Hạn chế khiếu nại, khiếu kiện đất đai bằng hòa giải: Được không?

08/05/2014 00:00

(TN&MT) - Mới đây, Bộ TN&MT đã hòa giải thành công vụ việc tranh chấp 15.000 m2 đất ông cha để lại giữa chi ông Nguyễn Văn Ta và chi ông Nguyễn Văn Hoàng.

(TN&MT) - “Đề nghị Bộ TN&MT xem xét, nghiên cứu ban hành cẩm nang quy trình hoà giải tranh chấp đất đai (TCĐĐ)”, đó là đề xuất của TS. Nguyễn Tiến Sỹ - Thanh tra Bộ TN&MT về phương pháp hòa giải tranh chấp đất đai trong một cuộc trao đổi gần đây với PV báo TN&MT.
   
   
Do lịch sử sử dụng đất
   
  Thời gian qua, việc TCĐĐ nhìn chung đều xuất phát từ thói quen sử dụng đất (SDĐ) của người dân như: Không cắm mốc ranh giới rõ ràng, quá trình canh tác bị sai lệch; chuyển nhượng, tặng cho, cho mượn không làm đầy đủ các thủ tục hợp lệ. Dẫn tới trong quá trình giải quyết tranh chấp, các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi đi tìm chứng cứ để xác định tính khách quan của vụ việc do thời gian tranh chấp kéo dài, hồ sơ không đầy đủ, thậm chí có nhiều trường hợp phải suy đoán theo lập luận của các bên. Từ đó, phát sinh khiếu kiện vượt cấp, đơn gửi nhiều nơi. Nghiêm trọng hơn, từ tranh chấp thuần túy kinh tế, dân sự, có thể trở thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, trở thành những điểm nóng, kéo dài.
   
  Trên thực tế, TCĐĐ ở miền Bắc thường chủ yếu tập trung ở việc tranh chấp ngõ đi. Trong quá trình đo đạc thành lập bản đồ và kê khai đăng ký không làm rõ (ngõ đi chung, ngõ đi riêng và ngõ đi công cộng), đã thống kê ngõ đi riêng của một hộ thành ngõ đi chung của hai hay nhiều hộ nên đã xảy ra tranh chấp giữa hộ có ngõ đi riêng với các hộ khác.
   
  Còn tại miền Nam, chủ yếu xảy ra trong thân tộc, dòng họ và giữa những người có đất với người đi thuê, đi mượn, ở nhờ. Trong dòng họ, việc phân chia đất ông cha để lại không rõ ràng, giao cho một người quản lý, sử dụng đã xảy ra tranh chấp giữa các chi trong thân tộc. Trước năm 1980, đất đai còn thuộc sở hữu tư nhân nên xảy ra nhiều trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ. Người có đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ bị mất đất đã xảy ra tranh chấp gay gắt với người được công nhận quyền sử dụng. Việc hòa giải TCĐĐ có tính đến quyền lợi của các bên theo hướng "người có công", "người có của" là phương án giải quyết tối ưu, chấm dứt khiếu nại. 
    
Bảo đảm quyền lợi – “Chìa khóa” thành công
   
  Để nâng cao hiệu quả hòa giải TCĐĐ, TS. Nguyễn Tiến Sỹ đề nghị, Bộ TN&MT xem xét, nghiên cứu ban hành cẩm nang quy trình hoà giải TCĐĐ, làm cơ sở để công tác hòa giải tranh chấp ở các địa phương ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, nên áp dụng công thức hòa giải TCĐĐ là: Quyền lợi chính đáng của người dân - người có quyền quyết định đứng ra hòa giải - phương pháp hòa giải khoa học.
   
  Trong đó, quyền lợi của người dân mang tính quyết định, là căn nguyên cơ bản của mọi tranh chấp. Bên cạnh đó, người có thẩm quyền quyết định, có vị thế xã hội trực tiếp đứng ra hòa giải cũng mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi, mọi sự việc dù đơn giản hay phức tạp đến đâu, tài liệu, chứng cứ có đầy đủ đến mấy, nhưng cuối cùng vẫn lệ thuộc vào sự đánh giá, nhận định của người nắm giữ pháp luật. Những ai có trái tim nhân hậu, động cơ trong sáng, có phương pháp khoa học, khách quan thì nhận định, đánh giá sự việc hoàn toàn đúng với bản chất đích thực của nó, từ đó đi đến kết luận, hòa giải phù hợp với pháp luật, với đạo lý, khiến mọi người phải tâm phục, khẩu phục.
   
  Luật Đất đai năm 2013 đã quy định, Nhà nước khuyến khích các bên TCĐĐ tự hòa giải hoặc giải quyết tranh TCĐĐ thông qua hòa giải ở cơ sở. TCĐĐ mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải TCĐĐ tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải TCĐĐ tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết TCĐĐ.
   
        
Mới đây, Bộ TN&MT đã hòa giải thành công vụ việc tranh chấp 15.000 m2 đất ông cha để lại giữa chi ông Nguyễn Văn Ta và chi ông Nguyễn Văn Hoàng của gia tộc họ Nguyễn tại Phường 15, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh kéo dài 15 năm và vụ việc tranh chấp 1.000 m2 đất tại Phường Bình Trị Đông, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh giữa 2 cô cháu trong dòng họ là bà Huỳnh Thị Phát và ông Huỳnh Văn Phước kéo dài gần 20 năm.
        
    
Trường Giang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế khiếu nại, khiếu kiện đất đai bằng hòa giải: Được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO