Hà Tĩnh ứng phó BĐKH: Linh hoạt trong mọi tình huống

Đức Cảnh| 12/05/2022 14:53

(TN&MT) - Những biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động xấu đến đời sống xã hội. Trước thực trạng đó, Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ứng phó và vừa phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Biến đổi khí hậu và những tác động

Hà Tĩnh nằm ở khu vực miền Trung - nơi chịu nhều tác động rõ nét của BĐKH. Trong 2 thập kỷ qua, tình hình diễn biến thời tiết khá phức tạp với xu hướng nóng dần lên, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài, mưa lớn và bất thường, gây ra lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều nơi.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng ngành Tài nguyên và Môi trường, thực trạng BĐKH trên địa bàn Hà Tĩnh thể hiện rõ qua từng giai đoạn: Nhiệt độ trung bình tăng theo thập kỷ từ 0,1 - 0,2 độ C, nhiệt độ trung bình thập kỷ 2000 - 2009 so với 10 - 30 năm trước tăng phổ biến từ 0,3 - 0,6 độ C. Mùa đông đang có xu hướng ấm dần lên, nhiệt độ trung bình mùa đông thập kỷ 2000 - 2009 so với 30 - 50 năm trước tăng phổ biến từ 0,6 - 1,2 độ C, riêng vùng Hương Khê tăng từ 0,7 - 1,4 độ C.

t7.jpg

Người dân Hà Tĩnh trồng rừng ven biển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tình trạng nắng nóng tại Hà Tĩnh trong vòng 20 năm trở lại đây đang có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tối cao tuyệt đối phổ biến từ 36 - 40 độ C, có thời điểm vượt ngưỡng 40 độ C. Trong khi đó, lượng mưa lại có xu hướng giảm rõ rệt, mưa có sự biến động lớn cả không gian và thời gian xuất hiện cũng như cường độ, hiện tượng mưa dầm trong vài thập kỷ gần đây ít khi xuất hiện hơn, mùa mưa thường xuất hiện muộn và kết thúc sớm.

Cùng với đó, Hà Tĩnh là nơi phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ, lũ quét, dông sét, lở đất, hạn hán xuất hiện với tần suất và cường độ ngày một lớn. Điều này cho thấy Hà Tĩnh đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, đứng trước những thách thức lớn.

Ông Ngô Đức Hợi - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “BĐKH đã tác động lớn tới nhiều lĩnh vực, lương thực, thực phẩm, sức khỏe và môi trường. Chỉ tính riêng trong tháng 10/2020, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, nhất là ở các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh; tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Mưa lũ đã làm 6 người chết; hơn 6.980 ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng.

Chủ động giải pháp thích ứng

Theo dự báo, trong thời gian tới những thách thức do BĐKH gây ra đối với địa bàn Hà Tĩnh không hề nhỏ, mực nước biển dâng cao, mưa bão lớn với triều cường mạnh có thể sẽ gây ngập nhiều diện tích đất toàn tỉnh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình giao thông, đê ngăn mặn được xây dựng trước đây sẽ không còn phù hợp nữa, vì vậy, nguy cơ tổn thất là rất lớn.

“Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm đã được quán triệt phải đảm bảo yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thích ứng BĐKH; kết hợp chặt chẽ đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc làm gia tăng rủi ro thiên tai và phải thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền khác nhau”.

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của các cấp, các ngành và mỗi người dân.

Trong đó, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, linh hoạt; chủ động quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng, bất ngờ khi thiên tai xảy ra. Chuẩn bị lực lượng cứu hộ phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ động nhanh, kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp được xem là nhiệm vụ cấp bách.

Đặc biệt, việc quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện... phải có sự thống nhất giữa các ngành chuyên môn, đảm bảo tuân thủ yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Bên cạnh đó, sớm xác định các hình thái thời tiết cực đoan, như: siêu bão, mưa lớn liên tục, thời gian dài gây ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán, xâm nhập mặn... để có giải pháp ứng phó phù hợp đối với từng loại hình cụ thể và vừa phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh ứng phó BĐKH: Linh hoạt trong mọi tình huống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO