Hậu vụ án "chai nước Number 1 có ruồi": Mua bán "sự im lặng" có hợp pháp?

21/12/2015 00:00

  (TN&MT) - Cho đến tận khi bị cáo Võ Văn Minh bị tuyên phạt 7 năm tù giam cho hành vi "cưỡng đoạt tài sản" 500 triệu đồng của Cty Tân Hiệp Phát thì...

 

(TN&MT) - Trong phần bào chữa của mình tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Tấn Thi, người bào chữa miễn phí cho bị cáo Võ Văn Minh luôn giữ nguyên quan điểm khẳng định hành vi của bị cáo Võ Văn Minh là không sai và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa
Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa

Bản thân bị cáo Võ Văn Minh tại tòa cũng cho rằng mình chỉ đơn thuần là bán lại “chai nước có ruồi” cho Công ty Tân Hiệp Phát. Tức là Công ty Tân Hiệp Phát khi “mua lại chai nước có ruồi” của bị cáo Võ Văn Minh là mua “sự im lặng” nhằm đảm bảo chính uy tín và thương hiệu của Công ty Tân Hiệp Phát.

Tại tòa, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cũng thừa nhận vì lo sợ vụ việc bị phát tán, bị loan tin ra bên ngoài nên mới có động thái “vờ” chấp nhận phương án 500 triệu đồng. Để dẫn đến kết cục là  khi Võ Văn Minh nhận tiền thì công an ập đến bắt giữ.

Như vậy, cho đến tận khi Võ Văn Minh bị tuyên phạt 7 năm tù giam vì hành vi cưỡng đoạt tài sản thì nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về việc thỏa thuận, mua bán “sự im lặng” có được coi là hợp pháp? Và trong trường hợp nào thì hợp pháp, trường hợp nào là trái luật.

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại tòa
Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại tòa

Trên thế giới cũng không ít trường hợp người tiêu dùng thỏa thuận với doanh nghiệp, nhà sản xuất về các sản phẩm mắc lỗi. Và doanh nghiệp để bảo vệ uy tín của mình đã chấp nhận bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua sự im lặng của khách hàng. Xét ở góc độ nào đó, thỏa thuận đó cần được tôn trọng.

Còn tại Việt Nam, nhiều người cho rằng không nên vì lợi ích cá nhân mà bỏ rơi quyền lợi chung của cộng đồng. Cũng có luồng dư luận lên án bị cáo Võ Văn Minh chỉ vì lợi ích của riêng cá nhân, cộng với lòng tham lam mà không làm lớn vụ việc lên, mà lại lẳng lặng tìm cách thỏa thuận với Công ty Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, cũng có một luồng ý kiến khác cho rằng điều này cũng không có gì là khó hiểu nếu như coi chai nước có ruồi mà Võ Văn Minh đang giữ như chính là một “bí mật khó hiểu” của Công ty Tân Hiệp Phát mà Võ Văn Minh muốn bán lại.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Luật sư Nguyễn Văn Quynh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Trao đổi với PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nêu quan điểm: “Có thể thấy đây là một bài học đắt giá cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải đối diện tất cả các tình huống phát sinh, nếu là sản phẩm của mình bị lỗi cần phải thu hồi và xin lỗi khách hàng. Đạo đức kinh doanh là tối quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào khi tham gia kinh doanh muốn tồn tại phát triển bền vững trong tâm trí khách hàng của mình. Đã kinh doanh đừng quay lưng lại với bất kỳ khách hàng nào. Doanh nghiệp nào cũng cần đặt cái tâm, đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, không thể đối xử với “thượng đế” của mình thiếu tôn trọng, cũng không dung túng cho những khiếm khuyết của sản phẩm mà trao đổi sự im lặng bằng tiền để đổi lấy sự im lặng.

Thay vì dồn ép người tiêu dùng vào con đường tù tội thì trước hết phải cùng cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ việc. Không nên xử lý một cách thiếu minh bạch, khách quan để rồi mất đi niềm tin khách hàng.

Pháp luật về giao dịch dân sự sở hữu tài sản đã có đầy đủ tại sao lại hình sự hoá quan hệ này để đẩy cả Doanh nghiệp và người dân thành nạn nhân?

Thực tế đã có vụ việc cũng của Công ty Tân Hiệp Phát trao đổi chai nước với giá 70 triệu với một khách hàng, và Công an một tỉnh phải đình chỉ do xác định đây là quan hệ giao dịch dân sự về tài sản. Còn vụ việc anh Minh là 500 triệu thì bị xử lý hình sự. Ở nước ngoài họ tự thoả thuận, hoặc kiện bồi thường sản phẩm hư, lỗi...là chuyện hai bên đương sự”.

“Cáo trạng và bản án buộc Võ Văn Minh là "hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu tới dư luận quần chúng nhân dân...", nhưng ngay khi tuyên án xong đã gây một làn sóng bất bình trên dư luận với mức án quá nặng 7 năm tù. Từ đó xuất hiện dư luận tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Vậy bản án có lường được yếu tố này khi nghị án?. Vậy, bản án này có được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân hay không, pháp luật có được tôn trọng hay không, chưa cần phân tích những vi phạm tố tụng của bản án?” – Luật sư Nguyễn Văn Quynh đặt câu hỏi.

PV

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu vụ án "chai nước Number 1 có ruồi": Mua bán "sự im lặng" có hợp pháp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO