Hải Phòng tiếp tục giảm 30% thủ tục hành chính về đất đai

14/10/2014 00:00

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng khi ông trả lời phỏng vấn Báo TN&MT về những vấn đề liên quan

(TN&MT) - Đó là khẳng định của ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng khi ông trả lời phỏng vấn Báo TN&MT về những vấn đề liên quan đến kết quả hoạt động của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp cũng như việc triển khai Bộ Thủ tục hành chính về đất đai mà Bộ TN&MT mới công bố vào đầu tháng 9/2014.
   
PV: Được biết Hải Phòng là một trong 4 tỉnh, thành đầu tiên của cả nước thành lập thí điểm Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp, xin ông cho biết những hoạt động chính của văn phòng này?
   
Ông Bùi Quang Sản: Hải Phòng cùng với Đà Nẵng, tỉnh Hà Nam, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN&MT lựa chọn tham gia Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trực thuộc Sở TN&MT theo Quyết định số 447/QĐ-TTg. UBND Hải Phòng đã thí điểm thành lập Văn phòng ĐKQSDĐ một cấp thuộc Sở TN&MT, trong đó lựa chọn địa bàn thí điểm tại quận Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên.
   
   
  Sau 20 tháng hoạt động theo mô hình mới (từ 1/1/2013 đến 31/8/2014), Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau: Thứ nhất, nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; thứ hai, nhiệm vụ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình mới.
   
  Trong 2 địa phương làm nhiệm vụ thí điểm Văn phòng ĐKQSDĐ một cấp thì quận Ngô Quyền đã được đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai dạng số; quản lý, khai thác, vận hành theo quy định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ TN&MT. Còn đối với huyện Thủy Nguyên, do chưa được đo vẽ bản đồ địa chính bằng công nghệ số; hệ thống hồ sơ địa chính không được cập nhật kịp thời nên khi thực hiện Đề án thí điểm, Sở TN&MT đã ưu tiên đo vẽ 6 xã thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên trong dự án đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai (giai đoạn 1) được UBND thành phố phê duyệt để huyện lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, lập hồ sơ địa chính theo phương pháp cuốn chiếu (đo đến đâu, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính đến đó). Đến nay, huyện Thủy Nguyên đã in ấn xong bộ hồ sơ địa chính phát đến từng xã để người dân kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất, đồng thời lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên cơ sở hồ sơ cấp GCN đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân qua các thời kỳ.
   
PV: Khi đến đăng ký quyền sử dụng đất tại văn phòng, người dân đã được tạo điều kiện hơn về giảm bớt thủ tục hành chính so với trước đây như thế nào, thưa ông?
   
Ông Bùi Quang Sản: Từ khi thí điểm thành lập hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp với 2 Chi nhánh tại quận Ngô Quyền và tại huyện Thủy Nguyên thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản có nhu cầu đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất trên 2 địa bàn này được lựa chọn cả 2 địa điểm nộp hồ sơ. Ngoài ra, quá trình trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính cùng hướng dẫn Tổ kiểm soát thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, đã tiến hành rà soát, đơn giản hóa, số lượng thủ tục hành chính là 33 trước đây, sau rà soát nay còn 17 thủ tục.
   
  Đặc biệt, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính: Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu từ 55 ngày trước đây, nay còn 30 ngày; đăng ký, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do bổ sung tài sản từ 30 ngày trước đây, nay còn 20 ngày; đăng ký biến động về sử dụng đất từ 20 ngày trước đây, nay còn 15 ngày... Qua đó, chi phí thực hiện thủ tục hành chính đã được giảm.
   
PV: Trong quá trình thực hiện việc đăng ký đất đai một cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gặp những khó khăn gì và chủ động khắc phục như thế nào? Sở Tài nguyên và Môi trường có kiến nghị gì, thưa ông?
   
Ông Bùi Quang Sản:  Về tài chính, do nguồn thu phí và lệ phí địa chính cấp (chỉ được thu 100.000 đồng/hồ sơ, trong đó nộp ngân sách 60%, được giữ lại 40%) nên không đủ chi trả trong khi Bộ TN&MT chưa hướng dẫn đơn giá, định mức lập hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất tại địa bàn chưa có bản đồ địa chính nên khi lập kế hoạch ngân sách chi thường xuyên hàng năm để lập hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ sở tôn giáo nên không được Sở Tài chính chấp thuận. Về nguồn nhân lực, biên chế sự nghiệp cho Văn phòng ĐKQSDĐ rất ít; chi nhánh Văn phòng tại quận Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên chỉ được tối đa không quá 5 biên chế (trong đó lãnh đạo và các trưởng bộ phận đã chiếm hết phần biên chế) nên rất khó thu hút được người lao động yên tâm công tác.
   
  Tuy nhiên, Sở TN&MT đã chủ động khắc phục bằng cách đề nghị UBND TP và đã được điều chuyển 10 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp từ Trung tâm Phát triển quỹ đất để tăng cường cho 2 chi nhánh; về lâu dài Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm cho từng vị trí công tác; sau đó đối chiếu với các điều kiện, tiêu chuẩn của từng vị trí công việc để tuyển dụng cán bộ hoặc tiếp tục ký hợp đồng lao động đối với những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn; những lao động không đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định.
   
PV: Như vậy, theo ông thì người dân và doanh nghiệp Hải Phòng sẽ được hưởng lợi như thế nào?
   
Ông Bùi Quang Sản: Thứ nhất là thời gian sẽ được ngắn đi, chi phí để giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết TTHC và kể cả cơ quan giải quyết TTHC (Văn phòng đăng ký) đều được tiết kiệm và rút xuống. Thứ hai, đề cao trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức và thứ ba là số lượng công việc sẽ giải quyết được nhiều hơn… và như vậy có thể nói là lợi ích xã hội của bộ TTHC về đất đai sẽ rất rõ ràng.
   
PV: Trân trọng cám ơn ông!
Việt Hùng – Hà Thúy (thực hiện)    
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng tiếp tục giảm 30% thủ tục hành chính về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO