Hải Dương: “Nóng” tình trạng khai thác cát trái phép

14/03/2018 22:13

(TN&MT) - Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn “nóng” tình trạng khai thác cát trái phép “cát tặc” ngày một tinh vi, manh động,...

(TN&MT) - Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn “nóng” tình trạng khai thác cát trái phép “cát tặc” ngày một tinh vi, manh động, liều lĩnh… Việc khai thác cát đã gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê kè, ruộng đất canh tác, cây trồng của người dân, như: Ngã ba Kèo (sông Kinh Thầy) thuộc địa phận thị xã Chí Linh (sông Thái Bình) thuộc huyện Cẩm Giàng; xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà; xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (khu vực sông Luộc)…
1-Hải Dương: “Nóng” tình trạng khai thác cát trái phép
Nạn cát tặc đã làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương lại tiếp tục “nóng” vấn nạn khai thác cát trái phép, đù đã có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, nhưng vấn nạn này vẫn không thuyên giảm, mà có chiều hướng gia tăng ở một số nơi.
2-Hải Dương: “Nóng” tình trạng khai thác cát trái phép
Nhiều nơi có nạn cát tặc, người dân đã dựng liều để giữ đất.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ngang nhiên và bất chấp sự vào cuộc của chính quyền là do lợi nhuận lớn từ cát lậu mang lại. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 200 - 300m3 cát. Chi phí dành cho 1m3 cát khi khai thác trái phép thấp, nhưng khi cập bến, bán đến tay người tiêu dùng có thể kiếm lời gấp 3-4 lần. Đầu tư ít, lợi nhuận cao nên những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Cát từ đáy sông được đưa lên đổ trực tiếp vào khoang thuyền vừa dễ dàng và nhanh chóng rút lui, cũng như chạy trốn nếu bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện.
 
3-Hải Dương: “Nóng” tình trạng khai thác cát trái phép
Đoàn liên ngành của huyện Thanh Hà bắt giữ tàu khai thác cát trái phép.

Đặc biệt, nhiều đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối, nộp phạt rồi sau đó lại ngang nhiên tái phạm, bởi luôn có những thế lực đứng đằng sau bao che. Ngang nhiên hơn, nhiều đối tượng khi kiểm tra đã cố tình không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho lực lượng chức năng vào tàu kiểm tra… Chính vì vậy, cát tặc vẫn cứ ngang nhiên lộng hành trước sự bất lực của các cấp chính quyền. Ngay cả khi có đầy đủ lực lượng chức năng ở trên bờ thì “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động dưới sông và chỉ khi có lực lượng liên ngành với đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ mới ngăn cản được.
 
Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan liên ngành nhiều huyện của tỉnh Hải Dương đã liên tiếp bắt xử phạt các tàu hút cát trái phép, nhưng trên thực tế nạn “cát tặc” vẫn không hạ nhiệt, điển hình, như: ngày  5/3, Đoàn liên ngành huyện Thanh Hà đã bắt quả tang 5 tàu khai thác cát trái phép trên sông Thái Bình, xử phạt 80 triệu đồng. Các chủ tàu vi phạm, là: Nguyễn Xuân Hanh, Nguyễn Đình Long, Vũ Văn Hùng (trú tại xã Bình Lãng, Tứ Kỳ) hút cát trái phép tại địa phận xã Phượng Hoàng; Nguyễn Danh Bằng (trú tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà) và Vũ Quang Dương (phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương) khai thác cát trái phép tại địa phận xã Thanh Hải. Trong đó điển hình, có 2 tàu tái phạm của Vũ Quang Dương bị phạt 30 triệu đồng và Vũ Văn Hùng 20 triệu đồng; 3 tàu còn lại mỗi tàu bị phạt 10 triệu đồng.
 
Tiếp đến ngày 6/3, tại sông nội đồng Đĩnh Đào, khu vực thị trấn Tứ Kỳ, Công an huyện Tứ Kỳ tạm giữ tàu sắt của Phạm Xuân Huyền (sinh năm 1980) ở thôn Đoàn Khê, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) đang hút cát san lấp lên bờ. Trước đó, cũng trên con sông này, thuộc khu vực đò Vạn, xã Minh Đức (Tứ Kỳ), Công an huyện bắt tàu sắt 2 khoang NB-2415 của Vũ Đình Bằng (sinh năm 1968, thôn Đoàn Khê) trong tàu có 180m3 cát đen. Tại thời điểm kiểm tra, Bằng không xuất trình được giấy tờ mua bán cát. Công an huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện để điều tra làm rõ nguồn gốc khối lượng cát trên. Thời gian gần đây,  trên sông nội đồng Đĩnh Đào thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải liên tục xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
 
Rạng sáng 7/3, Công an huyện Kinh Môn bắt giữ 2 tàu VN 1138, BG 0066 và 1 tàu mang số hiệu 03 đang hút cát trái phép trên sông Kinh Thầy, đoạn qua xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn. Ngay sau khi bị bắt, cát tặc hết sức manh động, lợi dụng việc Công an huyện Kinh Môn không đủ lực lượng để trông coi, các lao động trên tàu VN 1138 và BG 0066 đã nhanh chóng chuyển cát sang tàu mang số hiệu 0379 đang đỗ bên phần sông thuộc địa phận xã Kênh Giang, thị xã Chí Linh. Đến chiều 8/3, Công an huyện Kinh Môn đã xác định chủ tàu VN 1138  là Nguyễn Vũ Ninh (sinh năm 1985, ở Vân Động, Đông Triều, Quảng Ninh), chủ tàu BG 0066 là Vũ Đình Linh (sinh năm 1975, ở phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh), chủ tàu 03 là Nguyễn Văn Quốc (sinh năm 1987, ở phường Vân An, TP. Bắc Ninh) và chủ tàu 0379 là Trần Văn Phượng (sinh năm 1964, ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang). Công an huyện Kinh Môn phối hợp với Công an thị xã Chí Linh xác định rõ số lượng cát được chuyển từ 2 tàu VN 1138 và BG 0066 sang tàu 0379, lập biên bản xử lý các chủ tàu theo quy định.
 
Qua đây có thể thấy tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang diễn biến hết sức phức tạp, ngày gia tăng và chính quyền vẫn đang “loay hoay” chưa tìm được giải pháp hữu hiệu. Theo báo cáo của Ban phòng chống khai thác cát trái phép huyện Thanh Hà, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xử phạt 47 tàu khai thác cát trái phép với tổng số tiền 637 triệu đồng, gần bằng cả năm 2017. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra thường xuyên trên sông Thái Bình qua địa phận các xã, nhiều nhất ở xã Thanh Hải. Hiện nay, các xã có nạn cát tặc đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực để thực hiện nhiệm vụ phòng chống khai thác cát trái phép, kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế. Khi lực lượng chức năng kiểm tra còn có nhiều đối tượng theo dõi, báo cho chủ tàu để dừng hút cát. Chế tài xử phạt ở cấp xã còn thấp, chưa đủ răn đe... Để ngăn chặn, nạn khai thác cát trái phép đạt hiệu quả, huyện Thanh Hà yêu cầu mỗi xã lập 1 chốt trực phòng chống khai thác cát. Mỗi chốt bố trí 2 người. Các xã khi phát hiện “cát tặc” phải báo cáo ngay cho huyện để huyện có mức phạt cao hơn, đủ sức răn đe. Kinh phí sau khi xử lý sẽ được trích lại cho xã một nửa để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, huyện cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để các chốt hoạt động có hiệu quả. Nhưng trên thực tế, người dân các xã có sông Thái Bình đi qua của huyện Thanh Hà, cho biết hiện hàng đêm trên đoạn sông này, vẫn có hàng chục tàu cát tặc ngang nhiên hoạt động rầm rộ. Ở đây như một đại công trường hút cát trên sông.
 
Vậy làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả nạn “cát tặc” đang hoành hành trên địa bàn tỉnh Hải Dương, vẫn là bài toán nan giải? Các cấp chính quyền cần có giải pháp quyết liệt, chế tài xử phạt đủ mạnh và nhất là xử lý nghiêm minh nếu có việc bảo kê cho nạn khai thác cát “lộng hành”. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: “Nóng” tình trạng khai thác cát trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO