Hậu Lộc (Thanh Hóa): Bát nháo bãi tập kết cát trái phép

23/07/2014 00:00

(TN&MT) - Theo ghi nhận của PV và phản ánh của người dân địa phương, trên địa bàn huyện Hậu Lộc hiện có 4 địa điểm “cát tặc” đang khai thác, tập kết cát trái...

   
(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường sinh thái từ bụi cát và tiếng ồn, đường giao thông liên thôn, liên xã bị cày xới xuống cấp nặng nề, các tuyến đê sông yếu thì sụt lún, đồng ruộng bỏ hoang, nhà cửa bị rạn nứt... Đó là những thực tế phản ánh chung của người dân sống gần các bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn các xã Phong Lộc, Quang Lộc huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), nhưng không hề bị cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến người dân bất bình trong nhiều năm qua.
   
Bãi cát của ông Tống Nam Giang sánh vai cùng ngôi nhà 2 tầng.
   
  Theo ghi nhận của chúng tôi trên địa bàn huyện Hậu Lộc hiện có 4 địa điểm “cát tặc” đang lộng hành khai thác và tập kết cát trái phép. Tại thôn 12, xã Quang Lộc bãi tập kết cát của DNTN Tân Lộc có diện tích 3.000m2, với khối lượng cát khoảng trên 500m3.
   
  Đặc biệt, ngược sông Lèn lên thôn Lộc Đọng và thôn Kỳ Sơn, xã Phong Lộc chúng tôi chứng kiến ba bãi tập kết cát nằm sát chân đê và cả trong khu dân cư của các hộ gia đình ông Phạm Ngọc Quế, có diện tích 3.000m2 và khoảng 500m3 cát; ông Tống Nam Giang, có diện tích 2.888m2 với khối lượng khoảng 1.200m3 cát; ông Nguyễn Hữu Tài, có tổng diện tích là 1.800m2 và khối lượng cát ở bãi khoảng 1.000m3. Tại các bãi tập kết chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc “vòi rồng” đang phun cát từ tàu lên bãi, trên bãi là những chiếc máy cẩu hạng lớn đang vận hành hết công suất múc cát lê xe, các tuyến đường thì xe chở cát tấp nập chạy đến bãi lấy cát bụi mù mịt.
   
Một góc bãi tập kết của ông Giang ở khu đất bảo vệ hành lang đê.
    
  Một hộ dân sống gần khu vực bãi tập kết cát của ông Tống Nam Giang, thôn Lộc Đọng, xã Phong Lộc bức xúc cho biết: “Hàng chục năm qua người dân nơi đây phải sống khổ sở vì tình trạng bơm và hút cát với đủ loại tiếng máy nổ cả ngày lẫn đêm. Hàng ngày tại tuyến đê và các cung đường giao thông liên thôn, liên xã phải oằn mình bởi hàng trăm chiếc xe có trọng tải lớn cày xới, đường sá xuống cấp nặng, nhà dân quanh khu vực này hầu như cả ngày phải đóng cửa kín mít tránh bụi. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng và đã có nhiều đoàn về kiểm tra nhưng vẫn không xử lý triệt để được. Bởi chủ bãi cát còn xây nhà bán kiên cố trái phép tại bãi tập kết nên rất dễ hoạt động và cứ sau mỗi lần đoàn kiểm tra về đình chỉ, xử lý chúng tôi lại càng khổ sở, vì hoạt động bơm hút cát lên bãi và xe chở cát lại chuyển vào lúc buổi trưa và ban đêm khiến chúng tôi không ngủ được, người già trẻ em thường mắc bệnh về suy nhược thần kinh và hô hấp”.
   
  Ông Tống Nam Giang, chủ bãi tập kết cát cho biết: Gia đình có tổng diện tích đất ở, đất vườn tạp và đất thầu bãi bồi ven sông do xã quản lý là 2.888m2 đất, được xã tạo điều kiện cho làm bãi tập kết cát hàng chục năm nay để phục vụ cho các công trình xây dựng của địa phương. Khi chúng tôi hỏi bản hợp đồng thầu đất với xã và hóa đơn nguồn cát thì ông Giang nói hợp đồng đã từ lâu với xã giờ không biết để ở đâu(?), còn nguồn cát mua không lấy hóa đơn và chỉ mua lại từ thuyền lấy cát từ các mỏ. Nhiều người nói bãi cát của gia đình trái phép, tôi thấy rất bức xúc. Vì hàng năm đều có người của xã, huyện đến thu thuế kinh doanh bến bãi, thuế môn bài và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với bến bãi kinh doanh cát?.
   
Bãi cát của ông Phạm Ngọc Quế ngay sát chân đê sông Lèn.
    
  Qua tìm hiểu chúng tôi được biết “cát tặc” không chỉ được chính quyền xã “ưu ái” cho thầu đất núp dưới danh nghĩa trồng cây hay tự ý đổi đất sản xuất nông nghiệp giữa các hộ để lập bãi tập kết cát trái phép. Không những thế “cát tặc” còn ngang nhiên xây dựng nhà bán kiên cố tại các bãi tập kết cát. Như bãi tập kết cát của hai hộ gia đình ông Giang và ông Quý không chỉ xây dựng nhà hai tầng khang trang trên diện tích bãi làm đất ở, mà còn lấn chiếm hàng nghìn m2 đất hành lang bảo vệ đê để xây dựng tường bao quanh để làm bãi tập kết cát trái phép như đang thách thức các cơ quan chức năng.
   
  Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Soái, Chủ tịch UBND xã Phong Lộc thừa nhận: Mặc dù cả ba bãi tập kết cát ở trên địa bàn xã đều trái phép trong nhiều qua, làm sạt lở chân và mặt đê, các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị xuống cấp và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân là có thật. Biết đó là trái thẩm quyền, nhưng xã cũng tạo điều kiện cho các hộ tập kết cát về để địa phương lấy nguyên liệu xây dựng nông thôn mới(!?).
   
Bãi tập kết của ông Nguyễn Hữu Tài ngay trong khu dân cư.
    
  Được biết, ngày 30/4/2014, UBND huyện Hậu Lộc có công văn số 207/UBND-TNMT về chấn chỉnh việc tập kết cát trái phép nhằm quản lý tài nguyên khoáng sản và đảm bảo an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão. Các địa phương phải giải tỏa triệt để các bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn, đồng thời rà soát và xử lý các hợp đồng cho thuê đất làm bãi tập kết cát trái phép, không đúng quy hoạch, nếu địa phương nào còn để xảy ra khai thác, vận chuyển cát trái phép phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và báo cáo về UBND huyện trước ngày 6/5/2015. Tuy nhiên, UBND xã Phong Lộc lại không tiến hành rà soát, xử lý và lập báo cáo về huyện, mà ngược lại tình trạng bơm hút cát tại các bến bãi trái phép lại diễn ra rầm rộ và ngày càng có quy mô lớn hơn ở địa phương. 
   
  Thiết nghĩ, mùa mưa bão năm 2014 đã đến, việc bảo vệ hành lang đê điều là điều hết sức cấp bách, đặc biệt quan trọng. Rất mong UBND huyện Hậu Lộc cần rà soát lại những bãi tập kết cát trái phép giải tỏa dứt điểm những bãi tập kết cát trái phép và xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật
   
  Bài & ảnh: Anh Sơn – Thanh Tâm
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Lộc (Thanh Hóa): Bát nháo bãi tập kết cát trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO