Hải Phòng: "Mưa đá" vào nhà dân?

02/08/2014 00:00

(TN&MT) - Mấy chục hộ dân sinh sống ở xóm núi, thôn 10, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng thời gian qua liên tục “ăn mưa đá” vào nhà.

   
(TN&MT) - Mấy chục hộ dân sinh sống ở xóm núi, thôn 10, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng thời gian qua liên tục “ăn mưa đá” vào nhà. Nguyên nhân do mỏ đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn hoạt động gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Dân kêu, xã “tấu” còn lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên thì không giải quyết triệt để. Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc làm rõ. Ai cấp phép cho mỏ đá này hoạt động gần khu dân cư, có hay không sự bao che?
   
Đá rải như mưa
   
  Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Văn Nguyên, bà Vũ Thị Tý, ông Trần Văn Nam, cùng trú tại xóm Núi, thôn 10 bất bình tố cáo: Kể từ ngày mỏ đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn đi vào hoạt động đến nay, chưa lúc nào “mưa đá” từ cái mỏ này lại “bay” dữ tợn đến vậy. Mìn nổ rung chuyển đất trời khiến cho nhà cửa của người dân nứt toác, đỉnh điểm như “cơn mưa đá” của ngày 13/7/2013 vừa qua, vào tầm khoảng 11 giờ 30 phút trưa, mọi người đang lúi húi nấu cơm trưa thì tiếng nổ bất thình lình, hậu quả gần 10 hộ bị ảnh hưởng, phải cầu cứu đến trưởng thôn và báo cáo khẩn cấp lên UBND xã…
   
   
  Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết, trong suốt thời gian qua, ngày nào, tháng nào người dân ở đây cũng đều bị “tra tấn” bởi tiếng nổ mìn, đá văng bất thình lình. Uất ức, chị Phạm Thị Luyến, một hộ dân khác cho biết: Ngày 26/11 vừa qua, gia đình tôi cùng một số nhà hàng xóm khác cũng chịu nạn “mưa đá” xuống nhà cửa, đồng ruộng. Cả xóm lại đổ ra bắt đền. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, một số cán bộ xuống hiện trường là ông Toàn, ông Đáp đã phải ký vào biên bản…
   
  Chia sẻ với phóng viên, hầu như hộ gia đình nào ở đây cũng đều chung một tâm trạng lo sợ nạn đá rơi. Bởi thế, từ trẻ em cho đến người già, hãn hữu lắm mới đi ra khỏi nhà, còn không chỉ loanh quanh trong sân nhà. Nghe thấy loa báo nổ mìn, ai ai cũng bỏ chạy bạt mạng vào nhà trú ẩn, tránh may hơn khôn. Nhiều người dân, khi được hỏi ai cũng rất muốn được di dân, tái định cư nơi khác để tránh nạn đá rơi này. Tuy nhiên, kiến nghị, gửi đơn trực tiếp lên Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, nhưng tất cả đều chẳng thấy hồi âm(?!).
   
  Chịu chung cảnh ngộ như người dân xã An Sơn, cuộc sống của 15 gia đình ở xóm Hang Len, xã Lại Xuân kế bên mỏ đá Trại Sơn cũng bị đảo lộn từ nhiều năm nay. Để vào được thôn phải vượt qua cung đường rộng chỉ chừng nửa mét phủ kín bụi đá trắng. Những căn nhà ở đây đều bị phủ một lớp bụi đá và những cánh cửa luôn phải đóng im ỉm như bị bỏ hoang.
   
Đền bù kiểu đối phó?
   
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Mỗi lần người dân kiến nghị, UBND xã đều lập đoàn công tác xuống kiểm đếm, lập biên bản cho bà con. Để khách quan, UBND xã cũng mời phía mỏ đá sang để lập biên bản. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, đá vẫn văng vào nhà dân.
   
  Còn ông Nguyễn Văn Tượng, Chủ tịch UBND xã An Sơn thì cho biết, do thẩm quyền của xã có hạn nên xã chỉ biết báo cáo lên ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên biết và xử lý. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết dứt điểm nạn “củ đậu bay” này.
   
  Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Công ty Xi măng Phúc Sơn có nhà máy đặt ngay cạnh sông Kinh Thầy trên địa bàn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, tuy nhiên, khi cấp mỏ, không hiểu bằng cách nào mà công ty này lại có mỏ đá thuộc địa bàn xã An Sơn và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
   
  Liên tục bị tố cáo, về phía Công ty Xi măng Phúc Sơn đã có văn bản thừa nhận việc nổ mìn để đá bắn vào nhà dân và hứa có trách nhiệm bồi thường ngay. Tuy nhiên, thực tế Công ty Xi măng Phúc Sơn vẫn “hứa suông” với người dân trong chuyện đền bù cũng như biện pháp giải quyết dứt điểm.
   
  Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Xi măng Phúc Sơn với tổng số tiền 216 triệu đồng do vi phạm về môi trường. Cụ thể, Công ty Xi măng Phúc Sơn bị phạt 85 triệu đồng đối với hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phê duyệt; phạt 6 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và xử phạt 125 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại với nhau.
   
  Tuy nhiên đó là phần việc xử lý của phía tỉnh Hải Dương. Còn thực tế ở TP Hải Phòng và trách nhiệm của UBND huyện Thủy Nguyên đến đâu trong việc để dân chịu cảnh đá rơi như cơm bữa?. Có hay không việc “ngó lơ”, không báo cáo lên cấp trên để giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân?.
   
Bài & ảnh: Hà Thúy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: "Mưa đá" vào nhà dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO