Hãy sống hòa hợp với thiên nhiên

Khương Trung (thực hiện) | 14/02/2021, 07:10

(TN&MT) - Nhân dịp năm mới Xuân Tân Sửu 2021, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) về vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

PV: Thưa Thượng tọa, vừa qua, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam với việc xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm tại cộng đồng trong việc tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH. Xin Thượng tọa cho biết mối quan hệ giữa Phật giáo với BVMT hiện nay?

Thượng tọa Thích Đức Thiện:

Trên cơ sở triết lý Duyên khởi, những hiểm họa về môi trường, BĐKH toàn cầu, vấn nạn nghèo đói,... mà nhân loại ngày nay đang đối mặt là chính từ hậu quả của tư duy và hành động “Tham, Sân, Si” của con người đối với thế giới tự nhiên. Vì vậy, để bảo vệ môi trường sống trong điều kiện hiện nay, theo Phật giáo, cần phải hoạch định được phương thức giáo dục và định hướng sống “thiện” với tự nhiên, giúp con người hình thành thói quen có ý thức tự giác cao với những hệ quả của hành vi bản thân đối với môi trường.

Đối với Phật giáo, con người là trung tâm của vũ trụ, phải sống hài hòa với thiên nhiên. Cho nên vấn đề BVMT đã được đức Phật và tăng đoàn thực hiện từ hơn hai ngàn năm trăm trước. Bằng trí tuệ siêu phàm của bậc toàn giác, đức Phật đã nhận thức được và chỉ rõ nguyên lý vận hành của vũ trụ vạn vật qua cái nhìn Duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam

Đây là chân lý về sự tồn vong của vũ trụ vạn vật. Con người và muôn loài trong thế giới này tồn tại hay diệt vong đều có quan hệ tương quan, tương duyên, hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau, tất cả đều trong mối tương quan trùng trùng duyên khởi.

Không chỉ nhận thức rõ ràng về mối tương quan giữa con người và thế giới như vậy, mà đức Phật cùng chúng đệ tử luôn luôn thực hiện việc BVMT trong quá trình tu tập, hành đạo trên cả hai phương diện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Trên phương diện môi trường tự nhiên, hình ảnh đức Phật từ khi đản sinh, đến khi xuất gia, thành đạo, chuyển Pháp luân và nhập Niết bàn đều gắn liền với gốc cây, với rừng cây. Đối với chúng đệ tử cũng vậy, ban ngày tu tập dưới gốc cây, đêm đến lấy gốc cây làm nơi ngủ nghỉ... Đó là một thông điệp rõ ràng, sống động mà đức Phật muốn chuyển tải đến mọi người: Hãy sống hòa hợp với thiên nhiên.

Phật giáo dạy rằng, đối với chúng đệ tử xuất gia phải sống, tu tập với tinh thần lục hòa cộng trụ; đối với chúng đệ tử tại gia phải giữ gìn tốt đẹp 6 mối quan hệ trong gia đình và xã hội... đều là những hành động thiết thực để mỗi cá nhân tịnh hóa tâm hồn, nhằm BVMT xã hội, làm cho cuộc sống của nhân loại được an lạc hạnh phúc.

PV: Được biết vấn đề BVMT và ứng phó với BĐKH là một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của Phật sự GHPGVN tạo phong trào thi đua yêu nước, BVMT trong toàn Giáo hội. Xin Thượng tọa cho biết tính hiệu quả về kinh tế, xã hội mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi kêu gọi Tăng ni, Phật tử tích cực tham gia trong thời gian qua?

Thượng tọa Thích Đức Thiện:

Trên căn bản của những giá trị giáo lý yêu thương và phục vụ, với truyền thống sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, GHPGVN với gần 55.000 chức sắc và hơn 50 triệu tín đồ Phật tử đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, triển khai nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ BVMT, ứng phó với BĐKH.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII GHPGVN, để phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, Trung ương Giáo hội Đại hội kêu gọi Tăng ni, Phật tử Việt Nam tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng chương trình hành động BVMT, ứng phó với BĐKH.

Một số Ban Trị sự tỉnh, thành phố đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH như: GHPGVN TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo về chủ đề BVMT và ứng phó với BĐKH nhằm tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng nhân dân, tín đồ Phật tử về tầm quan trọng, các giải pháp để BVMT và ứng phó với BĐKH. GHPGVN TP. Hồ Chí Minh và Quỹ Đạo Phật Ngày nay chùa Giác Ngộ đã tổ chức triển lãm văn hóa về BVMT và ứng phó BĐKH, Tăng ni, Phật tử Ban Ni giới TP. Hồ Chí Minh đã tích cực từ thiện xã hội cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ bị nước biển xâm nhập mặn và các vùng miền Trung bị khô hạn. GHPGVN tỉnh Điện Biên đã phát động và trồng được 10.000 cây hoa ban tại các đồi trọc Tông Khao, huyện Điện Biên, trồng 1.080 cây hoa ngọc lan, cây Bồ Đề, cây bạch đàn tại các chùa di tích các tỉnh phía Bắc: Bái Đính - Ninh Bình, Phật Tích - Bắc Ninh, Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - Cao Bằng, Phù Liễn - Thái Nguyên, đặc biệt Quan Âm Tu viện - Biên Hòa, Đồng Nai đã trồng trên 3 ha mẫu rừng tại Núi Dinh - Bà Rịa - Vũng Tàu… và đại đa số các Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố đã tích cực tham gia BVMT, ứng phó BĐKH tại các chùa của mình và tại địa phương.

Ngoài ra, Trung ương Giáo hội đã hướng dẫn các cấp GHPGVN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam, Bộ TN&MT và cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện BVMT, ứng phó với BĐKH của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và Chương trình Mục tiêu quốc gia về BĐKH.

Đặc biệt, Giáo hội đã lồng ghép phổ biến về chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BVMT, ứng phó với BĐKH trong các trường hạ, khóa tu của Phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của Tăng ni sinh tại các trường đào tạo Phật học.

Các cơ sở tôn giáo chung tay trồng cây chống xâm nhập mặn, bảo vệ môi trường. Ảnh: MH

PV: Thượng tọa có thể điểm cho bạn đọc biết một số địa danh, mô hình cụ thể đã có nhiều hoạt động đóng góp đối với sự nghiệp BVMT?

Thượng tọa Thích Đức Thiện:

Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều mô hình điểm Phật giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH, có thể điểm qua một số địa điểm cụ thể tiêu biểu cho từng vùng thực hiện tốt vấn đề này.

Chùa Pháp Vân: Đã tổ chức thường xuyên các buổi truyền thông, thuyết giảng cho hơn 3.000 người dân về BVMT, ứng phó với BĐKH, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; liên kết với các trường học, Đoàn Thanh niên thường xuyên truyền thông các chủ đề về môi trường, BVMT cho các đạo tràng Phật tử sinh hoạt tại chùa, tham gia vệ sinhnhững nơi công cộng như công viên, bệnh viện, bến xe, trường học…

Chùa Hải Đức, TP. Huế: Đã kết hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) cùng thực hiện dự án xây dựng năng lực cho cộng đồng để giảm thiểu được rủi ro do BĐKH. Với các hoạt động tích cực và cụ thể như: Đã thành lập ban điều phối cứu hộ, cứu trợ có khả năng ứng cứu khẩn cấp với các BĐKH, đồng thời cùng với việc kết hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội đã giúp cho các hoạt động của mình mang tính xã hội, lan tỏa sâu rộng hiệu quả.

Chùa Pháp Bảo, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh: Là mô hình điểm của Phật giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH tại khu vực miền Nam, chùa Pháp Bảo đã thực hiện các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tình nguyện viên và Phật tử của chùa và Ban Điều hành khu phố các phường trong địa bàn quận Gò Vấp tham gia hoạt động của mô hình.

PV: Nhân dịp năm mới Xuân Tân Sửu 2021, qua Báo Tài nguyên và Môi trường, Thượng tọa có điều gì nhắn gửi tới các Tăng ni, Phật tử nói chung và công tác BVMT và ứng phó với BĐKH nói riêng?

Thượng tọa Thích Đức Thiện:

Nhân dịp năm mới Xuân Tân Sửu 2021, tôi kính chúc tất cả mọi người đón Xuân mới vô lượng an lạc, vô lượng cát tường. Và qua Báo Tài nguyên và Môi trường, tôi mong muốn tất cả chúng ta hãy chung tay bảo vệ môi trường. Vì BVMT chính là bảo vệ sự sống cho chúng ta hôm nay và cho thế hệ mai sau, do đó việc tuyên truyền, vận động đông đảo Tăng ni, Phật tử và nhân dân cả nước gắng sức, đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và GHPGVN thực hiện tốt nhiệm vụ BVMT là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa to lớn. Có như vậy, mới có thể tạo cơ sở vững chắc cho mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đón Xuân mới bằng việc trồng cây và tham gia Tết trồng cây để cho cuộc đời mãi mãi xanh tươi, mãi mãi xuân.

PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Bài liên quan
  • Giáo hội Phật giáo Việt Nam “nói không” với rác thải nhựa
    (TN&MT) - Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có công văn gửi Ban Trị sự GHPG các tỉnh, thành về việc hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và phong trào của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “chống rác thải nhựa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
[Infographic] - Các tôn giáo TP.HCM bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2020-2023, TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng được 112 mô hình tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của cộng đồng tôn giáo.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO