Hải Phòng: Nam Cầu Kiền được chọn làm mô hình điểm trong đề tài nghiên cứu khoa học về Kinh tế Tuần hoàn

Phạm Duy| 27/10/2021 15:46

(TN&MT) - Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) vừa tổ chức hội thảo, trình bày đề tài nghiên cứu khoa học: Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong khu công nghiệp ở Việt Nam, qua khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền.

Sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc, bước đầu hội nhập quốc tế trong nền kinh tế số. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là gần 3500 USD. Tuy nhiên, đi kèm với những thành quả tăng trưởng, mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (Linear Economy) theo chu trình khai thác, sản xuất và phát thải đã để lại những hệ lụy về bài toán ô nhiễm môi trường.

Từ phân tích đánh giá thực tiễn, nghiên cứu cho rằng, có 3 vấn đề tạo nên điều kiện cần thiết phải thay đổi mô hình kinh tế tuyến tính: Thứ nhất, kinh tế tuyến tính truyền thống gây ra sự gia tăng rác thải. Thứ hai, kinh tế tuyến tính làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng và thứ ba là từ các áp lực cộng đồng khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế.

Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới, trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của chỉ đạt dưới 10%. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khối lượng rác thải rắn của Việt Nam vào khoảng 25,5 triệu tấn, trong đó, rác thải sinh hoạt đô thị khoảng 38 nghìn tấn/ngày và rác thải sinh hoạt ở nông thôn là 32 nghìn tấn/ngày. Nghiêm trọng hơn là rác thải nhựa, rác thải điện tử, rác thải xây dựng và rác thải nguy hại cũng đang tăng rất nhanh.

Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam trong những năm qua đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, bao gồm năng lượng than và dầu mỏ. Dự báo tới năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn than mỗi năm. Việc tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng, cũng như lãng phí phế thải không chỉ gây cạn kiệt dần tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn khiến chi phí sản xuất ở mức cao, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, KTTH không phải là xử lý chất thải, ngược lại, KTTH hướng tới việc “thiết kế chất thải” (Designing waste), tức là các quy trình sản xuất phải thay đổi ngay từ đầu, tính toán sao cho chất thải tạo ra sẽ có thể được tái sử dụng, tái chế ở mức độ cao nhất, trở lại thành đầu vào cho sản xuất.

KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà trong một nền kinh tế có chứa nhiều mô hình KTTH (mô hình tuần hoàn vật liệu trong sản xuất sản phẩm, mô hình tuần hoàn trong chuỗi cung ứng, mô hình tuần hoàn trong tiêu dùng, trong cả những hành động nhỏ nhất,…); KTTH không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức, là con đường để hướng đến phát triển bền vững.

Tuy nhiên, về bối cảnh chung nền kinh tế Việt Nam hiện nay, xét trên nhiều khía cạnh, thì không thể đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh về KTTH để áp dụng, bởi các yếu tố liên kết của tất cả các bên liên quan chưa có tính tự nguyện cao, vì vậy, chỉ có thể xây dựng lộ trình cho mô hình này bằng việc thực hiện từng nội dung của KTTH trong một chỉnh thể xã hội. Từ đó, mới dần thay đổi và hướng đến toàn bộ dòng vật chất đều tham gia vào các hoạt động nhân sinh, thúc đẩy gia tăng các giá trị trong mục tiêu tổng thể phát triển quốc gia bền vững.

Tiến sỹ Mai Văn Sỹ - PCT HĐQT CTCP Shinec chia sẻ

Vì sao Nam Cầu Kiền làm được ?

Phương pháp nền của đề tài nghiên cứu là khảo sát cụ thể điều kiện “cần và đủ” trong việc áp dụng mô hình KTTH cho KCN Việt Nam, nhận thấy, trong nội tại KCN Nam Cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đang trong lộ trình thực hiện từng nội dung của KTTH. Và với bối cảnh hiện nay tại KCN Nam Cầu Kiền, hoàn toàn có thể xây dựng mô hình điểm về KTTH để nhân rộng ra cả nước.

Qua khảo sát cho thấy, KCN Nam Cầu Kiền được tư duy và xây dựng, phát triển có thể đáp ứng cả 2 phương pháp tiếp cận cơ bản của KTTH: Theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu; Theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.

Với định hướng từ ngày đầu thành lập cùng với việc nghiên cứu, vận dụng hiệu quả sáng tạo các mô hình phát triển bền vững, Công ty CP Shinec – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng chiến lược xuyên suốt là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tạo lập đúc kết và cho ra đời hệ tiêu chuẩn sinh thái NCK ECO IP, không chỉ đáp ứng tiêu chí sinh thái cơ bản theo các tiêu chuẩn KCNST của quốc tế và Nghị định 82 của Chính phủ Việt Nam, mà còn tạo lập hệ tiêu chuẩn sinh thái khác biệt – từ đó hướng tới xây dựng mô hình KTTH trong KCN Nam Cầu Kiền, hướng tới trở thành một mô hình ưu việt cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại ở Việt Nam, giải quyết mạnh mẽ các thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Từ những nhận định, đánh giá trên, cho thấy, KCN Nam Cầu Kiền đã xác định được các vấn đề  khó khăn, và có giải pháp tháo gỡ để thực hiện “đầu vào” cho KTTH. Thứ nhất, đó là, khó khăn về chính sách, cơ chế ưu đãi, thủ tục pháp lý chưa được triển khai hướng dẫn đầy đủ. Thứ hai, NCK đã và đang duy trì triển khai nâng cao ý thức của các doanh nghiệp, luôn sát sao để doanh nghiệp hiểu rõ và tin tưởng chung tay xây dựng mô hình. Thứ ba, chủ đầu tư KCN đã định hướng phát triển, phải tập hợp được sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp bằng những công cụ chính sách kinh tế và môi trường chiến lược.

GS. Viện sĩ Phạm Văn Thức - Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp tham luận

Nhiều công trình phục vụ cộng đồng tại KCN Nam Cầu Kiền

Nhiều phản biện, đồng thuận với kết quả đề tài

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đều thống nhất nhận định, giải bài toán về rác thải từ các khu công nghiệp trong thời gian tới, cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, coi chất thải là tài nguyên để xây dựng cơ chế tổng thể, nằm trong phương thức kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững mỗi khu công nghiệp.

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đánh giá: “Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu thực tiễn tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho thấy, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam là hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ thành công.

Ngay từ khi thành lập, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đi theo lộ trình thực hiện từng nội dung của kinh tế tuần hoàn. Với bối cảnh hiện nay, tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có thể xây dựng mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn để nhân rộng ra cả nước”.

Theo ông Trần Xuân Việt (VUSTA), Công ty cổ phần Shinec đã quy hoạch, liên kết các nhóm ngành nghề với nhau tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh. Phương thức vận dụng kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là sự cộng sinh đa dạng trong tổng thể mô hình cộng sinh lớn, từ đó tạo ra vòng tròn liên kết hữu cơ bền vững trên 3 trục: Kinh tế - Môi trường - Xã hội, hoạt động dựa trên nội hàm của kinh tế tuần hoàn, với nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”.

GS. Viện sĩ Phạm Văn Thức - Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp tham luận, đề tài đã đưa ra khó khăn cơ bản trong thực hiện KTTH ở Việt Nam và cũng chưa có mô hình KTTH đảm bảo theo chu trình liên tục và bền vững của các dạng vật chất sử dụng trong nền kinh tế. Nhưng qua mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền đang đáp ứng cả 2 phương pháp tiếp cận cơ bản của KTTH và tiêu chí cơ bản các tiêu chuẩn KCN sinh thái quốc tế và 8 tiêu chí của Nghị định 82/2018/NĐ-CP, đồng thời tạo lập hệ tiêu chuẩn sinh thái đặc biệt xây dựng mô hình KTTH trong KCN Nam Cầu Kiền trở thành mô hình ưu việt cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại ở Việt Nam, giả quyết mạnh mẽ thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tiến sỹ Mai Văn Sỹ - PCT HĐQT CTCP Shinec chia sẻ, ai cũng hiểu xây dựng khu công nghiệp sinh thái là mô hình của tương lai hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất tới môi trường, nhưng vì sao khó làm, chưa làm được ?

Để đáp ứng các tiêu chí cơ bản của KCN sinh thái và KTTH, hệ số sử dụng đất quá thấp, chi phí đầu tư cao, việc liên kết các Nhà đầu tư thành các chuỗi liên kết công sinh rất khó trong khi thời gian đất chờ nhà đầu tư cao do việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp không dễ … tất thảy làm tăng chi phí của nhà đầu tư KCN, dẫn tới không ai muốn làm. Nam Cầu Kiền có làm được hay không cũng chỉ là vì “đam mê”, nếu không phải là lợi ích kinh tế mang lại, rất khó nhân rộng.

Qua buổi hội thảo, để thu hút đầu tư xây dựng KCN sinh thái, hướng tới KTTH, quan điểm của chủ đầu tư Nam Cầu Kiền đề xuất ưu đãi cụ thể như sau:

1. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Thời gian áp dụng miễn giảm theo quy định chung của pháp luật hiện hành.

2. Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với KCNST.

3. Ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái sẽ là dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, Khu công nghiệp sinh thái sẽ là địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho toàn bộ thời hạn của dự án.

4. Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu: Ưu đãi chung theo quy định pháp luật hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Nam Cầu Kiền được chọn làm mô hình điểm trong đề tài nghiên cứu khoa học về Kinh tế Tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO