Hành trình mới của Ngành Khí tượng Thủy văn

Thanh Tùng (thực hiện)| 01/01/2022 07:43

(TN&MT) - Trước thềm năm mới 2022, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV về ý nghĩa, tầm quan trọng và kế hoạch triển khai các nội dung của Chiến lược trong thời gian tới.

PV: Ngày 23/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Ngành KTTV trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2020 là Chiến lược đầu tiên của Ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đã giúp Ngành KTTV được Đảng, Nhà nước đầu tư, phát triển với nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án trọng điểm. Qua tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai Chiến lược cho thấy, với sự hoạt động liên tục của hệ thống mạng lưới 1.613 trạm, điểm đo KTTV, cùng nỗ lực công tác của hơn 2.900 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Ngành KTTV Việt Nam đã, đang tham gia phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Trình độ, năng lực Ngành KTTV Việt Nam đã tiệm cận vị trí đứng đầu ASEAN.

GS.TS Trần Hồng Thái Tổng cục Trưởng Tổng cục KTTV

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Hệ thống văn bản pháp luật chưa bao quát toàn diện các hoạt động KTTV; quản lý Nhà nước về KTTV, nhất là ở nhiều địa phương chưa thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả; mạng lưới trạm quan trắc còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa... Trong khi đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất lặp lại; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng đặt ra thách thức đối với công tác KTTV trong giai đoạn tới.

Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó Thủ tướng Chính phủ ký ban hành là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu đặt ra về thời điểm và phù hợp với bối cảnh công tác KTTV. Các phương hướng, mục tiêu mới với các giải pháp, nhiệm vụ đồng bộ và thống nhất của Chiến lược phù hợp với bối cảnh thực tế và xu thế phát triển đối với hoạt động KTTV, cũng như đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

PV: Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, tự động hóa đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao, tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng. Vậy hiện nay, mạng lưới quan trắc KTTV của chúng ta ra sao? Để đạt được mục tiêu như trên, Ngành KTTV sẽ triển khai các giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Hiện nay, mạng lưới trạm KTTV quốc gia có 1.804 trạm/điểm quan trắc KTTV, đạt 30% so với Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng trạm KTTV được tự động các yếu tố cơ bản là 1.395 trạm/điểm (đạt khoảng 77,3%), còn lại là quan trắc thủ công và bán tự động.

Tổng cục KTTV luôn chú trọng công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Minh

Những năm qua, mạng lưới trạm KTTV quốc gia không ngừng được bổ sung, củng cố và phát triển theo hướng hiện đại; cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công tác cảnh báo, dự báo, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mạng lưới trạm KTTV quốc gia nhìn chung còn thưa, tỷ lệ trạm KTTV tự động còn thấp...

Để đạt được mục tiêu tự động hóa như Chiến lược đề ra, Ngành KTTV xác định từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung triển khai hiệu quả các dự án liên quan đến đầu tư cho mạng lưới quan trắc KTTV trong Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 của Bộ TN&MT bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước; xây dựng các dự án trọng tâm, trọng điểm trong Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới quan trắc, dự báo, cảnh báo và thông tin, dữ liệu KTTV giai đoạn 2023 - 2030 theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa hoàn toàn; đề xuất cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí danh mục, ngân sách cho các dự án hiện đại và phát triển mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia trong Kế hoạch đầu tư trung hạn các giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, hoàn thành và thực hiện hiệu quả Đề án Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo KTTV, đặc biệt là mưa, lũ theo phương thức thuê bao khai thác dữ liệu (1.000 trạm) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 8/3/2021. Thực hiện chuyển đổi toàn diện công tác quan trắc thủ công sang phương thức mới theo xu hướng tự động; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào Camera quan trắc mưa và mực nước; thiết bị, cảm biến hỗ trợ IoT; công nghệ truyền dẫn thế hệ mới cho mạng lưới quan trắc KTTV...

PV: Để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược, nhân tố con người là rất quan trọng. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ngành KTTV có định hướng phát triển nguồn nhân lực như thế nào, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Để thích ứng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu theo Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Tổng cục KTTV luôn coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, Ngành KTTV thực hiện công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng và tạo nguồn kế cận cho nhiều giai đoạn. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức; viên chức, ưu tiên cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao phục vụ hiện đại hóa, chuyển đổi số; xây dựng các chương trình, tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng thiết thực.

Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn (KTTV) đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 23/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành điểm nhấn quan trọng trong năm 2021, khởi đầu hành trình mới cho sự phát triển Ngành KTTV trong tương lai.

Đặc biệt, hoàn thiện chế độ tiền lương đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính toàn bộ chi thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp, tạo cho đơn vị sự chủ động trong việc xác định số lượng người làm việc cần thiết; sắp xếp, bố trí nhân lực hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ được giao; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí, từ đó tăng các quỹ phúc lợi, đầu tư và thu nhập cho viên chức.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực, thu nạp kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng môi trường làm việc tốt, không khí làm việc cởi mở, minh bạch, dân chủ; bố trí nhân lực phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực bản thân; tạo cơ hội bổ nhiệm, ghi nhận, khen thưởng đúng, trúng và kịp thời.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình mới của Ngành Khí tượng Thủy văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO