Hải Dương: Tạm dừng cơ sở sản xuất, tái chế nhựa

14/08/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 12/7, Báo Điện tử TN&MT đã có bài "Hải Dương: Dân sống gần cơ sở tái chế nhựa khổ vì ô nhiễm". Tiếp nhận thông tin trên, Chi cục Bảo vệ Môi...

(TN&MT) - Ngày 12/7, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã có bài “Hải Dương: Dân sống gần cơ sở tái chế nhựa khổ vì ô nhiễm”. Tiếp nhận thông tin trên, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Dương đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Thành và UBND thị trấn Phú Thái kiểm tra, cơ sở kinh doanh của gia đình ông Lưu Văn Thuyên (thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành). Đoàn kiếm tra đã lập biên bản và yêu cầu cơ sở dừng hoạt động sản xuất, khắc phục ngay các hậu quả gây ra.
 
Đống phế thải của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang không đảm bảo quy định về môi trường
Đống phế thải của cơ sở sản xuất, tái chế nhựa thôn Vé, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang không đảm bảo quy định về môi trường
Năm 2014, cơ sở này đã thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Phú Minh và tiến hành hoạt động sản xuất tái chế nhựa phế liệu. Trong đó, thuê lại nhà xưởng số 1 có diện tích khoảng 1.200m2 giáp Công ty CP Phú Thành Đại Sơn, nhà xưởng số 2 có diện tích khoảng 500m2 giáp mương tiêu của khu dân cư thị trấn và các công trình phụ trợ gồm: sân bãi, khu vực xử lý sơ bộ nước thải, ao chứa nước. Diện tích thuê là một phần diện tích của Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và bê tông tươi của Công ty TNHH Phú Minh được UBND tỉnh chấp thuận tại văn bản số 565/CV-UB ngày 17-7-2003.
 
Cơ sở thu mua phế liệu gồm bao bì dứa, nilon... từ các nguồn khác nhau, sau đó phân loại rồi băm, rửa và gia nhiệt tạo hạt. Cơ sở đã lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản và được UBND huyện Kim Thành xác nhận tại Giấy xác nhận số 701/GXN-UBND ngày 29-12-2014. 
 
Tuy nhiên, cơ sở chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và báo cáo công tác quản lý, xử lý chất thải theo quy định. 
 
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đã tạm dừng hoạt động, có khoảng 70 - 80 tấn phế liệu phục vụ cho sản xuất được tập kết ngoài trời, không được che chắn và có nguy cơ phát tán chất thải đi kèm phế liệu ra môi trường, đặc biệt khi trời mưa. 
 
Nước thải phát sinh được xử lý sơ bộ qua bể lắng (theo cơ sở báo cáo, nước thải được xử lý sơ bộ và thu về ao chứa để tuần hoàn sử dụng). Bùn thải phát sinh từ các bể lắng được thu gom tập kết ngoài trời cạnh bể lắng của xưởng sản xuất số 1. Chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sửa chữa máy móc chưa được thu gom và bố trí vị trí lưu giữ tạm thời bảo đảm theo quy định.
 
Đoàn kiếm tra đã lập biên bản và yêu cầu cơ sở dừng hoạt động sản xuất, khắc phục ngay các tồn tại trên.
 
Nước thải phát sinh từ hoạt động băm, rửa phế liệu của nhà xưởng số 1 được thải ra 4 phần. Một phần được thu gom về bể lắng 3 ngăn xử lý sơ bộ trước khi thải vào mương thoát nước của khu dân cư thị trấn. Một phần chảy trực tiếp vào ao chứa cấp nước cho sản xuất và nhà xưởng sản xuất số 2. Một phần được thu về bể lắng xử lý sơ bộ. Một phần không được thu gom xử lý, được xả thải vào mương thoát nước cạnh khu dân cư thị trấn. 
 
Khí thải phát sinh chủ yếu từ quá trình gia nhiệt tạo hạt từ các xưởng sản xuất. Trong đó, xưởng số 1 được chụp hút thu hồi theo ống dẫn khí ra ngoài môi trường, xưởng số 2 được thu gom và xử lý bằng phương pháp dập nước. Tuy nhiên, việc thu gom xử lý chưa bảo đảm, còn để một phần khí thải chưa được xử lý phát tán trực tiếp vào môi trường xung quanh. 
 
Chi cục Bảo vệ Môi trường tiếp tục yêu cầu cơ sở của ông Thuyên tạm dừng hoạt động sản xuất, tái chế. Đồng thơi tiến hành thu gom toàn bộ lượng phế liệu ngoài trời vào kho chứa hoặc phải che phủ bảo đảm không để phát tán phế liệu, chất thải đi kèm phế liệu gây ô nhiễm môi trường và lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, thực hiện chuyển giao xử lý bảo đảm theo quy định.
 
Ðối với cơ sở tái chế nhựa của ông Trần Văn Toản ở thôn Vé, xã Ðồng Tâm, huyện Ninh Giang, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Phòng TN&MT huyện Ninh Giang, UBND xã Ðồng Tâm đã kiểm tra, khảo sát thực tế.
 
Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở chưa có thủ tục hành chính về môi trường theo quy định. Chất thải phát sinh chủ yếu là nước thải từ hoạt động xay, rửa phế liệu, khối lượng từ 20 - 30 m3/ngày, được xử lý sơ bộ qua tấm chắn thu hồi mảnh nhựa sau đó xả vào mương tưới tiêu của khu vực.
 
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang dừng hoạt động phân loại, xay nhựa; phế liệu có khối lượng từ 5-6 tấn được tập kết ngoài trời trên diện tích đất ở và đất 03 (diện tích đất này đã được cơ sở san lấp làm mặt bằng), phế liệu nhựa tập kết chưa được thu gom, che chắn có nguy cơ phát tán chất thải đi kèm phế liệu ra môi trường. 
 
Chi cục Bảo vệ môi trường yêu cầu các cơ sở tái chế nhựa của ông Trần Văn Toản, tạm dừng ngay mọi hoạt động sản xuất và chỉ được hoạt động trở lại khi đã khắc phục xong những tồn tại, vi phạm đã được UBND huyện Ninh Giang kiểm tra, xác nhận.
 
Bài & ảnh: Phạm Hoàng 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Tạm dừng cơ sở sản xuất, tái chế nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO