Hà Tĩnh ứng phó BĐKH vùng ven biển: Nhiều giải pháp thiết thực

Đức Cảnh| 18/08/2022 14:35

(TN&MT) - Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Hà Tĩnh như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn không ngừng gia tăng. Đặc biệt, đối với các khu vực ven biển, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng.

Nhằm triển khai công tác ứng phó, thời gian qua, Hà Tĩnh đã lên phương án lập kế hoạch hành động với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đáp ứng các yêu cầu của quốc gia và thực tiễn tại địa phương trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn ra mạnh mẽ, có nhiều tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

BĐKH gây nên những tác động rất lớn về môi trường, nhất là sạt lở đất ven biển, bồi lắng cửa sông, cửa lạch. Không những vậy, tác động tiêu cực của triều cường, thiên tai, bão lũ... đã cuốn trôi nhiều diện tích đất đai và công trình hạ tầng.

anh-1.-trong-rung.jpg
Trồng rừng, một trong những giải pháp nhằm giảm tác động tiêu cực của BĐKH đang được triển khai thực hiện tại Hà Tĩnh

Đánh giá của Trung tâm Ứng phó BĐKH, Bộ TN&MT về hiện tượng nước biển dâng còn cho thấy: Hầu hết các số liệu quan trắc mực nước biển có xu hướng tăng, với tốc độ mạnh nhất khoảng trên 6mm/năm, nhưng ở vùng biển Hà Tĩnh lại có xu hướng không rõ ràng. Thực tế minh chứng, nhiều cửa sông, cửa lạch bị đất cát bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào, ảnh hưởng rất lớn đến khai thác, đánh bắt thủy sản.

Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Các loại hình BĐKH gây ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là mưa bão, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và xâm nhiễm mặn. Những tác động tiêu cực của triều cường đã gây không ít lo lắng cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão.

Để ứng phó với thời tiết cực đoan, đặc biệt là sạt lở đất ven biển, hằng năm, người dân đã tổ chức trồng cây phi lao chắn sóng, chống sạt lở và chắn cát bay. Các hộ gia đình ở sát biển thường xuyên neo giằng nhà cửa, thậm chí có hộ còn mua gạch đá, xi măng xây kè chống sạt lở để ổn định cuộc sống lâu dài.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động mọi nguồn lực tập trung trồng rừng, như việc trồng 38.000 cây xanh tại bãi biển các xã thuộc huyện Thạch Hà nhằm góp phần tạo “lá chắn xanh” chắn sóng, chắn gió, hạn chế sạt lở bờ biển, giảm tác động tiêu cực của triều cường, lũ lụt đến đời sống người dân ven biển.

Bên cạnh đó, khảo sát, đầu tư xây dựng các công trình kè ven biển. Hiện nay, hầu hết công trình thuộc dự án phòng chống BĐKH ở các huyện ven biển đều phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phòng chống sạt lở, bảo vệ đất sản xuất, đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Các giải pháp ứng phó với BĐKH vùng ven biển hiện nay như việc trồng cây xanh đang được triển khai thực hiện trên địa bàn hết sức tích cực. Đây là những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của huyện Thạch Hà, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau”.

“UBND huyện Thạch Hà sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các xã ven biển tích cực tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ ven biển. Từ đó, tích cực tham gia hưởng ứng trồng cây và quản lý, chăm sóc, bảo vệ tốt”, ông Nguyễn Văn Sáu nói thêm.

Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Tĩnh cho thấy, địa phương hiện có 137km bờ biển. Để bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, những năm qua, tỉnh đã tập trung khảo sát, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Nhờ huy động sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, địa phương, đơn vị, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm; Hoàn thành lập danh mục, xác định ranh giới 19 khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, tiến tới công bố và cắm mốc giới hành lang theo quy định. Kết quả bước đầu đó đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý tổng hợp vùng bờ, ứng phó hiệu quả hơn với BĐKH.

Tác động của BĐKH, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên môi trường biển, chủ động thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và triển khai đồng bộ các phương án ứng phó là giải pháp quan trọng, góp phần giúp cư dân ven biển Hà Tĩnh ổn định cuộc sống, hướng mục tiêu bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh ứng phó BĐKH vùng ven biển: Nhiều giải pháp thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO