Hậu Giang: Đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung tay thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh”

Lê Hùng | 29/09/2021, 16:24

(TN&MT) - Nhằm góp phần xây dựng tỉnh Hậu Giang xanh, sạch, đẹp theo mục tiêu Đề án “Hậu Giang xanh” đã đề ra, hiện nay người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang cùng với các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiều hoạt động góp phần cải thiện môi trường.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Vừa qua tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó giai đoạn 1 (từ năm 2021-2025) công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng được xem là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên thực hiện để đến cuối năm 2025 sẽ có 100% người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được tiếp cận với các hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Hoạt động bảo vệ môi trường đang được các ngành, đoàn thể tỉnh Hậu Giang quan tâm triển khai thực hiện.

Với tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nên thời gian vừa qua Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đang triển khai các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung của Đề án “Hậu Giang xanh”, nhất là tại những địa phương được chọn làm điểm để triển khai đề án.

Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tài, Phó Trưởng phòng TN&MT TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “TP. Vị Thanh là một trong những địa phương được tỉnh Hậu Giang chọn làm điểm triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh”, nên từ đầu năm 2021 đến nay Phòng TN&MT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND xã, phường trên địa bàn thành phố triển khai tuyên truyền chính sách pháp luật bảo vệ môi trường đến công chức, viên chức, người dân thông qua hình thức hội nghị, hội thảo, loa phát thanh, tờ rơi.

Bà con DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng những tuyến đường khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Cùng với đó Phòng TN&MT, Phòng Dân tộc TP. Vị Thanh còn kết hợp với các cơ sở tôn giáo tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho bà con phật tử, giáo dân, giúp họ hiểu biết cặn kẽ những tác hại của rác thải phát sinh trong sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất đối với môi trường, sức khỏe con người nếu như không được thu gom, xử lý đúng quy định.

Thông tin với phóng viên, ông La Thanh Long, Trưởng phòng Dân tộc TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “TP. Vị Thanh là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống với hơn 9.000 người. Nhằm giúp bà con dân tộc nâng cao kiến thức pháp luật nói chung, các quy định về bảo vệ môi trường nói riêng hàng năm Phòng dân tộc đều phối hợp với Phòng TN&MT, Ban trị sự các chùa Khmer triển khai tuyên tuyên các chính sách, pháp luật cho đồng bào DTTS, qua đó giúp bà con nâng cao hiểu biết về pháp luật, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi xuống sông, rạch làm ô nhiễm môi trường”.

Có được những chiếc xe mini này các xã, phường trên địa bàn TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển rác thải tại khu dân cư.

Ông Thạch Tùng, người dân tộc Khmer ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho phóng viên biết: “Thời gian qua chính quyền địa phương đã cấp phát nhiều tài liệu cũng như tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã, nên bản thân tôi cũng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ môi trường. Để có được môi trường sống trong lành, nguồn nước sạch sử dụng thì mỗi người dân phải có ý thức trong việc xử lý triệt để các loại chất thải phát sinh đúng quy định”.

Nâng cao năng lực thu gom chất thải

Theo ông Nguyễn Đức Tài, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền thì TP. Vị Thanh còn siết chặt kiểm soát việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải; đồng thời tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; nhân rộng mô hình tuyến hẽm tự thu gom rác.

Mô hình tuyến hẻm tự thu gom rác đang được ngành chức năng TP. Vị Thanh, Hậu Giang nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố. 

Từ đầu năm 2021 đến nay thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” TP. Vị Thanh đã chọn 500 hộ dân sinh sống tại một số khu vực thuộc địa bàn phường I, phường III, phường IV và xã Tân Tiến để triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ dân tham gia mô hình, Phòng TN&MT Vị Thanh đã tích cực hướng dẫn và hỗ trợ họ các thùng, sọc để phân loại và chứa rác.

Chia sẻ với phóng viên, ông Danh Hậu người dân tộc Khmer ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh tỉnh Hậu Giang nói: “Vừa qua cán bộ xã có đến hướng dẫn gia đình tôi cách phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày; đồng thời vận động gia đình khi sử dụng xong bao gói thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì thu gom lại một chỗ để không ảnh hưởng đến môi trường. Qua phân tích, hướng dẫn của cán bộ xã gia đình tôi đã hiểu được mục đích của việc phân loại và thu gom rác nên đã nghiêm chỉnh làm theo”. 

Hiện nay tại một số khu vực trên địa TP. Vị Thanh hệ thống giao thông còn khó khăn, phương tiện của đơn vị chức năng chưa thể vào để thu gom, vận chuyển triệt để rác thải được nên có thời điểm gây ra tình trạng ứ đọng, ô nhiễm từ rác thải. Để giải quyết vấn đề này vừa qua TP. Vị Thanh đã thành lập một số tổ thu gom rác thải và hỗ trợ mỗi xã, phường một số xe chở rác mini.

Đề án “Hậu Giang xanh” được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2021-2025) tỉnh Hậu Giang phấn đấu có 100% người dân tiếp cận các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị và 50% ở nông thôn được thu gom và xử lý đúng quy định; 100% hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý. Giai đoạn 2 (từ năm 2025 đến 2030) tỉnh Hậu Giang phấn đấu 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 80% phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định;…

Thông tin với phóng viên bà Hứa Ngọc Minh Thư, cán bộ môi trường phường III, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Vừa qua phường III được hỗ trợ 4 chiếc xe mini để thu gom, vận chuyển rác thải của các hộ dân sinh sống cặp những tuyến đường nhỏ, phương tiện chuyên dụng của đơn vị chức năng không thể vào lấy rác được. Từ khi có các xe này hầu hết lượng rác thải phát sinh hàng ngày của các hộ dân đều thu gom hết, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải bị ứ đọng”.

Song song với việc triển khai phân loại rác, thu gom rác thải sinh hoạt, hiện nay Phòng TN&MT TP. Vị Thanh đang phối hợp với Hội Nông dân và UBND các xã có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như Hỏa Lựu, Tân Tiến, Hỏa Tiến,… triển khai thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng góp phần bảo vệ môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO