thanh Hóa: Nóng vấn đề ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO