Hậu Giang: Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

22/01/2018 22:24

(TN&MT)- Sau 2 năm đi vào hoạt động theo mô hình một cấp, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai được Văn phòng ĐKĐĐ- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang thực...

 

(TN&MT)- Sau 2 năm đi vào hoạt động theo mô hình một cấp, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai được Văn phòng ĐKĐĐ- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống; tỉ lệ hồ sơ được giải quyết trước và đúng thời gian quy định đạt trên 99%;...Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn, phối hợp tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Một số khó khăn, vướng mắc...

Tại hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho rằng, trong thời gian qua Sở TN&MT đã nhận được ý kiến phản ánh của người sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp không phải là đất thuê của Nhà nước sang đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Lý do là bởi, ngày 01/8/2017, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang có Công văn số 1792/CT-TH.NV.DT gửi đến Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu chưa tiếp nhận phiếu chuyển của Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ chuyển đến để tính các khoản thu tiền sử dụng đất. Chính từ văn bản yêu cầu này của Cục thuế mà từ tháng 8/2017 đến nay các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ không tiếp nhận chuyển cơ quan Thuế đối với loại hồ sơ này, từ đó gây nên sự phản ứng từ một số người dân.

dd
Sau 2 năm được sáp nhập theo mô mình một cấp, hiện nay, các mặt hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đang từng bước đi vào ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, sau 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thuế mà không nộp tiền thì người dân phải nộp phạt 0,05%. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Sở TN&MT nhận thấy, thời điểm ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ nhà đất của cơ quan Thuế không trùng khớp thời điểm ký phát thông báo cho người sử dụng đất, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất và việc thu phạt chậm nộp. Ngoài ra, việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước được liên kết giữa Kho bạc và Ngân hàng, khi người sử dụng đất đến Ngân hàng để nộp tiền vào Ngân sách, nhân viên ngân hàng chỉ thu theo số tiền ghi trên thông báo của cơ quan Thuế mà không tính và thu các khoản phạt chậm nộp...

Theo quy định các thửa đất trong khu quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt thì không được hợp thửa khi cơ quan thẩm quyền chưa điều chỉnh quy hoạch. Trên thực tế có công trình nhà ở được chủ hộ thiết kế trên 02 thửa đất liền kề nhau, khi đăng ký chứng nhận bổ sung tài sản vào giấy CNQSDĐ đã cấp, lẽ ra cơ quan có thẩm quyền cấp 01 giấy phép trên 01 thửa đất thì lại cấp 01 giấy phép xây dựng trên 02 thửa đất và công trình được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.

Liên quan đến việc giấy chứng nhận đã cấp với diện tích đất thổ cư vượt hạn mức, theo Công văn số 1058/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ ngày 23/6/2017 của Tổng cục Quản lý Đất đai hướng dẫn thì việc công nhận lại diện tích đất thổ cư phải căn cứ thời điểm, hạn mức quy định tại thời điểm cấp giấy CNQSDĐ, nhưng theo ông Lê Phước Nhàn, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang thì, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, việc xác định hạn mức đất ở của hộ gia đình phải dựa trên thế hệ thành viên hộ sống chung. Tuy nhiên, việc xác định thế hệ hộ gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận rất khó khăn là do hộ khẩu thay đổi, cần phải liên hệ đến cơ quan công an cấp huyện trích lục hồ sơ đăng ký hộ khẩu trước đây để xác định, làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng tiến độ giải quyêt thủ tục.

Tại khoản 30, Điều 3, Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó. Thế nhưng, thực tế áp dụng quy định trên để xác định người nhận chuyển nhượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở một số trường hợp rất khó khăn. Cụ thể là người này chưa từng có đất nông nghiệp, nay có nhu cầu nhận chuyển nhượng đất lúa để canh tác, thì UBND cấp xã không có cơ sở xác nhận ổn định đời sống thì không được giải quyết. Lý do là người này chưa có đất nông nghiệp, nên chưa có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Đối với hồ sơ cấp đổi giấy CNQSDĐ, việc xác nhận tính pháp lý trên đơn của UBND cấp xã chưa rõ ràng, chưa phù hợp quy định, chưa đúng với hiện trạng thực tế. Do vậy, khi thẩm định hồ sơ, viên chức Văn phòng tỉnh phải đi xác minh thực tế, làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục. Theo quy định thời gian thực hiện hồ sơ chuyển mục đích của hộ gia đình cá nhân là 15 ngày, trong đó Phòng TN&MT tham mưu UBND cấp huyện thực hiện là 03 ngày để ban hành Quyết định cho phép chuyển mục đích. Việc phối hợp thực hiện giữa Chi nhánh và Phòng, Ban cấp huyện ở một số địa phương chưa thống nhất về trình tự, có địa phương thực hiện đo đạc trước khi thẩm định về quy hoạch, có địa phương Phòng TN&MT thẩm định trước đo đạc hoặc phải chuyển Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Kinh tế Hạ tầng lấy ý kiến về quy hoạch chi tiết xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Do đó, thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài hơn 03 ngày theo quy định...

Những đề xuất, kiến nghị

Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý đất đai trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT mong muốn UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị với Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo hướng cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn; ban hành cơ chế hoạt động tại địa phương của tổ chức được phép hành nghề đo đạc để tránh trường hợp thời gian hẹn, nhận và trả kết quả kéo dài, ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân. UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cho Cục Thuế sớm có phương án tiếp nhận và thông báo các khoản thu đối với hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp không phải là đất thuê của Nhà nước sang đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ. Đồng thời, lập phiếu đề nghị bổ sung hồ sơ hoặc văn bản thông báo hồ sơ không đủ điều kiện tiếp nhận để thông báo các khoản thu nghĩa vụ tài chính, sau khi tiếp nhận thông tin của Văn phòng ĐKĐĐ kèm theo hồ sơ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bên cạnh đó, trường hợp chứng nhận tài sản và chuyển mục đích sử dụng đất, Sở TN&MT đề xuất UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cho Phòng Hạ Tầng (hay Phòng Quản lý Đô thị), Phòng TN&MT phối hợp chặt chẽ để thực 02 loại thủ tục này đúng thời gian theo quy định tại quyết định 22/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hậu Giang.

Về chứng nhận bổ sung tài sản lên nhiều thửa đất liền kề, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ- Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, Lê Phước Nhàn đề nghị: "Cơ quan có thẩm quyền khi cấp phép xây dựng thì cấp 01 giấy phép trên 01 thửa đất. Đối với những trường hợp đã cấp 01 giấy phép xây dựng trên 02 thửa đất trở lên, khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, đề nghị cơ quan cấp phép xây dựng thể hiện rõ diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, số tầng, kết cấu…công trình trên từng thửa đất để Sở TN&MT có cơ sở chứng nhận tài sản trên từng thửa đất";...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO