Hậu bão số 2 tại Hải Phòng - Quảng Ninh: Đổ cây, nhà cửa, gây mưa diện rộng

20/07/2014 00:00

(TN&MT) - Con bão số 2 đã vào đến tỉnh Quảng Ninh gây mưa lớn trên diện rộng...Còn tại Hải Phòng, bão chưa vào, nhưng đã có người chết vì bất cẩn.

   
(TN&MT) - Con bão số 2 đã vào đến tỉnh Quảng Ninh gây mưa lớn trên diện rộng, trải dài từ TP Uông Bí kéo đến TP Móng Cái. Gió giật mạnh chủ yếu ở Móng Cái, còn các TP và huyện lỵ khác, chủ yếu có mưa to. Không có thiệt hại về người, cây cối và nhà tạm, nhà cấp 4 bị tốc mái. Còn tại Hải Phòng, bão chưa vào, nhưng đã có người chết vì bất cẩn.
   
   
Tại Hải Phòng:
   
  Theo bà Nguyễn Vân Khanh, Chủ tịch UBND phường Phan  Bội Châu cho biết: Vào  lúc 0 giờ 20 sáng  19-7, lúc này bão chưa vào, thỉnh thoáng có mưa, nhưng tại 2 căn nhà số 334, 336 phố Lý Thường Kiệt (phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) xảy ra sự cố sập ban công tầng 4 khiến 1 người chết. Nạn nhân là ông Lê Văn Nhân (51 tuổi) ở tại tầng 4 nhà số 334, bị rơi từ tầng 4 xuống đất khi chiếc ban công bị sập. Ông Nhân bị thương rất nặng, được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu song đã tử vong sau đó. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán 16 hộ gia đình ở 2 nhà 334, 336 đến Công an phường và trường THCS Phan Bội Châu gần đó trú tạm. Bà Khanh cho biết trong quá trình sửa chữa năm 2005 2 căn nhà 334 và 336 do đơn vị thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và kinh doanh nhà tiến nhanh, một số hộ dân ở 2 căn nhà này đã tự ý  thỏa thuận cơi nới phần ban công. Trước đó, phường Phan  Bội Châu cũng đã rà soát được 51 hộ dân trong khu vực nguy hiểm và cho di tản trước bão Thần Sấm (bão số 2). Tuy nhiên, một số hộ dân ở 2 căn nhà trên đã không được báo cáo.
   
   
  Còn theo Lãnh đạo Cảng vụ hàng không Sân bay Cát Bi cho biết: Hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đều hủy và chuyển giờ các chuyến bay khởi hành hoặc bay đến từ sân bay Cát Bi trong buổi sáng nay 19-7 nhằm tránh cơn bão số 2 Theo đó, đối với Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines, trên đường bay TP HCM - Hải Phòng hủy 2 chuyến bay (VN1182 và VN1183) và điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến bay khác. Chuyến bay VN7186 chuyển giờ khởi hành từ 8 giờ 30 thành 12 giờ, chuyến VN1186 chuyển từ 9 giờ 55 thành 13 giờ, chuyến VN7187 chuyển từ 11 giờ 20 thành 14 giờ 50 và chuyến VN1187 chuyển từ 12 giờ 45 thành 15 giờ 50. Tại đường bay Đà Nẵng - Hải Phòng hủy 2 chuyến bay VN1670, VN1671. Toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyển bay bị hủy giữa Đà Nẵng/TP HCM - Hải Phòng được chuyển sang các chuyến bay cất cánh chiều cùng ngày là VN1672, VN1673, VN1186, VN1187, VN7186, VN7187, VN1188, VN1189.
   
   
  Trước đó vào lúc 19g tối ngày 18/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát công tác phòng chống bão tại Hải Phòng. Ngay tại khu vực cảng cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, nơi được xác định là một trong những khu vực có thể năm trong tâm bão, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành phố Hải Phòng cần chủ động và có biện pháp hữu hiệu kêu gọi các phương tiện trên biển vào bờ, tránh tình trạng số lượng lớn tàu thuyền tập chung ở một cảng gây nguy hiểm. Địa phương cần có phương án di dân bài bản, bảo đảm an toàn tối đa cho người và tài sản. Phó Thủ tướng yêu cầu: Hải Phòng cần kiên quyết quy trách nhiệm nếu quận huyện nào có thiệt hại lớn thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về điều đó, không được để thiệt hại đến người và của của nhân dân.
   


   
   
  Theo báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, hiện tại tất cả các phương tiện đã về bến neo đậu, bao gồm: tàu thuyền neo đậu tại bến: 3.000 phương tiện/ 12.000 lao động; lồng bè 521 bè/1.428 người (neo đậu tại Cát Bà). Trong âu cảng Bạch Long Vĩ chỉ có 1 phương tiện với 2 lao động; giàn khoan Trident 16, tàu BRV Veritas Viking II và 01 tàu bảo vệ vẫn hoạt động khảo sát địa chấn 3D tại lô 103 và 107 (quan sát trên rada Hải quân và của đồn Biên phòng Bạch Long Vỹ).
   
  Còn theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, hiện tại trên khu vực cảng Hải Phòng có 128 tàu vận tải neo đậu. Các tàu đã di chuyển ra nơi neo đậu để đảm bảo an toàn. Công tác sơ tán nhân dân vùng xung yếu, căn cứ diễn biến của bão, các địa phương đã rà soát, điều chỉnh phương án sơ tán nhân dân tại chỗ.  Đã tổ chức sơ tán cho 10.000 người ở các khu vực nguy hiểm về nơi an toàn. Số còn lại sẽ tổ chức sơ tán tùy theo diễn biến thực tế của bão. Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.  Lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gồm hơn 39.000 người. Trong đó lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng: 8.633 người; 47 xe ôtô các loại, 31 tàu và xuồng, 02 xe thiết giáp. Lực lượng do Bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng 225 người; 13 tàu, 37 xuồng, 19 xe ôtô các loại.
   
Tại Quảng Ninh:
   
  Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: tính đến 15h ngày 19.7, trên địa bàn TP Móng Cái đã yêu cầu ngư dân di dời được 1.301 đò (đây là cuộc di dời kỷ lục từ trước tới nay) trên các sông biên giới; di dời 1.800 hộ với gần 7.000 người và 1.092 tàu thuyền về nơi an toàn, không có người ở chòi canh ngao, tôm, cua tại các ngã 3 sông, tại các đảo Vĩnh Thực, bến cá… Đến lúc này, chưa thấy xã, phường nào báo cáo có thiệt hại về người cả. Tại TP, mới nghe một báo cáo nhanh là có một du khách nước ngoài khi thuê khách sạn ở phường Trà Cổ,  do tính hiếu kỳ nên đã thò đầu ra xem bão và bị cửa đập vào tay, rất may không gẫy. Đã có 3 nhà tạm bị tốc mái, một số cây xanh gẫy, bị bật gốc. Trên sông Ka Long nước lũ đã bắt đầu dâng cao.
   
  Còn theo Trung tâm Dự báo TTKT Trung ương, cho biết: Tâm bão đang tiếp tục đi vào theo hướng Đông Bắc TP Móng Cái, gió mạnh cấp 9 – 10 và tiếp tục di chuyển theo Đông Bắc qua các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang … nên người dân Miền núi cần đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá. Theo dự đoán, lượng mưa sẽ tiếp tục giữ ở mức 300mml, do đó đề phòng cao nạn lũ quét ở các tỉnh miền núi, các địa phương.
   
  Theo một báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh, tại huyện Hải Hà: theo thống kê sơ bộ có 13 nhà lợp mái tôn, phipro – ximăng bị tốc mái, một cột ăng ten Vinaphone bị gió quật đổ, nhiều cây xanh bị đổ dọc đường, rất may không có thiệt hại về người. Huyện có khoảng 600 ngôi nhà yếu và 20 ngôi nhà nằm trong vùng dễ sạt lở người dân đã được đưa đi sơ tán an toàn.
   
  Ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ đối với tất cả các vị lãnh đạo tỉnh. Cương quyết xử lý những trường hợp không chấp hành và những cán bộ thờ ơ trong công tác phòng chống lụt bão.  Công tác ứng phó với cơn bão số 2 đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt. Toàn tỉnh đã kêu gọi và xác định được toàn bộ số tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền du lịch, tàu vận tải trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long về neo đậu tại các điểm tránh trú bão an toàn. Bão số 2 đã đổ bộ vào thành phố Móng Cái với gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 – 11. Để chủ động phòng chống bão, thành phố Móng Cái đã di dời khẩn cấp 2.091 hộ dân với hơn 7.000 người về nơi tránh trú bão tại các nhà kiên cố, đồn biên phòng, nhà văn hóa, trường học trên địa bàn. Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc di dời toàn bộ 7.064 hộ dân với hơn 27 ngàn người ra khỏi vùng nguy hiểm ngay trước khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền. Tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở đều đã được kiểm tra và có phương án phòng, chống khi có mưa bão lớn xảy ra. Chính quyền địa phương phối hợp các đơn vị, lực lượng đảm bảo an toàn cho người dân, toàn bộ hệ thống giao thông và thông tin liên lạc hiện vẫn thông suốt, chưa ghi nhận có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
   
  Cũng theo lãnh đạo địa phương cho biết: Vào lúc 2 giờ sáng ngày 19-7, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đã yêu cầu Lữ đoàn 170 giúp sức. Lãnh đạo lữ đoàn này đã cho hai trung đội cơ động và các phương tiện của Lữ đoàn phối hợp cùng với các lực lượng của thành phố Hạ Long di dời nhân dân ở các khu vực bị ảnh hưởng của bão số 2.Hiện tại, Lữ đoàn 170, Bộ chỉ huy Hải quân Vùng 1 đã phối hợp với thành phố Hạ Long bố trí cho gần 100 tàu thuyền của ngư dân trú tránh bão tại khu vực của đơn vị ở Khe Cá. Từ chiều ngày 17-7, Lữ đoàn đã tổ chức sơ tán tàu thuyền đi tránh bão tại khu vực biển Tùng Sâu và Tùng Gấu, cách đơn vị khoảng 12 hải lý. Lực lượng tàu thuyền tại khu vực này đồng thời làm nhiệm vụ cơ động tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh. Trên bờ, ngoài việc tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng của đơn vị, Lữ đoàn bố trí 2 trung đội cơ động, 3 xe ca và xe tải, 2 xuồng cao tốc hỗ trợ địa phương thực hiện các phương án phòng chống bão lụt.
   
   
  Theo thông tin từ Lữ đoàn cho biết: Do làm tốt công tác phòng tránh tốt nên khi  bão số 2 vào kèm theo mưa lớn nhưng tàu thuyền, vũ khí trang bị, doanh trại của Lữ đoàn và tàu thuyền của ngư dân trú tránh bão tại đơn vị đều đảm bảo an toàn tuyệt đối. 
   
  Sáng nay, ngày 19-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp kiểm tra thực địa ảnh hưởng của bão số 2 tại một số điểm xung yếu trên địa bàn thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gồm khu tránh trú bão cho tàu thuyền tại phường Hồng Hải và khu vực bãi thải Nam Hà Tu của mỏ than Hà Tu (một trong những điểm xung yếu của ngành than, gần khu dân cư, có nguy cơ sạt lở).
   
  Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục bám sát diễn biến của cơn bão, kịp thời chỉ đạo các địa phương, các lực lượng trên địa bàn thực hiện đúng các phương án phòng, chống lụt bão đã đề ra; khẩn trương triển khai các phương án đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá khu vực bãi thải, ngập úng đường lò, khai trường khai thác, đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Các đơn vị phải túc trực 24/24h, chủ động phối hợp với các địa phương để thường xuyên thông tin diễn biến tình hình cơn bão và có phương án ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
   
  Hiện tại, ở các địa phương như Cô Tô, Vân Đồn có gió cấp 4 - cấp 5, mưa nhỏ (riêng Móng Cái gió cấp 8-9, Cô Tô gió cấp 9-10, có mưa nhỏ); các địa phương khác trong tỉnh có mưa nhỏ và gió nhẹ.
   
  Mọi diễn biến, thông tin về cơn bão sẽ được Báo Tài nguyên môi trường điện tử chuyển tiếp đến với bạn đọc…
   
  Bài & ảnh: Hà Thúy – Nhật Lam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu bão số 2 tại Hải Phòng - Quảng Ninh: Đổ cây, nhà cửa, gây mưa diện rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO