Hà Tĩnh: Kiểm soát môi trường biển hướng mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững

Đức Cảnh| 03/11/2022 00:00

Với bờ biển dài 137 km, nhiều cửa biển có vị trí trọng yếu trong giao thương liên kết giữa các vùng miền, cùng với đó là nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng là lợi thế lớn cho Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, song hành với đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển, hải đảo, Hà Tĩnh tăng cường quản lý khai thác tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

Biển đang bị tác động bởi ô nhiễm rác thải

Theo dọc bãi biển thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không khó để bắt gặp rác thải do người dân địa phương và du khách thải ra. Những túi rác sinh hoạt, vật dụng hư hỏng, mảnh vỡ thủy tinh, hay thức ăn thừa… đều được đổ bỏ ra biển. Sóng và gió biển thổi vào khiến rác thải trôi dạt ra khắp các con lạch, ngọn cây, bãi cỏ…

Có một thực tế, trong mùa du lịch, hình ảnh các bạn trẻ tụ tập ăn uống vui chơi ở các rừng cây hay bãi biển như thế này là rất phổ biến. Thế nhưng, sau những cuộc vui thì hàng loạt vật dụng ăn uống, nhất là đồ nhựa dùng một lần được vứt lại dọc bờ biển khá tràn lan.

1(1).jpg
Nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường biển của các tổ chức cá nhân trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận

Không chỉ có rác thải mà nước thải sinh hoạt, nước thải từ các hộ sản xuất, chế biến thủy hải sản cũng được xả thẳng ra biển. Đây là nguồn nước thải sinh hoạt và nước thải từ một số hộ dân sản xuất, chế biến thủy hải sản của xã Thạch Kim thải ra.

Bà Võ Thị Tuyết, thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), phản ánh: “Nguồn nước đen kịt, đục quánh được xả thẳng ra biển mà không qua bất cứ hệ thống lắng lọc nào. Mùi xú uế từ nguồn nước thải gây ô nhiễm cả một vùng bờ biển nhiều năm nay”.

2(1).jpg
Lấy mẫu Quan trắc môi trường nước biển

Đáng nói vị trí xả thải chỉ cách bãi tắm Xuân Hải chưa đầy 1 km. Theo khảo sát của phóng viên thì tại khu vực này không chỉ một mà có đến ba cống thoát thải sinh hoạt được xả thẳng ra biển. Đây là vấn đề nan giải của địa phương trong nhiều năm qua, do không có quỹ đất để xây dựng.

Ngoài các khu dân cư, hiện nay nhiều khu du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh, hệ thống xử lý nước thải hầu như không có nên toàn bộ nước thải đều được đổ thẳng ra biển. Như tại Khu du lịch biển Thiên Cầm, các ki-ốt kinh doanh ăn uống… được xây dựng kiên cố ngay trên tuyến đê biển, nhưng lại không có nhà vệ sinh, hệ thống thu gom chưa đảm bảo, hệ thống xử lý không có do đó nước thải nhiều khi lênh láng trên mặt đường trong khu du lịch.

3(1).jpg

Hà Tĩnh đóng góp ý kiến vào Hội nghị quy hoạch không gian biển quốc gia

Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh thừa nhận: “Theo khảo sát của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh thì hầu hết các khu du lịch ven biển ở Hà Tĩnh hiện nay đều chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo. Cùng với rác thải, nước thải sinh hoạt sản xuất xả ra môi trường biển thì các hoạt động xây dựng trái phép dọc bờ biển cũng đang ảnh hưởng tới môi trường biển”.

Hướng mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững

Biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ của Vịnh Bắc Bộ với tổng diện tích các vùng biển là 18.400 km2 trải dài 137km qua 30 xã thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Biển cung cấp nguồn lợi khổng lồ về môi trường, sinh thái, kinh tế, đời sống, việc làm, do đó việc bảo vệ môi trường biển luôn phải được xem là vấn đề cấp bách của các cấp các ngành.

Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường Hà Tĩnh : Tham gia hoạt động ở vùng biển, những nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường biển của các tổ chức cá nhân trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Hành động dù lớn hay nhỏ nhưng ý nghĩa thì hết sức to lớn, lan tỏa những giá trị đẹp trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.

Là địa phương có thế mạnh về du lịch biển và đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, huyện Lộc Hà luôn xác định bảo vệ môi trường biển là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Bên cạnh lắp đặt các thùng đừng rác tại khu du lịch, thì hoạt động thu gom rác ven biển cũng được chính quyền các cấp triển khai khá tích cực. Các hoạt động thu gom giờ đây được duy trì hàng tháng, khi cao điểm có thể thực hiện hàng tuần.

4(1).jpg
Hà Tĩnh có vị trí trọng yếu trong giao thương liên kết giữa các vùng miền

Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “Cùng với thu gom rác thải thì hiện nay chính quyền địa phương huyện Lộc Hà cũng đang quy hoạch và xây dựng các điểm thu gom xử lý nước thải tập trung tại xã Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà tránh trường hợp đổ thẳng rác thải ra biển”.

Tại huyện Cẩm Xuyên, các công trình xây dựng ven biển vi phạm cũng đang được các cấp chính quyền vào cuộc xử lý. Đối với khu cầu cảng tự phát tại xã Cẩm Lĩnh do nhu cầu chính đáng của ngư dân nên hiện nay chính quyền địa phương chỉ mới tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Và sẽ xử lý triệt để khi cầu cảng mới đảm bảo các quy định.

Được biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên hiện đã quy hoạch, sẽ sớm xây dựng khu cảng cá tại xã Cẩm Nhượng nhằm đáp ứng nhu cầu của ngư dân trong việc neo đậu, thông thương.

5.jpg
Ông Lê Ngọc Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Ông Lê Ngọc Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên chia sẽ: “Vị trí giáp biển của Cẩm Xuyên có vai trò hết sức quan trọng trong giao thương liên kết giữa các vùng miền, cùng với đó là bãi tắm đẹp, nổi tiếng. Với lý do đó, chúng tôi xác định, biển không chỉ đem lại nguồn lợi thủy sản mà còn là nơi để phát triển du lịch, thương mại... Sự giàu có của biển sẽ mang lại sự sung túc thịnh vượng cho mỗi một người dân, địa phương nên việc phát triển kinh tế biển phải đặt mục tiêu bền vững”.

Nhằm cụ thể hóa Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam", từ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phát động “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”. Tại Hà Tĩnh với sự quan tâm, vào của các cấp, các ngành hoạt động này được triển khai thường xuyên liên tục góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như tôn vinh giá trị của đại đương, tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương. Đồng thời, qua các hoạt động cũng nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển trong toàn thể nhân dân.

6.jpg
Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển

Được biết, Hà Tĩnh hiện có 135 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi; có trên 1.300 tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi ứng dụng tời thu lưới rê trên tàu cá. Có 30 cầu cảng, trong đó 22 cầu cảng đang hoạt động khai thác, tám cầu cảng đang thi công xây dựng. Biển Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp, theo đó du lịch biển đã và đang phát triển đáng kể, hiện toàn tỉnh có trên 1.145 phòng nghỉ, trong đó có 02 khách sạn 3 sao, 03 khách sạn 2 sao và nhiều nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Kiểm soát môi trường biển hướng mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO