Hậu Giang: Các tín đồ, giáo dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Lê Hùng | 13/08/2021, 10:14

(TN&MT) - Trong hời gian qua nhiều bà con là tín đồ, giáo dân thuộc các nhà thờ Giáo xứ, Tin lành trên địa bàn tỉnh Hậu Giang rất tích cực tham gia các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, trồng cây,… góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng xanh, sạch đẹp.

Do có sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, trồng cây nên xung quanh các Nhà thờ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay luôn xanh- sạch- đẹp.

Nhiều hoạt động thiết thực

Hàng năm Nhà thờ Giáo xứ Phụng Tường, ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn giáo dân tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương bằng những công việc cụ thể như thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày; đồng thời hàng tuần bà con giáo dân đều có những hoạt động như quét dọn, thu gom rác thải làm cho các tuyến đường và xung quanh nhà thờ luôn xanh, sạch, đẹp.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thảo ở ấp Xẻo Môn, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trước khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 mỗi tuần đi lễ tại nhà thờ chúng tôi đều được phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường, từ đó tôi và nhiều người dân nơi đây biết loại rác nào đốt được, loại rác nào không đốt được”.

Ngoài việc thường xuyên tổ chức quét dọn, thu gom rác thải, nhiều bà con là giáo dân Nhà thờ Giáo xứ Phụng Tường còn tích cực triển khai mô hình đốt rác thải thông thường bằng lò đốt mini. Tính đến nay bà con giáo dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã làm được hơn 100 lò đốt rác quy mô hộ gia đình, qua đó góp phần hạn chế tình trạng ứ đọng rác tại khu vực nông thôn.

Thực hiện chương trình liên tịch bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn bàn tỉnh Hậu Giang, thời gian qua Chi hội Tin lành Đông Phú, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang rất tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mục sư Nguyễn Tấn Lộ, Quản nhiệm Chi hội Tin lành Đông Phú cho biết: “Chi hội Tin Lành Đông Phú hiện có hơn 1.400 tín đồ và gần 450 tín đồ sinh hoạt thường xuyên tại nhà thờ. Hàng tháng ngoài việc tham gia các phong trào tại địa phương thì các tín đồ thường xuyên tổ chức vệ sinh xung quanh và trong khuôn viên nhà thờ; đồng thời luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, không xả rác thải bừa bãi”.

Là tín đồ Chi hội Tin lành Đông Phú, ông Trần Văn Hồng, ở ấp Phú Đông, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Thông qua các buổi tuyên truyền của Nhà thờ cũng như các đoàn thể thị trấn Mái Dầm tôi đã hiểu những tác hại của rác thải khi không được xử lý đúng cách. Hiện nay rác thải phát sinh tôi đều phân loại, rác thải thông thường tôi bỏ vào hố lưu chứa hoặc ủ làm phân hữu cơ, còn rác thải nguy hại tôi gom lại chờ cơ quan chức năng đến vận chuyển xử lý”.

Trong thời gian qua các tín đồ, giáo dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang rất tích cực tham gia các hoạt động quét dọn, thu gom rác thải tại thành thị và nông thôn. ( hình chụp trước thời điểm giãn cách xã hội)

Tiếp tục chung tay, góp sức bảo vệ môi trường

Thông tin với phóng viên, bà Lê Thị Thùy Như, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hàng năm Phòng TN&MT đều phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tôn giáo tổ chức nhiều buổi tập huấn, phổ biến các văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Thông qua đó những người đứng đầu các tôn giáo sẽ tuyên truyền, phổ biến lại cho tín đồ, giáo dân giúp họ nâng cao nhận thức, tích cực tham gia vào các phong trào bảo vệ môi trường tại khu dân cư, xung quanh nhà thờ, cơ sở thờ tự”.

Hiện nay huyện Châu Thành đang đẩy mạnh các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chống rác thải nhựa, do đó bà Lê Thị Thùy Như mong muốn trong thời gian tới các tổ chức tôn giáo tiếp tục chung tay, góp sức để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trên địa bàn huyện.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho rằng, thời gian qua nhân các sự kiện như Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn các tín đồ Chi hội Tin lành Đông Phú rất tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại địa phương.

Theo ông Trần Thanh Phong, hiện thị trấn Mái Dầm đang trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, vì vậy trong thời gian này UBND thị trấn Mái Dầm rất cần Chi hội Tin lành Đông Phú tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện các tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn xây dựng môi trường văn hóa đô thị để thị trấn Mái Dầm sớm được công nhận là đô thị văn minh.

Còn ông Phạm Trường Giang, Bí thư Đảng ủy xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho phóng viên biết, vừa qua xã Phụng Hiệp được công nhận là xã nông thôn mới, để có thành quả này có sự đóng góp rất lớn của Nhà thờ Giáo xứ Phụng Tường và bà con giáo dân nơi đây trong việc thực hiện hiệu quả các phong trào do địa phương phát động.

“Nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn xã, nói chung Nhà thờ Giáo xứ Phụng Tường nói riêng đối với công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian tới Đảng ủy xã Phụng hiệp sẽ chỉ đạo các tổ chức chính trị- xã hội, hội đoàn thể tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động bà con giáo dân chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia phân loại, thu gom, xử lý rác thải…”- ông Giang cho hay.

 

Bài liên quan
  • Hậu Giang: Đầu tư hệ thống quan trắc để ứng phó với biến đổi khí hậu
    (TN&MT) - Hậu Giang là địa phương đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu (BĐKH), do đó công tác đo đạc, quan trắc luôn là nhiệm vụ quan trọng giúp địa phương chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó. Để hiểu rõ hơn về công việc này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO