Hậu Giang: Buông lỏng việc xử lý nước thải công nghiệp

08/09/2014 00:00

(TN&MT) - Tỉnh Hậu Giang hiện có 10 khu, cụm công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhưng hầu như vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.

   
(TN&MT) - Không chỉ những cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp mà ngay cả việc xử lý nước thải của những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong 10 khu, cụm công nghiệp tập trung tại địa bàn tỉnh Hậu Giang đến nay cũng đang bị buông lỏng.
   
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 khu, cụm công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhưng hầu như các khu, cụm công nghiệp này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung, trong khi theo quy định các khu, cụm công nghiệp khi xây dựng phải đầu tư HTXLNT. Tuy nhiên, do sự phát triển “nóng” nên các khu, cụm công nghiệp vừa xây dựng, hoàn thiện vừa kêu gọi đầu tư dẫn đến tình trạng hạ tầng chưa xong, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Vì thế, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đã bị “phớt lờ”, gây nhiễm môi trường.
   
    
HTXLNT tập trung tại Khu công nghiệp Sông Hậu được thiết kế công suất 3.000m3 /ngày,đêm mới chỉ trong giai đoạn xây dựng
    
Thực tế, 10 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, với tổng diện tích 600ha, đã thu hút được 66 dự án đầu tư, trong đó có 32 dự án đi vào hoạt động. Trong số các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động, đa phần đang trong quá trình thực hiện dự án, các khu san lấp mặt bằng đến đâu thì xây dựng hạ tầng đến đó. Trong số các khu, cụm công nghiệp được thành lập, mới chỉ có duy nhất Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh đầu tư xây dựng HTXLNT tập trung giai đoạn 1 nhưng chưa hoàn thiện; Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Sông Hậu cũng chỉ mới triển khai thi công.
   
Ông Phạm Thanh Huy - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: Trước khi chờ các HTXLNT tập trung đưa vào hoạt động, Ban quản lý yêu cầu các doanh nghiệp phải tự xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A mới được thải ra hệ thống thoát nước mưa. Đồng thời, Ban quản lý còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp.
   
Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, dù cơ sở hạ tầng đã được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh song chỉ riêng HTXLNT tập trung vẫn chưa được đầu tư xây dựng trong khi theo quy hoạch cụm vẫn được bố trí diện tích để xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Với tổng diện tích 62,5ha, đến nay, đã kêu gọi được 14 nhà đầu tư đăng ký, trong đó có 9 dự án đi vào hoạt động. Ông Lê Văn Út, Giám đốc Ban quản lý cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp TP. Vị Thanh cho biết: Do chưa xây dựng HTXLNT tập trung nên trước mắt để đảm bảo yêu cầu, các doanh nghiệp đều có hệ thống xử lý nội bộ trước khi thải ra môi trường.
   
Tuy nhiên, qua kiểm tra của Đoàn thanh tra công tác bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây thì đa số các cơ sở được thanh tra không thực hiện giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh, không có giấy xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, giám sát thiếu về vị trí, tần suất hoặc thông số như trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải… Theo đánh giá của Đoàn, các cơ sở vẫn chưa nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường, chưa nghiêm túc thực hiện nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt và bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến.
   
Theo ông Phạm Thanh Huy, Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp: Nguyên nhân dân đến việc không thể xây dựng HTXLNT tập trung là do nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách hạn chế, thậm chí ngay cả hạ tầng khu công nghiệp, tỉnh chỉ thực hiện theo phương thức ứng vốn của nhà đầu tư để xây dựng các hạ tầng thiết yếu. Dù theo kế hoạch, Khu công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh đã có nhà máy xử lý nước thải (giai đoạn 1), với công suất 2.500m3/ngày, đêm, có khả năng đáp ứng nguồn nước thải của các doanh nghiệp hiện hữu, thế nhưng nhà máy vẫn chưa hoạt động vì đang trong giai đoạn xây dựng và phải hết năm nay mới hoàn thành. Còn HTXLNT tập trung Sông Hậu có công suất 3.000m3 thì chỉ mới trong giai đoạn thi công.
   
Vấn đề là chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp là không nhỏ so với một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác nhưng khả năng thu hồi vốn hoặc sinh lợi thì không khả thi. Ông Lê Văn Út, Giám đốc Ban quản lý cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp TP.Vị Thanh cho biết thêm: Theo kế hoạch, cụm sẽ được đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công suất 1.500m3/ngày đêm, tuy nhiên, công suất này quá lớn so với nhu cầu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm, đó là chưa kể bộ phận quản lý, chi phí vận hành.
   
Tại buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang, ông Hoàng Văn Vy, Phó Chánh Thanh tra Tổng Cục Môi trường yêu cầu: Trước hết các cấp, các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
   
Ông Hoàng Văn Vy đề nghị, tỉnh Hậu Giang thường xuyên giám sát các cơ sở đầu tư, vận hành hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải ra môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thành HTXLNT tập trung của các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án đầu tư bên trong khu công nghiệp theo Luật Bảo vệ môi trường, rà soát và yêu cầu các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đấu nối nước thải vào HTXLNT tập trung.
   
Bài & ảnh:Phong Vân
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Buông lỏng việc xử lý nước thải công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO