Môi trường

Hậu Giang quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Lê Hùng 08/06/2023 - 10:55

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (Nghị quyết số 24-NQ/TW) đã đề ra, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

Kết quả nổi bật

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ về ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, góp phần phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể, đối với công tác ứng phó BĐKH, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH đến toàn thể người dân; đồng thời, ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện các Thỏa thuận Paris về BĐKH.

14-1-.jpg
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hậu Giang

Đối với công tác quản lý đất đai, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện chặt chẽ, đồng bộ đúng quy định của pháp luật đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất của từng ngành, từng cấp và là cơ sở để triển khai công tác thu hồi và giao đất, cho thuê đất để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần đảm bảo 100% dự án sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích theo quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, công tác giao và cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất luôn dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương; các đối tượng sử dụng đất được giao, cho thuê, cho chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng thẩm quyền, đối tượng tương ứng với từng mục đích sử dụng đất và tuân thủ các quy định về giao, thuê đất, cho phép chuyển mục đích bằng hình thức nộp tiền thuê đất.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hậu Giang cũng đã thực hiện cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, đưa toàn bộ 36ha đất chưa sử dụng vào sử dụng; hoàn thành các dự án điều tra, đánh giá mức độ thoái hóa đất và tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, góp phần đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Liên quan đến công tác quản lý, BVMT, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang cũng đã huy động các nguồn lực thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, xử lý triệt để 7/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 97%, khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,21%; tỉ lệ chất thải rắn đô thị phát sinh được thu gom đạt 90%; 100% chất thải y tế phát sinh được thu gom, xử lý; 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại, cũng như giám sát chặt chẽ các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hậu Giang cũng đã vận hành 9 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh và nước mặt tự động liên tục kết nối hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục quốc gia; đồng thời, tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động liên tục của 12 trạm quan trắc nước thải và khí thải của các doanh nghiệp.

Huy động nguồn lực

Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, nhằm chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai, thời tiết cực đoan; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào công tác cảnh báo thiên tai, đặc biệt là những vùng có nguy cơ hoặc thường xuyên có sạt lở; đầu tư cơ sở hạ tầng nâng cao năng lực chống chịu của đô thị và các điểm dân cư tập trung trước thực trạng BĐKH.

14-2-.jpg
Quản lý hiệu quả đất đai giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tính hiệu lực hiệu quả của kế hoạch sử dụng đất hàng năm gắn kế hoạch sử dụng đất với tổ chức thực hiện phương án về phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tại địa phương đã được cụ thể trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi); hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi đất đai phù hợp với đặc điểm sản xuất quy mô của tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của thiên nhiên.

Tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tăng cường quan trắc môi trường trong các khu công nghiệp, các khu đô thị, khu dân cư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; kiểm soát dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất hữu cơ khó phân hủy trong môi trường tại các khu vực trọng điểm canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; tổ chức mạng lưới phân loại và thu gom chất thải rắn, tăng tần suất và biện pháp để thu gom triệt để lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh; quản lý chặt chẽ các điểm tập kết, trung chuyển, khu xử lý chất thải tập trung.

Để thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, tỉnh Hậu Giang đã đề ra một số giải pháp, trong đó, Hậu Giang sẽ tập trung đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó BĐKH phù hợp với từng đối tượng; tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó BĐKH; đặc biệt, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, BVMT, đa dạng sinh học trên địa bàn.

Đồng thời, Hậu Giang triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ giảm lượng phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất theo hướng công nghệ sạch; ưu tiên thực hiện các mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh; kiểm kê khí nhà kính và thực hiện biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong doanh nghiệp và cộng đồng để tham gia thị trường các-bon, thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo quy định pháp luật về BĐKH.

Bên cạnh việc phát huy nội lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó BĐKH, tỉnh Hậu Giang cũng chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế giúp địa phương chủ động ứng phó thiên tai, BĐKH, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… từ đó, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO