Hải Dương: Thúc đẩy tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu

Phạm Duy| 26/08/2022 21:12

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp chiến lược để đẩy mạnh quản lý tài nguyên, môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Giảm phát thải khí nhà kính

Nhận thức rõ tác động của BĐKH, những năm qua, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đánh giá tác động BĐKH đến điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lồng ghép vấn đề BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành; tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó BĐKH. Trong triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới, đã lồng ghép phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH. Xây dựng trên 800 mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH, với các hoạt động: Trồng cây xanh tạo cảnh quan, thu gom vận chuyển rác thải đúng nơi quy định, bảo đảm an toàn khi sử dụng các loại hóa chất trong sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt...

Đến nay, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai các giải pháp để tiết kiệm nguyên nhiên liệu, hạn chế lượng khí thải ra môi trường, thông qua việc nâng cấp, thay thế các trang thiết bị, linh kiện thế hệ cũ, ứng dụng công nghệ sản xuất mới thân thiện với môi trường… Điển hình như Công ty cổ phần RedstarCera ở TP Chí Linh đã sử dụng bã vỏ hạt điều để thay thế nguyên liệu than cám, giúp công ty giảm gần 40% chi phí nhiên liệu; Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch đã cải tạo, nâng cấp công nghệ một số dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng.

Các địa phương đã hướng dẫn người dân sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi để tận thu khí CH4 phục vụ đun nấu, sử dụng bếp đun cải tiến, đèn tiết kiệm điện, các phương tiện giao thông ít phát thải khí nhà kính. Phổ biến rộng rãi công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas và khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ; nghiên cứu, hợp tác xây dựng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

anh-1.jpg
Trạm xử lý nước thải KCN Vsip Hải Dương

Hình thành các đô thị xanh, thông minh, hiện đại

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương Nguyễn Trác Trung, định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới là sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó BĐKH thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Từ năm 2021, Sở TN&MT đã rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Danh mục tạm dừng thu hút đầu tư với 8 nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm; triển khai giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành; kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê theo quy định.

Đồng thời, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở hoạt động về xử lý chất thải... theo nhiều hình thức nhằm tăng cường xã hội hóa về BVMT, giảm thiểu BĐKH. Tăng cường hợp tác, kết nối các nguồn tài trợ, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo cơ chế song phương, đa phương, để nâng cao năng lực thích ứng BĐKH. Ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường…

Đặc biệt, tỉnh quan tâm triển khai quy hoạch, xây dựng các đô thị, với mục tiêu: Phát triển thành phố Hải Dương thành đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó BĐKH; thành phố Chí Linh - đô thị thông minh - sinh thái xanh - nghỉ dưỡng; thị xã Kinh Môn phát triển hài hoà giữa đô thị dịch vụ công nghiệp và đô thị sinh thái….

anh-2(2).jpg
Hải Dương hướng đến 100% chất thải rắn phát sinh được thu gom, phân loại tại nguồn, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn

Triển khai mục tiêu trên, theo Lãnh đạo UBND thành phố Hải Dương, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã dành trên 160 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa tập trung chỉnh trang đô thị; phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị; cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước đường Nguyễn Lương Bằng, Khúc Thừa Dụ, Vũ Hựu, Nguyễn Quý Tân, cải tạo trạm bơm Bình Lâu; nâng cấp, cải tạo hệ thống dẫn nước về hồ điều hòa trạm bơm Bình Hàn; nâng công suất các trạm bơm tiêu úng, nạo vét kênh dẫn... Tuân thủ cao trình thiết kế các tuyến đê sông Thái Bình, sông Sặt; từng bước nâng cao độ mặt đê thêm 0,5m để dự phòng BĐKH.

Hiện nay, thành phố đang tập trung điều chỉnh quy hoạch để hình thành các chuỗi "không gian xanh", tạo không gian cảnh quan, điều hòa vi khí hậu. Quy hoạch 7 lưu vực thoát nước thải và 7 trạm xử lý nước thải sinh hoạt để tỷ lệ xử lý đạt 90% năm 2030, 100% năm 2040. Kiểm soát chặt hoạt động thu gom xử lý nước thải công nghiệp, đảm bảo 100% nước thải công nghiệp được xử lý trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Hướng đến 100% chất thải rắn phát sinh được thu gom, phân loại tại nguồn, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn. Bảo vệ hệ thống kênh mương thoát nước, các hồ điều hòa, chủ động phòng chống thiên tai, các diễn biến bất thường của thời tiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Thúc đẩy tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO