Hải Phòng: Nữ doanh nhân “bốc hơi” cùng 900 tỷ đồng

PV| 24/04/2020 04:14

(TN&MT) - Với “vỏ bọc” doanh nhân và các hợp đồng được ký mang danh nghĩa pháp nhân đã khiến thủ đoạn lừa đảo của “nữ quái” Mai tinh vi đến khó lường, điều này khiến nhiều nhà đầu tư khó kiểm chứng.

Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân góp vốn, hợp tác cùng Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Mai Lâm (Hải Phòng) vô cùng hoang mang khi hay tin nữ giám đốc doanh nghiệp đột nhiên “mất tích” cùng với hơn 900 tỷ đồng.

Phất lên từ buôn gỗ, nữ giám đốc Công ty Mai Lâm - Nguyễn Thị Mai được nhiều người biết đến với biệt danh “Mai gỗ”. Trong mấy năm trở lại đây, Mai gỗ là một trong những người là đầu mối gỗ lớn nhất nhì tại Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty Mai Lâm

Từ năm 2017, bà Mai đã rủ một số người quen biết hợp tác đầu tư mua gỗ từ Châu Phi về Việt Nam bán với cam kết đem lại lợi nhuận cao. Việc thanh toán cho các nhà đầu tư được thực hiện định kỳ 2 tháng/lần. Tuy nhiên, đến kỳ thanh toán ngày 15/3/2020, các nhà đầu tư không thấy mà Mai trả tiền. Liên lạc nhiều lần thì ban đầu còn được hứa hẹn, về sau thì “mất hút”. Sau đó, hơn 20 nhà đầu tư đã tổ chức cuộc họp, xác nhận số tiền bà Mai đã kêu gọi đầu tư, hợp tác của các đơn vị, cá nhân lên tới 900 tỷ đồng. Các chủ nợ đã nỗ lực liên hệ nhưng gần 1 tháng bà Mai vẫn “bặt vô âm tín”. Hiện tại làng nghề gỗ tại Hà Nội và các nơi đang lao đao, nhiều người rơi vào cảnh cùng quẫn, tâm trí bấn loạn.

Một người kinh doanh gỗ từng biết về công ty này chia sẻ, mới đây tôi có tới công ty này vẫn thấy khoảng gần 20 công nhân viên, có cả khách hàng, Trung Quốc và Việt Nam đang điều hành mua gỗ, khớp lệnh liên tục. Khách hàng trên Hà Nội cũng về công ty này đặt hàng này nọ nhưng không hiểu sao giám đốc lại bỏ trốn?.

"Mai gỗ" là một trong những người là đầu mối gỗ lớn nhất nhì tại Hải Phòng

Luật sư Vũ Ngọc Linh – VP Luật Hải Phòng cho rằng, hành vi của bà Mai có dấu tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên để khẳng định chính xác, cần xem hành vi và ý đồ chiếm đoạt tài sản ngay từ ban đầu hay không, các nhà đầu tư cần gửi đơn và cung cấp thêm tài liệu để củng cố hồ sơ, bảo vệ quyền lợi của mình.

 “Những lời hứa đường mật với lãi suất cao thường làm cho một số người ham lợi nhuận mờ mắt, mất cảnh giác, bỏ qua những nguyên tắc thông thường trong giao dịch kinh doanh. Tạo điều kiện cho đối tượng lừa đảo một cách dễ dàng, cơ hội lấy lại vốn theo tôi tương đối khó, nhất là trong đại dịch Covid-19. Đây là bài học không hề mới nhưng vẫn phải đưa ra để tiếp tục làm lời cảnh tỉnh” – Luật sư Linh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Nữ doanh nhân “bốc hơi” cùng 900 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO