Những năm qua, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm triển khai. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý của thành phố Hải Dương đạt 95%, thành phố Chí Linh đạt 90%, các khu vực đô thị còn lại đạt khoảng 85%.

Đề án Xử lý chất thải rắn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hải Dương sẽ thay đổi nhận thức của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường, tạo cảnh quan, môi trường sống của cộng động dân cư ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu và từng bước kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất thải rắn.

thu-gom-rac-thai.jpg

Theo thống kê sơ bộ, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng gần 1.100 tấn/ngày, đêm. Trong đó, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 420 tấn/ngày, đêm; khu vực nông thôn trên 650 tấn/ngày, đêm.

Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, tại khu vực đô thị, chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện bởi 42 tổ thu gom, 7 Hợp tác xã, 5 Công ty. Khu vực nông thôn, các xã đã thành lập các tổ, đội thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho từng thôn dân cư với trên 1.000 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%.

Hoạt động xử lý chất thải rắn được thực hiện theo 2 phương pháp: Đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp theo quy hoạch của UBND cấp huyện và xã. Hiện nay, tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với tổng công suất 498 tấn/ngày đêm. Rác thải tại Thành phố Hải Dương, 40 xã, 3 thị trấn được chuyển về các nhà máy đốt tiêu hủy với khối lượng khoảng 340 tấn/ngày, tương đương 27,7 % lượng chất thải toàn tỉnh.

Còn lại chất thải rắn của 167 xã, phường, thị trấn được xử lý chôn lấp tại 756 bãi chôn lấp của các địa phương với khối lượng khoảng 887 tấn/ngày. Tuy nhiên, các bãi chôn lấp ở các thị trấn hầu hết đã đầy, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Hải Dương đạt 95%, thành phố Chí Linh đạt 90%, các khu vực đô thị còn lại đạt khoảng 85%. Tỷ lệ thu gom, xử lý  khu vực nông thôn đạt khoảng 85%.

tong-rac-thai-ran-1.jpg

Với mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đạt 90% năm 2025, 100% năm 2030, tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đề án Xử lý chất thải rắn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

Đề án đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về nội dung thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục thu hút đầu tư nhà máy xử lý có công nghệ hiện đại, công suất cao, phù hợp với nhu cầu của tỉnh. Đặc biệt, đã chú trọng xây dựng, triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

phung-khanh-tai.jpg

Năm 2021, toàn huyện Nam Sách có 15 bãi chứa rác thải tập trung của các xã, thị trấn và 53 bãi chứa rác thải của các thôn, khu dân cư. Tuy nhiên, các bãi này đã lấp đầy trên 70%, phương pháp xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường và không còn phù hợp.

Trên cơ sở đó, Nam Sách đã ban hành Nghị quyết về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về phân loại rác tại nguồn, giao các tổ chức đoàn thể đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác. Huyện đã phát 40.000 cuốn sổ tay hướng dẫn phân loại rác cho các hộ gia đình, trường học trên địa bàn…

Nhờ đó, đến nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Nam Sách bước đầu đi vào nề nếp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cơ bản các hộ gia đình đều chuẩn bị 2 thùng chứa rác vô cơ và hữu cơ. Nhiều gia đình tự thực hiện ủ rác hữu cơ tại vườn nhà. Toàn huyện đã xây dựng 22 điểm trung chuyển rác vô cơ, 46 vị trí ủ rác hữu cơ, trong đó, 11 vị trí ủ rác hữu cơ tập trung toàn xã, thị trấn, 35 vị trí ủ ở các thôn, khu dân cư. Ngoài ra, 53 bãi chứa rác thải của các thôn, khu dân cư đã được đóng cửa, san lấp trồng cây xanh.

Tại huyện Tứ Kỳ, để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn, huyện đã xây dựng Đề án số 05- ĐA/HU về Xử lý chất thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn giai đoạn 2021-2025. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải ngày càng đạt hiệu quả cao, phần lớn các bãi chôn lấp rác thải đã được quan tâm cải tạo, nâng cấp đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan. Rác thải tại thị trấn Tứ Kỳ đã được chuyển về nhà máy xử lý tập trung của tỉnh. Tại xã Quang Khải đã xây dựng điểm 39 hộ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, với mục tiêu đến hết năm 2022 có 100% hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Xử lý chất thải rắn giai đoạn 2021-2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO